Lâu nay, nói tới bài chòi có lẽ nhiều người chỉ biết đến đó là một loại hình nghệ thuật sân khấu, ít ai biết tới nguồn gốc của nó từ trò diễn xướng dân gian có từ lâu đời. Tương truyền, Hội đánh bài chòi cổ dân ca Bình Ðịnh do Ðào Duy Từ sáng tạo và truyền dạy. Trải qua bao thăng trầm biến cố, Hội đánh bài chòi dần bị mai một. Năm 2010, Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Ðịnh phục dựng nguyên gốc loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc này. Hiện nay, tỉnh đã có kế hoạch nhân rộng tổ chức Hội đánh bài chòi cổ dân gian ở các địa phương trong tỉnh vào những dịp lễ hội và Tết cổ truyền. Ðầu Xuân Nhâm Thìn, chín chiếc chòi được dựng lên trên sân Nhà hát Kim Mã. Tất cả vật liệu nguyên gốc được vận chuyển từ Bình Ðịnh. Cách chơi Hội đánh bài chòi được diễn ra trình tự: Người chơi mua một thẻ bài, có ghi ba con bài rồi lên chòi. Khi chòi đã đủ người chơi, các anh, chị "hiệu" (người hô) lần lượt rút thẻ hô tên con bài, chòi nào có thẻ bài cái trúng với tên hô thì được nhận thẻ. Khi có một chòi trúng đủ ba con bài trùng với ba con bài trong thẻ bài thì trúng thưởng. Mỗi hội bài chòi chơi ba ván. Ðiều đặc biệt nhất là các anh chị "hiệu" mỗi lần rút thẻ trước khi hô tên con bài đều hát một bài hát với làn điệu và nội dung khác nhau. Người trúng thưởng được nghe câu hát chúc Tết của anh chị "hiệu". Suốt buổi diễn xướng, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng mõ, tiếng hát luôn vang lên sôi động cuốn hút người xem. Các nghệ nhân nam, nữ hát trong Hội đánh bài chòi rất điêu luyện, nhìn tên thẻ bài là có điệu bộ và hát ứng ngay với những làn điệu. Tiếng hát nhiều lúc cuốn hút, mọi người dường như quên đi sự chờ đợi hô tên con bài và chòi nào trúng.
Từ trò diễn xướng dân gian này, những người làm nghệ thuật sân khấu đã có ý tưởng đưa bài chòi lên sân khấu. Vở diễn Thoại Khanh - Châu Tuấn của tác giả Nguyễn Tường Nhẫn ra mắt vào những năm 60 của thế kỷ trước khẳng định bài chòi là một bộ môn nghệ thuật sân khấu. Ở vở diễn này, tác giả đã khai thác triệt để các làn điệu bài chòi trong diễn xướng dân gian để thể hiện một câu chuyện cảm động với những nhân vật có tính cách điển hình. Câu chuyện ca ngợi mối tình thủy chung giữa Thoại Khanh và Châu Tuấn, ca ngợi người vợ một lòng son sắt với chồng, hiếu thảo với mẹ. Những làn điệu bài chòi đã thể hiện nội tâm và tính cách nhân vật rất sâu sắc. NSND Lệ Phi thể hiện thành công vai Thoại Khanh với lối diễn tinh tế và giọng hát truyền cảm. Vở diễn đã gây được tiếng vang lớn, chinh phục nhiều người xem Thủ đô hồi đó.
Vừa qua, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện Ðề án bảo tồn và phát huy nghệ thuật bài chòi. Vở diễn Thoại Khanh - Châu Tuấn đã được dựng lại ở Hà Nội với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Sau mấy chục năm, vở diễn xuất hiện trên sân khấu Thủ đô vẫn giữ được sự truyền cảm mạnh mẽ.
Cùng với việc tái diễn vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, chặng đường đi của nghệ thuật bài chòi đã được khẳng định từ diễn xướng dân gian đến nghệ thuật biểu diễn sân khấu./.