Múa dân gian của các dân tộc là nền tảng phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp của nước ta. Công tác đào tạo biên đạo nhạc công và diễn viên là bước khởi đầu để xây dựng nền tảng đó. Tuy nhiên, trong những năm gần đây công tác này còn bất cập trong tình hình phát triển nghệ thuật.
Nước ta có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều mang một bản sắc văn hóa riêng, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong sự thống nhất. Chính vì thế, Việt Nam có một kho tàng múa dân gian của các dân tộc đồ sộ và chúng ta đã tận dụng khai thác để xây dựng nền nghề thuật múa chuyên nghiệp, đồng thời để đào tạo huấn luyện các thế hệ nghệ sĩ múa qua các thời kỳ. Ngay từ những ngày đầu xây dựng nền nghệ thuật múa chuyên nghiệp, chúng ta đã có nhiều tác phẩm múa mang đặc trưng của các dân tộc từ chất liệu múa dân gian như: Tuần đuốc, Câu chuyện bên dòng sông, Sắc bùa, Những cô gái làng (dân tộc Việt), Mùa ban nở, Xòe nhạc, Hương xuân (dân tộc Thái), Xòe chiêng, Khúc dạo đàn, Then (dân tộc Tày), Múa chuông, Gậy tiền, (dân tộc Dao), Khát vọng, Khúc biến tấu từ pho tượng cổ (dân tộc Chăm), Cánh chim và ánh sáng mặt trời (dân tộc Khmer), Tiếng gọi nơi hoang dã (dân tộc Ê Ðê), múa ô, khèn (dân tộc Mông)... Việc khai thác chất liệu múa dân gian đồng thời được sử dụng trong các giáo trình giảng dạy nghệ thuật múa của Trường múa Việt Nam, Trường múa TP Hồ Chí Minh và các trường văn hóa nghệ thuật ở các địa phương. Cho đến nay, chúng ta đã khai thác chất liệu múa dân gian của 20 dân tộc. Những năm gần đây, công tác đào tạo múa dân gian dân tộc còn có nhiều bất cập. Trước hết, chúng ta chưa xây dựng được một bộ giáo trình đầy đủ, hoàn thiện, khoa học, vừa mang tính chất khái quát tổng thể vừa mang tính cụ thể đi sâu vào những đặc trưng tiêu biểu của chất liệu múa dân tộc để có thể coi bộ giáo trình là đại diện tiêu biểu cho toàn bộ vốn múa dân gian của các dân tộc Việt Nam. Ðội ngũ giáo viên ngày càng vắng đi những nghệ sĩ lớn, những thầy giáo tâm huyết với nghề lăn lộn ở vùng sâu, vùng xa để sống và tìm hiểu cuộc sống của các dân tộc. Các thế hệ giáo viên kế tiếp cứ dạy truyền nghề, trước học được như thế nào nay dạy lại như thế, nhiều giáo viên trẻ chưa từng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống không nắm được nguồn gốc, xuất xứ động tác, nội dung ý nghĩa của các điệu múa. Vấn đề đang nổi cộm là làm thế nào để thu hút được học sinh say mê học tập tiến tới sự sáng tạo. Suốt thời gian sáu, bảy năm học tập là một thử thách lớn đối với học sinh nghệ thuật múa, không chỉ học lý thuyết mà luôn luôn là sự thực hành vất vả, khổ luyện của hình thể. Ấy vậy mà khi ra trường lại ít được sử dụng đúng khả năng. Ðất của nghệ thuật múa đang bị thu hẹp trên các sàn diễn nhiều khi chỉ để minh họa cho các tiết mục hát hoặc đồng diễn trong các lễ hội mới.
Ðể nâng cao chất lượng đào tạo múa dân gian của các dân tộc, PGS, TS, NSND Lê Ngọc Canh đề xuất: Xây dựng giáo trình múa dân gian của các dân tộc kết hợp công trình nghiên cứu khoa học là một nhu cầu cấp thiết của đào tạo múa dân gian của các dân tộc ở Việt Nam. Mặc dù trước đây, ở một số cơ sở đào tạo môn múa dân gian, dân tộc, đã có sự kết hợp với công trình khoa học để tạo thành những giáo trình bằng văn bản, và giáo trình thực hành, song phần lớn các giáo trình đó chưa có tính thống nhất, tính quy phạm trên phạm vi toàn quốc.
Ðể nuôi dưỡng khát vọng và ước mơ của thầy và trò ở các cơ sở đào tạo, nghệ thuật múa cần được phát triển rộng rãi trong đời sống xã hội. Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam đã cố gắng tổ chức những cuộc thi tác phẩm múa, thi tài năng trẻ nhằm tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với công chúng... Ðiều đòi hỏi ngược lại là nghệ thuật múa muốn đi sâu vào đời sống thu hút đông đảo công chúng thì phải có tiết mục hay, nghệ sĩ giỏi, như vậy phải trở lại điểm xuất phát là công tác đào tạo.
Nguồn: Báo Nhân Dân