Vùng đầm phá Tam Giang - Thừa Thiên Huế được xem là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, có diện tích trên 22.000 ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, với hệ sinh thái đa dạng phong phú, nơi sinh tồn của hàng ngàn loài sinh thủy có giá trị kinh tế cao và tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Tiềm năng vùng đầm phá Thừa Thiên Huế hiện được chia làm 3 vùng để khai thác là Tam Giang - Cầu Hai, Chân Mây, Lăng Cô - Hải Vân - Sơn Chà. Tại đây có các bãi biển Thuận An, Vinh Hiền, Cảnh Dương, Lăng Cô với hệ sinh thái đa dạng. Riêng khu vực Lăng Cô - Hải Vân - Sơn Chà đã phát hiện được 1.580 loài sinh vật biển, sinh vật trên cạn, với các loài quý hiếm, đặc hữu được xác định theo sách đỏ Việt Nam. Cảnh quan thiên nhiên khu vực này rất đẹp, có vị trí địa lý thuận lợi trên hành trình Di sản miền Trung. Lăng Cô cũng là nơi xuất phát lý tưởng cho các chuyến du lịch sinh thái với phong cảnh khác nhau như thăm Vườn Quốc gia Bạch Mã, đèo Hải Vân, du lịch biển-đảo.. rất thuận lợi cho hình thức phát triển du lịch thân thiện với môi trường.
Hiện nay, tiềm năng của vùng đầm phá chỉ được khai thác tập trung chủ yếu vào đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, còn tiềm năng du lịch chỉ mới bắt đầu được khai thác. Vài năm trở lại đây, một số dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch ven đầm phá được triển khai. Một số lễ hội đặc trưng của cư dân vùng đầm phá được tổ chức qui mô rầm rộ hơn như, lễ hội Cầu ngư làng An Truyền, Lăng Cô huyền thoại biển, Thuận An biển gọi và mới đây là lễ hội "sóng nước Tam Giang"..., nhưng cũng chỉ là những tour du lịch riêng lẻ và khai thác theo mùa vụ, lại chưa nằm trên bản đồ tour, tuyến du lịch của ngành du lịch Thừa Thiên Huế nên hiệu quả chưa cao. Gần đây tại Quảng Điền, Phú Vang tour du lịch đầm phá được triển khai qua dự án phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và cải thiện sinh kế ở đầm phá Tam Giang. Dự án thực hiện với 2 tuyến du lịch sinh thái cộng đồng ở Quảng Điền và Phú Vang. Sau 1 năm thực hiện, dự án đã góp phần cải thiện cảnh quan các cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch mới, tăng thêm nguồn thu nhập trực tiếp và gián tiếp cho người dân.
Vẫn còn nhiều tiềm năng du lịch vùng đầm phá cần được khai thác, vừa làm phong phú sản phẩm du lịch, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương, vừa góp phần nâng cao nhận thức người dân trong việc bảo tồn sinh thái vùng đầm phá.
Nguồn: NetCoDo