Trải qua năm tháng, các hội quán người Hoa vẫn duy trì kiến trúc xưa, mái nghiêng, ngói ống. Một số hội quán có lịch sử gần ba thế kỷ.
Hội quán Tuệ Thành – chùa Bà
Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc huyện Tuệ Thành, Quảng Đông đã rời bỏ làng quê sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu lớn vào các năm 1800, 1842, 1890, 1916...
Chùa thờ bà Thiên Hậu là chính. Bà được người Quảng Đông gọi là "A Phò" (Đức Bà). Theo tước phong của phong kiến Trung Quốc thì gọi bà là Thiên Hậu thánh thánh Mẫu. Người Phúc Kiến và Hải Nam thích gọi bà là "Đạo Mẫu". Bà được đại bộ phận người Hoa tôn thờ, thành kính nhất trong các thần và dành thờ ở ngôi chùa trang trọng, to lớn nhất của khu vực.
Truyền thuyết về bà tuy có sự khác biệt ít nhiều nhưng chủ yếu vẫn là sự linh hiển của bà, một người phụ nữ Hoa có lòng hiếu thảo, có đức hạnh...Đề cao bà, ngưỡng mộ và thành kính bà, người Hoa muốn qua đó giáo dục cho cộng đồng mình hãy noi gương bà và học tập theo lòng hiếu thuận đối với cha mạ, xả thân vì mọi người như bà.
Mặt khác, khi sang Việt Nam lập nghiệp, trên bước đường nguy nan, bị đe dọa bởi sóng gió, người Hoa cầu nguyện đến bà và giờ đây được an cư lạc nghiệp ở quê hương thứ hai này, người Quảng Đông thờ bà để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với sự phù trợ của bà. Chùa Bà có vị trí quan trọng đối với người Hoa Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu... và cả người Việt.
Theo lời những người nước ngoài từng đến TP.HCM, đây là một trong những di sản hoàn mỹ nhất của TP.HCM. Những năm gần dây, hội quán triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ học sinh nghèo vào đại học, giúp đỡ người cao tuổi. Ngày nào, chùa Bà cũng có khách du lịch trong và ngoài nước viếng thăm.
Hội quán Nghĩa An – chùa Ông
Kiến trúc ngôi chùa mang màu sắc Trung Hoa cổ kính, có lịch sử trên 200 năm, phù điêu gốm trên mái ngói hay các bông hoa chạm ngược, tượng kỳ lân, diềm gỗ, kèo sơn màu đỏ thắm...
Chùa Ông tọa lạc tại 676 đường Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Miếu vốn là hội quán của bang Triều Châu, do người Triều Châu và người Hẹ ở Triều Châu sang Việt Nam sinh sống thành lập. Văn bia chạm trên vách miếu cho biết miếu đã được trùng tu vào các năm 1866, 1901, 1966. Lần trùng tu mới nhất là vào năm 1984.
Như phần lớn các đền miếu của người Hoa, miếu có kiến trúc tổng thể hình chữ khẩu. Sân miếu khá rộng, gần hai ngàn mét vuông, chiếm hơn phân nửa diện tích khuôn viên. Phần còn lại gồm tiền điện, sân thiên tỉnh, nhà hương, chính điện và văn phòng hội quán dọc hai bên các điện thờ.
Kiến trúc và trang trí ở miếu thể hiện rõ nét phong cách Trung Hoa qua thiết kế, qua các tượng, phù điêu bằng gốm trên mái ngói hay các bông hoa chạm ngược, tượng kỳ lân, diềm gỗ... trên bộ vì kèo sơn màu đỏ thắm...
Từ hai cổng lớn vào đến cửa miếu có năm cặp kỳ lân lớn nhỏ bằng đá đặt đối xứng nhau. Đẹp hơn cả có lẽ là cặp "lân hàm châu" (lân ngậm ngọc) chầu hai bên cửa.
Phía trên, trước biển chữ "Nghĩa An hội quán" treo bức nghi môn làm năm 1903 chạm nổi cảnh "Lục Quốc phong tướng". Trên vách mặt tiền hai bên cửa miếu chạm chìm các chữ Hán và sáu bức chạm cành trúc khác nhau, là những tác phẩm chạm khắc đá giá trị.
Nội thất miếu trang nghiêm với những cột gỗ cao treo câu đối, những bao lam cửa chạm hai mặt, bao lam khám thờ, khám thờ... chạm trổ tinh tế từ những điển tích Trung Hoa đến những sinh hoạt đời thường như: gánh nước, đốn củi..., những con vật trong tứ linh xen lẫn tôm, cua, cá, mực...
Chính điện miếu, giữa có gian thờ Quan Thánh đế quân trang trí bao lam lưỡng long tranh châu. Tượng Quan Đế cao 300cm, mặc áo gấm xanh, ngồi trên ngai, đặt trong khám thờ chạm viền nhiều lớp tùng - hạc, mai - điểu, mẫu đơn - trĩ, Bát tiên giao chiến thủy quái... Đứng hầu hai bên trước bệ thờ là tượng Quan Bình và Châu Xương cao gần 200cm, đặt trong tủ kính.
Hàng năm lễ cúng Quan Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, là lễ cúng quan trọng nhất ở miếu. Nghĩa An hội quán - không chỉ là nơi đông đảo đồng bào Hoa Việt đến chiêm bái; một di tích về sự hiện diện của người Hoa gốc Triều Châu ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn có giá trị về nghệ thuật thư pháp, nghệ thuật chạm đá và nghệ thuật chạm gỗ nửa cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
(Nguồn Citilink)