Những ngày cuối năm 2010, UBND tỉnh BR-VT tổ chức đoàn khảo sát thị trường du lịch Vương quốc Campuchia, đồng thời giới thiệu với các đối tác nước bạn về tiềm năng du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu.
QUẢNG BÁ CHO MÌNH VÀ HIỂU THÊM VỀ BẠN
Ông Hồ Văn Niên, Trưởng đoàn cho biết: Chuyến đi này đã được chuẩn bị từ lâu, khá kỹ, nhưng đến nay mới thực hiện được. Tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch của 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, mục tiêu “ba quốc gia một điểm đến” đã được đưa ra vì nhu cầu kết nối du lịch ba quốc gia là rất lớn. Trong lúc chờ 3 cơ quan quản lý du lịch 3 quốc gia có thể chế về ký kết, kết nối du lịch, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các tỉnh, thành có điều kiện liên kết với các địa phương của nước bạn. Từ yêu cầu đó tỉnh mới tổ chức chuyến đi này.
Trong thời gian ở Vương quốc Campuchia, qua sự giúp đỡ của Hội Hữu nghị Việt Nam-Campuchia và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Đoàn công tác của tỉnh BR-VT đã có 3 cuộc tiếp xúc và làm việc chính thức với phía bạn, đó là chào xã giao lãnh đạo Bộ Du lịch và làm việc với một số quan chức Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia; chào xã giao lãnh đạo Thành phố Phnom Penh và làm việc với một số quan chức thành phố, lãnh đạo ngành du lịch thành phố; thăm Tỉnh trưởng Siem Reap và làm việc với lãnh đạo ngành du lịch Siem Reap.
Buổi làm việc với Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia diễn ra theo nghi thức ngoại giao nhưng cũng rất chân tình và ấm cúng. Do ông Bộ trưởng tháp tùng Thủ tướng Hun Sen đi công tác nên tiếp đoàn là ông Kousoum Saroeuth, Quốc vụ khanh Bộ Du lịch và lãnh đạo các cơ quan của bộ. Sau khi nghe Trưởng đoàn Hồ Văn Niên giới thiệu về BR-VT và mục đích của chuyến đi, ông Quốc vụ khanh đã nói chuyện rất cởi mở và thân mật. Ông cảm ơn đoàn đã giới thiệu về tỉnh BR-VT để phía bạn hiểu thêm và ông kể đã đến Vũng Tàu từ năm 1979, khi sang Việt Nam dự học khóa chính trị, đã đi tham quan nhiều nơi ở Vũng Tàu. Ông nói vui, BR-VT không chỉ có du lịch mà hải sản cũng nhiều và có những sản phẩm hải sản nổi tiếng. Về quan hệ du lịch giữa hai nước, năm 2009 lượng khách Việt Nam đến Campuchia là 316 ngàn người, so với năm 2008 tăng 50%. Trong 10 tháng đầu năm 2010, có 381 ngàn khách Việt Nam đến Campuchia và hết năm 2010 có thể lên đến 500 ngàn, là nước đứng hàng đầu có lượng khách đến Campuchia. Trong khi đó, lượng khách Campuchia sang Việt Nam khoảng 200 ngàn, chủ yếu là đi chữa bệnh và du lịch, nghỉ ngơi tại BR-VT và Đà Lạt. Kể từ khi hai nước ký kết việc miễn thị thực nhập cảnh, mở đường hàng không thì điều kiện cho công dân hai nước qua lại dễ dàng hơn. Hiện nay, có 8 cửa khẩu giữa Việt Nam và Campuchia đã được làm thủ tục cấp thị thực cho khách của nước thứ ba, đang đề nghị cho cửa khẩu An Giang thực hiện việc này. Ông hoàn toàn nhất trí việc kết nối du lịch giữa hai bên để khai thác tiềm năng du lịch của mỗi nước và sẽ bàn bạc thêm để có những ký kết cụ thể. Ông cũng đề nghị BR-VT tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ, nhân viên ngành du lịch Campuchia được đào tạo du lịch tại BR-VT. Ông cho biết, năm 2010, Campuchia đón khoảng 2,5 triệu khách du lịch quốc tế.
Buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Phnom Penh diễn ra tại trụ sở làm việc của thành phố vừa mới được khánh thành. Tiếp Đoàn là Phó thị trưởng Nuon Somth và một số sở, ban, ngành của thành phố, trong đó có Sở Du lịch và Hiệp hội Du lịch. Ông Phó thị trưởng cho biết: Những năm gần đây, thành phố Phnom Penh đã tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, nhất là cơ sở vui chơi giải trí. Hiện nay, tiến độ thi công cây cầu nối với quốc lộ 1 đang được đẩy nhanh tiến độ, sau khi xây xong, việc lưu thông từ Việt Nam sang Phnom Penh sẽ rất thuận lợi, vì không phải qua phà Niếc Lương. Trong kế hoạch, Campuchia sẽ xây dựng 6 thành phố vệ tinh của Phnom Penh, tập trung xây dựng hệ thống giao thông, các khu dân cư và khu vui chơi giải trí. Hiện nay, khách đến Phnom Penh lưu lại chỉ từ 2-3 ngày, vì vậy cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch để du khách lưu lại dài ngày hơn. Campuchia đang thực hiện quy chế thị trường tự do, khuyến khích, mở rộng cho người dân làm du lịch. Ông hoàn toàn ủng hộ ý tưởng kết nối du lịch của Đoàn. Ông đề nghị sau buổi làm việc này giao cho sở du lịch của hai bên bàn bạc để có thể ký kết việc liên kết du lịch, nhất là du lịch lữ hành. Ông nêu ví dụ: có thể quảng bá hệ thống khách sạn của Phnom Penh ở BR-VT và ngược lại. Có thể xem một tờ rơi du khách biết được cả về Campuchia, Việt Nam và Lào. Làm sao để du khách đến Campuchia cũng có thể đến được Việt Nam và Lào. Hiện nay, ở Phnom Penh đã có một số hãng du lịch quốc tế có đại diện, nhưng chưa có một hãng du lịch nào của Việt Nam có đại diện tại đây.
KẾT NỐI DU LỊCH
Siem Reap là điểm dừng cuối cùng của Đoàn, nhưng cũng được xác định là tỉnh có vị trí đặc biệt trong việc kết nối du lịch, bởi đây là nơi có di sản thế giới Angkor. Tiếp đoàn tại trụ sở vừa mới xây dựng cách trung tâm thị xã khoảng 10 cây số, có Phó tỉnh trưởng Bun Tharith và hầu hết lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh. Tại buổi tiếp, ông Nguov Sengkak, Chủ tịch Hội du lịch Siem Reap cho biết: Năm 2010, có 1,3 triệu khách quốc tế đến Siem Reap, trong đó có 42 ngàn khách Việt Nam. Hiện nay, Siem Reap có 120 khách sạn với 9.400 phòng, 232 nhà nghỉ với 3000 phòng, 124 nhà hàng ăn uống, 15 quán karaoke, trong đó chỉ mới có 1 nhà hàng nấu món ăn Việt Nam. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 3 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, có 1 làng văn hóa, 2 bảo tàng văn hóa và 1 đoàn ca múa nhạc dân gian, một số nhà hàng có nhóm múa cung đình. Có 144 đại diện cho các doanh nghiệp du lịch đóng tại đây. Tỉnh đã thành lập các hội du lịch, taxi, hội du lịch lữ hành, hội khách sạn, hội ca nô chở khách và các hội dịch vụ khác. Nguyên nhân chủ yếu lượng khách tăng là do hạ tầng cơ sở ngày càng đầu tư phát triển, dịch vụ tốt hơn, các thủ tục thông thoáng hơn, đường bộ, hàng không, phương tiện vận chuyển ngày càng tốt hơn, an ninh cũng tốt hơn. Hiện nay, tỉnh đã phân cấp được 44 khách sạn, trong đó có 14 khách sạn 5 sao, 20 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 3 sao, 1 khách sạn 2 sao. Dự kiến năm 2011 sẽ tiến hành phân cấp tất cả các khách sạn. Mục đích phân cấp là đánh giá trang thiết bị và chất lượng dịch vụ của khách sạn nhằm đáp ứng nhu cầu của từng loại khách du lịch. Lãnh đạo tỉnh Siem Reap hoan nghênh và ủng hộ việc kết nối du lịch giữa BR-VT và Siem Reap. Trên cơ sở quy định của Campuchia, lãnh đạo tỉnh Siem Reap đề nghị tỉnh BR-VT soạn thảo văn bản để tỉnh xin ý kiến của Chính phủ và có thể ký kết các nội dung kết nối du lịch giữa hai địa phương.
Đánh giá thành công của chuyến đi khảo sát và tiếp thị thị trường du lịch tại Vương quốc Campuchia, Trưởng đoàn Hồ Văn Niên và các thành viên trong đoàn đều cho rằng chuyến đi đã mang lại kết quả tốt đẹp. Qua chuyến đi, Đoàn đã làm cho phía bạn hiểu rõ hơn về tỉnh BR-VT nói chung và tiềm năng du lịch của tỉnh nói riêng, đồng thời cũng hiểu thêm về tình hình hoạt động và tiềm năng du lịch của nước bạn, từ đó có thể ký kết các hợp tác liên kết du lịch lữ hành và các dịch vụ du lịch khác. Đây là việc làm cần thiết và thời gian tới cần tổ chức đoàn khảo sát và tiếp thị thị trường du lịch tại Lào.
Nguồn: Báo Bà Rịa Vũng Tàu