Kiến trúc sư Phùng Phu, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: các công trình kiến trúc di tích Cố đô Huế được trùng tu chuẩn mực theo đúng nguyên tắc bảo tồn di sản của quốc gia và quốc tế, được Tổ chức UNESCO, Hội đồng bảo tồn di tích quốc gia, các nhà khoa học đánh giá cao.
Trung tâm là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước về lĩnh vực bảo tồn, trùng tu, tôn tạo và chống xuống cấp di tích. Trung tâm đã tiến hành trùng tu, tu bổ các công trình có giá trị tiêu biểu như Ngọ Môn, Thế Tổ Miếu, cung Diên Thọ, nhà hát Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, lăng Gia Long, lăng Tự Đức, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, Cung An Định, các cổng vào Kinh Thành, quảng trường Kỳ Đài - Ngọ Môn..., góp phần chỉnh trang đô thị, làm đẹp và hồi sinh những giá trị lịch sử của một Cố đô cổ kính. Mới đây, Trung tâm đã hoàn thành việc trùng tu di tích Lầu Tứ phương vô sự tại Đại Nội - Huế, một trong những công trình tiêu biểu về kiến trúc và nghệ thuật văn hóa thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế. Công trình do Phân viện Khoa học công nghệ xây dựng miền Trung (Bộ Xây dựng) trùng tu sau hơn 2 năm thi công. Lầu Tứ phương vô sự xây dựng năm 1923, dưới thời vua Khải Định, là một công trình kiến trúc hai tầng với những đường nét kiến trúc hài hoà, giao thoa giữa phong cách Á-Âu, góp phần làm phong phú cho cho di sản văn hóa Huế. Lầu Tứ phương vô sự nói riêng và Bắc Khuyết Đài nói chung bị hư hỏng nặng nề và xuống cấp nghiêm trọng do chịu sự tác động khắc nghiệt của thời tiết, chiến tranh tàn phá... Trước khi trùng tu, hệ thống tường thành của Bắc Khuyết Đài bị mất ổn định, nguyên nhân chủ yếu do áp lực đất bão hoà nước cùng với tải trọng tăng cường của Lầu Tứ phương vô sự làm cho tường bị đẩy trượt ra ngoài, làm gãy nứt nhiều đoạn. Toàn bộ hệ khung gỗ bị mất hoàn toàn, tường nhà tầng một bị sụp đổ một mảng nghiêm trọng ở phía Bắc, tường nhà tầng 2 bị sụp đổ gần hết, nền nhà bị sụt lún, hư hỏng trầm trọng…
Nhìn chung, các dự án trùng tu di tích Cố đô Huế đều tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc khoa học và các tiêu chí của quốc gia và quốc tế về công tác bảo tồn, tu bổ di sản văn hoá. Công việc sưu tầm tư liệu, điều tra, thám sát, khảo cổ học tại di tích Huế đã đem lại kết quả đáng tin cậy, phục vụ công tác tu bổ, phục hồi di tích. Hiện Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ di tích theo Luật Di sản văn hoá; tổ chức biên dịch hàng chục đầu sách phục vụ cho công tác nghiên cứu và tu bổ, đặc biệt là bộ "Khâm định Đại Nam Hội điển sử lệ tục biên"; sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng thành công các Lễ hội Nam Giao, lễ tế Đàn Xã Tắc, lễ hội Truyền lô, lễ tái hiện thi Tiến sĩ võ…phục vụ các kỳ Festival Huế, được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao. Phục chế đồ sứ ký kiểu và y phục triều Nguyễn phục vụ cho công tác trưng bày, chỉnh lý và kiểm kê khoa học trên 10.000 hiện vật, đăng ký bảo vật quốc gia, sắp xếp hiện vật theo nhóm để bảo quản theo định kỳ…Trung tâm còn triển khai có hiệu quả dự án bảo tồn Nhã nhạc do UNESCO tài trợ đồng thời xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn các hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể. Nhiều loại hình âm nhạc, múa, tuồng cung đình đã được phục dựng có bài bản từ các nguồn tư liệu đã được sưu tầm, các nghệ nhân truyền thụ lại. Chính phủ cũng vừa phê duyệt đề án "Điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010-2020" làm cơ sở cho việc hoàn thành việc trùng tu hệ thống di tích vào năm 2020.
Nguồn: TTXVN