Mặt trước của la thành xây 4 trụ, hai cột cao ở giữa, hai cột thấp hai bên. Kiến trúc Tam Quan chùa Giác Lương rất đặc biệt, xây hai tầng với mái giả, quy mô đồ sộ, to lớn nhất trong các tam quan chùa ở Huế hiện nay. Nội thất chùa, từ bộ khung đến hệ thống liên ba, cửa bảng khoa đều trang trí, chạm nổi hình bát bửu, tứ linh, tứ thời, và các kiểu hoa văn tinh xảo. Trong chùa bài trí 8 án thờ, trong đó 3 án thờ chính là án thờ Phật, án thờ thánh Quan Công và án thờ "Nhị thập tôn phái". Trên các hàng cột đều có treo đối liễn xưa. Sau khi Văn chỉ làng Hiền Lương bị chiến tranh phá huỷ, dân làng đã rước ảnh đức Khổng Tử đến thờ ở gian tiền hữu. Chái sau khá rộng là nơi lưu giữ nhiều sắc phong và các tài liệu thư tịch cổ của chùa và của làng Hiền Lương. Ở chái trước, bên trái đặt giá treo chuông đồng, bên trên đặt giá treo trống, theo nguyên tắc "tả chung, hữu cổ". Chùa Giác Lương đã được xếp hạng là di tích kiến trúc, nghệ thuật cấp quốc gia theo Quyết định số 776-QÐ/BT ngày 23/6/1992 của Bộ Văn hoá Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch).Ông Trương Diên Hùng- Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết: “ Địa phương chúng tôi đang ấp ủ và sẽ thực hiện trong một ngày gần đây một tour du lịch thăm chùa cổ Giác Lương, thăm nhà thờ tổ nghề Rèn và xem thao diễn nghề Rèn của làng kết hợp với thăm làng cổ Phước Tích”.
Chùa Giác Lương là một trong những ngôi chùa cổ được xây dựng khá sớm ở vùng Thuận Hoá, dưới thời Lê, đánh dấu một giai đoạn phát triển rực rỡ về văn hoá và xã hội của dân tộc Việt trên con đường mở đất, mở nước về phương Nam - xứ đàng Trong. Mặt khác, nó còn góp phần nghiên cứu những đặc điểm riêng biệt về kiến trúc, cách thức thờ tự của một ngôi chùa làng cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn ở vùng bắc Trung bộ cũng như lịch sử hình thành phong cách kiến trúc chùa xứ Huế, trong dặm dài của nền kiến trúc Phật giáo Việt Nam.