(Toquoc)-Khi khách du lịch bỏ tiền ra mua một sản phẩm nào đó là họ muốn mua “ký ức” về nơi mà họ đã thăm quan. Mục đích đó của khách chắc chắn là không đạt được khi những món đồ “ký ức” lại không chứa đựng dấu ấn của điểm đến.
700 USD là mức chi tiêu tối đa trung bình của một du khách nước ngoài lưu trú tại Việt Nam trong khoảng thời gian 5-10 ngày, theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 1200 USD, tại Singapore là 1500 USD. Bên cạnh việc có quá ít điểm vui chơi giải trí về khuya, thiếu các trung tâm mua sắm lớn thì sự nghèo nàn và đơn điệu của thị trường đồ lưu niệm cũng là một lý do khiến khách du lịch không muốn tiêu tiền khi đến Việt Nam.
Những sản phẩm mang dấu ấn Việt Nam như thế này không đủ gây ấn tượng với du khách (Ảnh: H.Hồng)
Tại Hà Nội, khu vực mua sắm đông đúc nhất là phố cổ với trung tâm là chợ Đồng Xuân. Các mặt hàng lưu niệm phổ biến mà khách du lịch ưa chuộng là mặt nạ tuồng, con rối, búp bê thiếu nữ các dân tộc, tranh sơn mài, tranh thêu, lụa, túi thổ cẩm, đồ mỹ nghệ bằng gỗ, đá, đồ gốm sứ, mô hình xích lô…
Song, dù rất đẹp, rất tinh xảo nhưng những món đồ trên cũng không thể “móc hầu bao” của nhiều khách du lịch. Kích thước lớn, hoặc nặng, hoặc cồng kềnh và rất dễ vỡ, trày xước, bong tróc, biến dạng trong quá trình vận chuyển là những nhược điểm thấy rõ.
Nhưng đáng buồn nhất là, ngay cả những chiếc xích lô mang đặc trưng của Hà Nội hay tranh thêu, tranh sơn mài bán trên phố cổ cũng không phải 100% là hàng “made in Vietnam”. Anh Tuấn - chủ cửa hàng đồ lưu niệm trên phố Đinh Liệt cho biết: “Tranh thêu và sơn mài Việt Nam rất đẹp nhưng rất đắt, loại rẻ thì lại xấu và “thủ công”. Trong khi đó đồ Trung Quốc rất sáng và rẻ hơn nhiều ngay cả khi đã qua mấy mối buôn. Hay như chiếc xích lô mà Trung Quốc làm cũng tinh xảo hơn xích lô Việt Nam làm. Họ lại sản xuất được nhiều, màu sắc bắt mắt. Trong khi chỉ có vài nhà ở phố cổ làm với số lượng rất nhỏ, sao có đủ để cung cấp cho thị trường, nhìn lại không “khôn” bằng đồ Trung Quốc. Đó là lý do hàng Trung Quốc ngày càng nhiều hơn vì bán dễ hơn. Khách Tây không phải ai cũng nhiều tiền để vào những hiệu bán đồ mỹ nghệ “made in Vietnam” xịn”.
Anh Tuấn cũng cho hay, kể cả các con búp bê thiếu nữ dân tộc thiểu số hay những quả gụ, chuồn chuồn tre bán ở phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân cũng trà trộn rất nhiều đồ Trung Quốc “Việt Nam làm sao sản xuất với số lượng lớn thế được”.
Thực tế, trên con phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân, hàng Việt Nam chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ. Từ cái nhẫn mỹ ký nhỏ xíu cho trẻ con đến kính, mũ, giày dép, quần áo, túi xách… đều là hàng Trung Quốc.
Chị Bình - một người chuyên về Từ Sơn - Bắc Ninh lấy hàng trang sức Trung Quốc về bán ở chợ đêm khẳng định: “99% trang sức bán ở phố đi bộ là hàng Trung Quốc, không có hàng Việt Nam ở đây. Dĩ nhiên là không có vàng bạc thật, không có ngọc trai thật, mã não thật. Nếu thật thì đã không rẻ như thế. Khách Việt thì hầu hết họ đều biết là mỹ ký và mã não giả, khách Tây thì có thể không biết. Nhưng khách Tây cũng rất hiếm người mua đồ ở đây. Họ thích những món đồ mang đặc trưng Việt Nam về làm quà. Mà ở đây thì không có ngoài mấy chiếc xích lô mô hình. Đồ mây tre đan, giỏ hoa khô thì là đồ làm bằng tay Việt Nam xịn đấy nhưng họ chê là giống Nhật Bản”.
Chị Bình tiết lộ: một cái nhẫn mã não giả hay chiếc hoa tai mỹ ký Trung Quốc lấy ở Từ Sơn chỉ có giá vài nghìn nhưng bán cho khách du lịch mười mấy nghìn đến vài chục nghìn vẫn được coi là rẻ và bán chạy. Trong khi đó, hàng trang sức Việt Nam chỉ có mấy loại chủ yếu là vàng, bạc, nhựa rẻ tiền và gốm Bát Tràng.
“Vàng thì là hàng xa xỉ và không thích hợp để trưng diện. Bạc thì rất xấu và không cạnh tranh được với mẫu mã đa dạng, sáng tạo của bạc Thái Lan và bạc giả Trung Quốc. Gốm Bát Tràng hồi mới ra các mẫu hạt gốm nhỏ để xâu thành chuỗi vòng bán rất chạy nhưng suốt 3-4 năm qua không có gì thay đổi, không sáng tạo hơn chút nào, nên giờ chẳng mấy người mua” - chị Bình nhận định.
Những điều này có thể lý giải cho việc vì sao ngày càng nhiều các hãng lữ hành xoá tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân ra khỏi lịch trình tour tham quan Hà Nội. Khách du lịch nước ngoài không muốn đến đây vì họ không biết mua sắm cái gì ở đó và không thể tìm được “ký ức” du lịch mang về quê hương.
Khách du lịch nước ngoài rất khó tìm mua đồ lưu niệm ưng ý (Ảnh: H.Hồng)
Đáng lo ngại nhất là sự xâm lấn của hàng Trung Quốc vào các làng nghề truyền thống Việt Nam. Ví như tại điểm du lịch làng lụa Vạn Phúc, để tìm mua được mảnh lụa Vạn Phúc thật, khách phải có người quen chỉ đường vào nhà dân. Chị Nguyễn Thị Hải - hướng dẫn viên du lịch tự do chuyên dẫn các tour làng nghề cho hay: “Chỉ cần biết suy luận một chút là khách có thể biết miếng lụa mình mua là giả hay thật. Nhất là quần áo lụa, nếu là lụa thật thì không thể có cái giá rẻ như thế. Khi vào các gia đình chuyên dệt lụa, tôi thấy rõ sự kỳ công để làm ra miếng lụa, đồng thời cũng nhận ra rằng, lụa Việt Nam từ màu sắc lẫn hoa văn đều nền nã, đôi khi đơn điệu, không rực rỡ và đa dạng như các cửa hàng lụa ngoài phố. Người dân họ nói, các chủ cửa hàng ngoài phố thường cất hàng từ Trung Quốc về, trà trộn vào để bán cho khách bình dân. Chỉ “khách sang” vào thì họ mới giới thiệu lụa Vạn Phúc thật cho khách”.
Làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), làng đá Non Nước – Đà Nẵng cũng thường xuyên nhận được phàn nàn từ du khách về “tai nạn” mua phải đồ Trung Quốc. Nhiều du khách Việt lẫn Tây vào thăm làng đá Non Nước đã vô cùng ngạc nhiên khi một làng nghề có truyền thống chế tác đá rất tinh xảo lại bày bán toàn trang sức đá Trung Quốc mà họ có thể tìm thấy ở bất cứ điểm du lịch nào dọc Việt Nam.
Chị Trần Hạnh Nhân ở Trung Liệt-Đống Đa-Hà Nội kể về chuyến du lịch vào Đà Nẵng trong mùa hè vừa rồi: “Đoàn chúng tôi vào làng Non Nước với sự háo hức sẽ mua được những mặt đá trang sức về dùng dần và làm quà tặng mọi người. Nhưng đi khắp làng mà chỉ mua được duy nhất một chiếc mặt đá bé xíu mà cô bán hàng bảo đó là hàng Việt Nam duy nhất trong mớ trang sức bày ra. Và sở dĩ có chiếc mặt đá ấy là một hoạ sỹ làm việc tại xưởng chế tác “làm chơi”. Họ cho biết làng chỉ sản xuất đồ mỹ nghệ cao cấp bằng đá, mà những đồ đó chúng tôi không đủ tiền mua, cũng không phải mặt hàng mình thích và có nhu cầu mua”.
Chị Nguyễn Thị Hải cũng cho rằng, khách nước ngoài có thể rất thích đồ lưu niệm bằng đá nhưng họ cũng chỉ mua với số lượng rất nhỏ, mang tính kỷ niệm cho bản thân là chính, chứ không thể làm quà tặng bạn bè. “Việc mang những đồ lưu niệm nặng trong hành lý rất khó khăn để sắp xếp, bảo quản, nhất là sẽ bị phát sinh thêm cước vận chuyển khi đi bằng máy bay. Khách nước ngoài lại có tâm lý thích gọn nhẹ khi đi du lịch chứ không khệ nệ mang vác như người Việt. Do đó, với những món đồ lưu niệm nặng hoặc cồng kềnh, dù rất thích thì họ cũng không muốn mang theo nhiều”.
Chị Hải cũng chia sẻ: “Dẫn nhiều đoàn khách, điều khó khăn nhất với các hướng dẫn viên là tư vấn cho khách mua gì. Ngoại trừ một số hướng dẫn viên ăn hoa hồng của điểm mua sắm mà tư vấn bừa cho khách hòng kiếm chác lợi nhuận, nhưng người làm nghề có lương tâm đều gặp rắc rối khi khách hỏi nên mua gì về làm quà cho người thân. Kể cả với những đoàn khách Tây Âu hay Nhật Bản - những người sẵn sàng chi trả cao để mua được món quà đẹp nhất.
Nhiều năm nay, tôi chỉ biết tư vấn cho khách mua duy nhất một thứ, đó là mô hình chùa Một Cột. Đó cũng là món đồ 100% Việt Nam, có dấu ấn Hà Nội, lại nhỏ gọn dễ cất vào hành lý.
Điều này làm tôi cảm thấy “bất an” khi mà Việt Nam có quá nhiều biểu tượng du lịch như áo dài, nón lá, cô gái quan họ, vịnh Hạ Long, Khuê Văn Các, Hồ Gươm… nhưng lại không biến thành đồ lưu niệm đặc trưng phổ biến. Trong khi Malaysia chỉ có cái Tháp đôi không quá đặc sắc, họ cũng biết truyền bá đi khắp thế giới bằng món quà nhỏ xíu như chiếc móc chìa khoá, dĩa ăn hoa quả, mô hình tháp đôi bé bằng hai ngón tay…
Khách đi Malaysia chỉ cần mang cái móc chìa khoá về cũng thể hiện được rằng mình vừa đi Malaysia. Còn khách du lịch trở về từ Việt Nam không biết tặng người thân cái gì để chứng tỏ mình vừa đến Việt Nam”.
toquoc.gov.vn(Tùng Mai)