Ở những vùng mà người Kinh thuộc vào hàng "dân tộc thiểu số" này, chợ phiên là một ngày hội. Những người đi chợ rời khỏi nhà từ khi trời chưa sáng, mang trên gùi là một bộ quần áo mới kèm với những sản vật sẽ mua bán trao đổi.
![Image Image](http://khamphaviet.vn/vn/images/stories/VietNam/main/cho%20phien%20tay%20bac1.jpg)
Chỉ
khi đến gần chợ thì họ mới thay bộ cánh đẹp đẽ ấy vào chợ, và điều đó
đã khiến phiên chợ ở vùng cao này luôn rực rỡ sắc màu của những trang
phục truyền thống các dân tộc.
Theo phương thức "có gì bán nấy", người ta mang lên chợ có khi chỉ là
một vài vốc quả trám, ít khóm gừng, vài nải chuối… Quần áo là thứ mua
bán nhiều hơn cả và giá chẳng hề rẻ như người ta nghĩ: nếu một nải
chuối chỉ 2.000 đồng, một bó rau 500 đồng thì một bộ quần áo người Mông
chẳng hạn, giá phải đến 200.000 đồng. Các loại thuốc đau răng, đau bụng
được bán thành lọ nhỏ theo kiểu "Sơn Đông mãi võ" giờ vẫn thấy ở đây.
Thậm chí, người ta còn bán ở chợ những miếng bùa.
Chợ phiên Tây Bắc khá ồn ào. Chó con - loại chó Bắc Hà đặc chủng của
vùng rất được người miền xuôi thích nuôi, được đem ra bán ở chợ. Lợn
lửng (heo tộc, heo mọi), là món mà các tay săn ảnh ở miền xuôi lên chợ
phiên thường mua về một hai con để đằng sau xe chở về để khoản đãi bạn
bè.
![Image Image](http://khamphaviet.vn/vn/images/stories/VietNam/main/cho%20phien%20tay%20bac2.jpg)
Tính
chất du mục của chợ phiên thể hiện rõ ở những chợ bò, chợ ngựa. Chợ
ngựa Bắc Hà họp giữa đường nhựa quốc lộ. Người ta vỗ mông, xem giò
cẳng, xem răng ngựa, dẫn qua dẫn lại để đánh giá con ngựa mà mình muốn
mua. Người ta tranh cãi, bàn luận về các khuyết tật nếu có của con
ngựa. Chỉ cần một tì vết nơi bốn vó của chúng, giá có thể sẽ khác xa
với giá được đưa ra ban đầu.
Chợ phiên vừa là nơi mua bán, vừa nơi trẩy hội, giao tình. Rượu ngô là
thứ không thể thiếu trong các phiên chợ. Thường thì khi gần tàn phiên,
trai gái bắt đầu mời nhau những chén rượu nồng và đến lúc chợ tàn là
lúc họ cũng say la đà, có người say đến mức nằm vật ra cả bên vệ đường.
Những chợ phiên độc đáo của Tây Bắc đang dần trở thành một sản phẩm du
lịch của vùng, thu hút khá đông những du khách vốn đã chụp ảnh đến
"mòn" máy những cảnh trí miền xuôi.
Theo SGTT