Chùa Láng hay còn được gọi là Chiêu Thiền tự ở Láng Thượng, quân Đống Đa, Hà Nội, nơi có rau húng thơm ngon nổi tiếng. Đây là ngôi chùa thuộc loại lớn nhất, có phong cảnh đẹp nhất ở Thủ đô.
Chùa được dựng trong thời vua Lý Anh Tông (1138 – 1175), đến nay đã gần 900 năm tuổi. Chùa được xây để thờ phật và ghi nhớ công ơn của Từ Đạo Hạnh, vị thiền sư nổi tiếng thời Lý. Tương truyền ông tên là Lộ, con của quan đô sát Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan. Do Từ Vinh bị giết bởi một pháp sư có tên là Đại Điên, Từ Lộ đã đi tu luyện phép thuật và giết được Đại Điên để trả thù cho cha. Sau đó, ông đi vân du khắp nơi để học đạo và cứu nhân độ thế và cuối cùng viên tịch tại núi Sài Sơn. Dân chúng lập đền thờ Từ Đạo Hạnh tại chùa Thiên Phúc thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, còn gọi là chùa Thầy.
Truyền thuyết kể rằng, sau khi chết, ông đầu thai thành con của Sùng Hiền Hầu - em trai của vua Lý Nhân Tông. Nhân Tông không có con nên đã nhường ngôi cho con của Sùng Hiền Hầu, người con này chính là Từ Đạo Hạnh đầu thai, trở thành vua Lý Thần Tông. Cho nên trong chùa, ngoài tượng Phật, còn có tượng Từ Đạo Hạnh, và tượng Lý Thần Tông. Từ Đạo Hạnh còn được gọi là Đức Thánh Láng.
Khuôn viên chùa khá rộng rãi, được bao quanh bởi bức tường gạch. Các công trình xây dựng theo một trục dọc đối xứng từ cổng tam quan đến tòa hữu vu, tả vu, nhà bát giác, tiền đường, hậu tổ phía sau (trước đây có đến 100 gian). Các công trình kiến trúc hòa hợp với các lối đi, sân vườn, những hàng cây cổ thụ rợp bóng tạo nên một không gian tĩnh mịch, cổ kính.
Chùa Láng đã được trùng tu nhiều lần. Thời Lê Trung Hưng 1656 có lần tu sửa lớn, có dựng văn bia có đoạn ca ngợi cảnh chùa: “Thật là danh lam bậc nhất, không chùa nào sánh kịp”. Thời vua Tự Đức lại được trùng tu lần nữa, để lại diện mạo như ngày nay.
Tại chùa còn lưu giữ các tấm bia, chuông, khánh, đạo sắc từ các thời Trịnh, Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Đáng tiếc cuốn kinh bằng đồng lá của vua Lý thường dùng để tụng niệm đã bị thất lạc từ năm 1946 chưa tìm lại được.
Hội chùa Láng nhằm ngày viên tịch của Từ Đạo Hạnh 7 tháng 3 Âm lịch hàng năm. Ca dao cũ còn ghi: “Nhớ ngày mồng bảy tháng ba, trở về hội Làng, trở ra chùa Thầy”. Hội có đám rước và nhiều trò diễn, nhiều trò vui thu hút được rất đông Phật tử, nhân dân khắp nơi đến dự.
Ngày nay đến chùa Láng, ta có thể từ ô Cầu Giấy đi theo đường Láng hoặc từ đường Nguyễn Chí Thanh rẽ vào phố Chùa Láng. Bước vào cổng chùa đã gặp ngay không khí u nghiêm, tĩnh mịch, giải thoát cho tâm hồn người những lớp bụi trần ô trọc.
(Nguồn: Báo Thương mại)