Trà Vinh cũng như nhiều vùng khác nữa ở ĐBSCL trồng khoai mì nhiều lắm. Khoai mì ngoài việc luộc, nướng, xay làm bột v.v… thì bánh phồng mì là món không thể thiếu mà ông bà xưa ở đây bày ra để mấy ngày lễ, Tết cúng kiến, tạ ơn tổ tiên, trời đất; rồi con cháu nhiều đời lưu truyền cho đến ngày nay.
Vào những ngày cuối năm, khắp các làng quê Trà Vinh vui như hội. Khói bếp lửa bập bùng, khoai mì lựa củ to nhiều bột, bóc vỏ, đem luộc chín, xong vớt ra để nguội. Đường cũng được thắng sôi lên. Trong khi cánh con trai dùng chày để quết khoai mì thì cánh con gái cho mì vào cối, trộn đường, uyển chuyển nhịp nhàng. Như vậy cho đến khi nào những củ khoai mì và đường ấy thành bột trong, dẻo, ngọt đều mới thôi. Cứ thế, hết ổ bánh này lại sang ổ bánh khác “cắc cụp, cắc cụp”… xen lẫn tiếng cười đùa suốt đêm khắp đầu trên xóm dưới. Cùng lúc, một nhóm các bà các cô khác đem mấy ổ bột đã quết đó ra chia đều, cán mỏng thành cái bánh phồng tròn như đĩa mặt trời. Bánh phồng còn ướt lại được trải đều trên chiếu mới, trên đệm, trên vỉ…
Khi bình minh ló dạng thì mọi việc cũng đã xong. Những chiếc chiếu, đệm… chứa đầy mặt trời sáng trưng được đem phơi nắng cho khô. Thế là hoàn tất. Sau khi gởi biếu họ hàng, thân thích xa gần, bánh phồng mì được trữ dùng dần.
Ngày rước ông bà, trong không khí trang nghiêm của phút giao thừa, bánh phồng mì nướng lửa rơm thơm phức được trịnh trọng đặt lên bàn thờ. Vậy đó, người nông dân chân chất không có cao lương mỹ vị mà chỉ có sản vật ở chính quê hương mình để dâng cúng lên tổ tiên.
Qua một mùa quết bánh phồng mì, đây đó cao xanh lại gắn đôi cho vài cặp. Những người từng đã ở quê Trà Vinh nay ra thành, ra tỉnh, ra nước ngoài, chắc tiếng “cắc cụp, cắc cụp” cùng hương vị đậm đà, giòn tan của chiếc bánh phồng mì cũng theo họ mãi.
Nguồn: website SGTT