Một ngày lang thang trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng theo những người bạn đang làm ở các tổ chức phi chính phủ về môi trường tại Việt Nam. Cách nhìn về du lịch, cách cảm thụ của họ đã cho tôi ba câu hỏi lớn.
Phong cảnh hữu tình nhìn từ đường lên động khô Tiên Sơn |
Từng trải nghiệm rất nhiều nơi ở những nước châu Phi và Bolivia, Dominica,... việc đầu tiên mà Jochen (quản lý viên của tổ chức GTZ về môi trường người Đức) làm khi đặt chân đến vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là đi thẳng vào phòng trưng bày. Thông tin về vườn quốc gia ông đã có, nhưng cái mà Jochen muốn xem là các hiện vật có tại đây. Rảo một vòng và Jochen đưa ra câu hỏi thứ nhất: “Du khách sẽ được gì khi ra khỏi căn phòng này?”
Thực tế cho thấy phòng trưng bày và thông tin về Phong Nha nằm ngay tại cửa vào khu tham quan nhưng số lượng hình ảnh và hiện vật còn quá nghèo nàn. Không ít các khách du lịch đã phải nheo mày nhìn cho rõ hình loài voọc quý hay bông hoa lan nhoè nét. Với một vườn quốc gia tầm cỡ như Phong Nha - Kẻ Bàng, việc thiếu những hình ảnh đẹp và thông tin chi tiết làm giảm đi phần nào sự hấp dẫn và hứng thú của du khách khi vừa đặt chân đến đây.
Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng nằm tại huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình, cách thành phố Đồng Hới khoảng 40km về phía Tây Bắc trên diện tích khoảng gần 900km2. - Giá vé vào động Phong Nha 30.000 đồng, động Tiên Sơn 20.000 đồng, vé thuê thuyền cả tuyến đi về cho đoàn từ 1 - 14 người là 150.000 đồng. |
Những khu vực khó với tới vẫn còn nguyên đó, nhưng những thạch nhũ mọc lên từ nền đất trong lòng động Phong Nha và động Tiên Sơn đang hàng ngày oằn mình gánh những bước chân tham quan vô tình đạp lên. Những thạch nhũ đã mất cả triệu năm để hình thành và câu hỏi thứ hai là “Liệu có thể chỉ làm một lối đi lên và một lối đi xuống trong lòng động để những thạch nhũ còn lại có thể tiếp tục phát triển?”
Mái tóc nàng tiên trong lòng động Phong Nha |
Càng vào sâu trong lòng động, cảm giác huyền bí càng lan toả, những thạch nhũ hình “quả chuông vàng”, “mái tóc nàng tiên”, “lâu đài tình ái” hay “hòn vọng phu” là những sản phẩm thú vị của vùng núi đá vôi này. Trên những lối nhỏ dẫn sâu vào lòng động Phong Nha và Tiên Sơn đây đó là những giọt nước mát lạnh nhỏ xuống nền đất hay lên mặt nhũ đá tạo nên âm thanh trong vắt đến lạ kỳ.
Những người bạn Âu châu không ngại ngùng ngồi yên lặng gần nửa giờ đồng hồ chỉ để nghe tiếng nước rơi. Với họ đó là một cảm giác đặc biệt, thoát khỏi tiếng động công nghiệp, thoát khỏi thế giới thật, chỉ có ở đó là cảm giác lắng đọng, nơi những giọt nước mang những âm điệu khác nhau tấu lên bản nhạc của tự nhiên.
Lại một đoàn khách mới vào mang theo những bước chân và tiếng động. Đoàn chúng tôi đứng dậy và câu hỏi lần này như một ý tưởng hay lời gửi gắm đến các nhà làm du lịch: “Có thể nào cứ mỗi 10 phút, toàn hang động lại dành ra chỉ một phút thật yên lặng, để tự nghe hơi thở của động, như vậy người tham quan sẽ cảm nhận Phong Nha - Kẻ Bàng bằng tất cả các giác quan?”.
(Theo: SGTT)