Chùa Ma-ha-túp - chùa Mã Tộc, hay chùa Dơi theo cách gọi dân gian, nằm cách thị xã Sóc Trăng gần 2 km. Ðây là một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc tiêu biểu của Phật giáo Nam tông Khmer Nam Bộ và thuộc vào hàng các ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng.
Chùa Dơi được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16 và đã được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là lần trùng tu từ năm 2007 đến 2009 sau khi xảy ra hỏa hoạn làm cháy gian chính điện với tổng kinh phí lên tới hơn 4 tỷ đồng. Từ xa nhìn lại, ngôi chùa nổi bật trên nền cây xanh bởi lối kiến trúc và mầu sắc trang trí khá cầu kỳ. Mái chùa gồm hai tầng lớp ngói mầu, trên mái còn bố trí nhiều tháp nhỏ. Những đầu mái phía đầu hồi được chạm trổ tinh xảo hình rắn Na-ga uốn lượn hướng về tâm tháp cao vút trên đỉnh chùa. Hành lang bao quanh chùa được thiết kế một hàng cột với các tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực và nụ cười lẩn khuất huyền bí như một thứ ngôn ngữ không lời đón chào du khách thăm viếng.
Gian chính điện chùa có đặt một pho tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối cao 1,5 m, ngự trên một tòa sen cao khoảng hai mét. Chung quanh là những bức tường trang trí các tác phẩm tranh vẽ sinh động, mang phong cách dân gian, miêu tả cuộc đời Ðức Phật, từ lúc ra đời cho tới khi được khai minh rồi nhập Niết bàn. Ngoài gian chính điện, trong khuôn viên chùa còn có nhiều bảo tháp chứa di hài, nơi thờ cúng các nhà sư quá cố cùng nhà ở của các sư và nhà hội Sa La như kiểu nhà rông hay hội trường... Bên cạnh hệ thống tượng Phật, chùa Dơi cũng là nơi hiện lưu giữ nguyên vẹn các bộ kinh ghi trên lá cây thốt nốt, những hiện vật quý hiếm mang nhiều giá trị đặc sắc về văn hóa tín ngưỡng của vùng đất Nam Bộ.
Nằm giữa một không gian cây xanh rộng lớn, có diện tích khoảng ba ha, um tùm các loại cây ăn quả như xoài, vú sữa, sầu riêng, măng cụt, chùa Dơi còn nổi tiếng với một đàn dơi lên tới hàng vạn con cư ngụ. Cũng chính vì vậy cho nên chùa mới được nhân dân trong vùng và khách hành hương gọi là chùa Dơi để gắn với hiện tượng kỳ thú này của thiên nhiên. Ðây là loài dơi quạ (tên khoa học là Flying-fox), mỗi con trưởng thành sải cánh dài khoảng 1m và nặng khoảng 1,5 kg. Khi hoàng hôn buông thì đàn dơi mới bắt đầu xao xác thức dậy và bay đi kiếm ăn, để rồi lại trở về chùa vào 4 giờ sáng hôm sau. Ban ngày, dơi thường treo mình ngủ trên các cành cây trong vườn chùa theo kiểu treo dốc đầu. Nhìn từ xa rất khó phát hiện vì chúng bám trên cây chi chít, trông như những đám lá cây rủ xuống trên cành và thân cây. Ðiều đặc biệt và khó hiểu là dơi chỉ đeo bám vào những cành cây trong phạm vi chùa chứ không đeo bám vào những cành cây mọc chìa ra phía ngoài chùa. Tuy là loài động vật ăn hoa quả, nhưng hàng vạn con dơi cư ngụ trong khuôn viên chùa lại không hề động chạm đến vô vàn quả cây chín trong vườn chùa.
Không chỉ có đàn dơi quạ, chùa Dơi Sóc Trăng còn nổi tiếng với đàn lợn (heo) năm móng. Những con heo này bị biến đổi về cấu trúc di truyền do đó có năm móng chứ không phải là ba móng như heo thông thường và do nhân dân trong vùng mang đến để nhà chùa nuôi hộ. Trước đây, đàn heo này có tới sáu, bảy con, hiện nay chỉ còn bốn con, con "già" nhất cũng đã năm tuổi. Do được nuôi trong sân vườn chùa, chúng khá mập, chậm chạp nhưng rất khôn và dạn dĩ, thân thiện với du khách tham quan.
Có thể nói, đến nơi đây, được dạo bước trong khuôn viên mênh mông, rợp bóng mát cây xanh của vườn chùa, ngắm nhìn hàng vạn con dơi treo mình ngủ trên tán lá, bên những chú lợn tròn trĩnh, đủng đỉnh bước đi trong sự tĩnh lặng của cảnh chùa, du khách mới cảm nhận được một cách đầy đủ ý nghĩa về một môi trường sinh thái trong lành và bình yên, nơi con người cùng thiên nhiên như đang hòa vào làm một.
Với vẻ đẹp nghệ thuật kiến trúc cổ kính, tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ và các giá trị văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, bao phủ bởi những câu chuyện và các hiện tương thiên nhiên mang nhiều nét huyền bí, kỳ thú, chùa Dơi đã và đang trở thành một điểm viếng thăm và tham quan của khá đông người hành hương, du khách ở trong nước và ngoài nước khi đến với Sóc Trăng nói riêng và khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
(Nguồn báo nhân dân)