Angkor - Đêm và Ngày

Đến Angkor để cảm nhận những gì mà tiền nhân đã để lại trong tâm thức của một hậu thế vốn không có họ hàng gì với những con người phi thường đã dựng nên cả một đế chế hùng mạnh với những công trình vĩ đại. Angkor - sức ám ảnh khổng lồ của quá khứ đè lên hiện tại.

Angkor trong trí tưởng tượng

Là một kỳ quan thế giới, ai cũng nói thế. Có điều kỳ quan ấy thực ra không bí ẩn như người ta cố tình thêm thắt. Dường như bí ẩn hóa quá khứ là một nhu cầu đeo đằng đẵng những con người của hiện tại. Ngay cả với những “bí ẩn” không bao giờ cần giải mã, người ta vẫn thích đặt nó vào một không gian huyền hoặc, vừa như một cách tự thỏa mãn cái ý thích hoài cổ, lại vừa để giải tỏa những tự ái và mặc cảm hiện tại. Tự ái rằng sao ngày xưa thô sơ mà người ta lại làm được những điều kỳ diệu, ngày nay hiện đại lại không làm được.

Angkor thơ mộng trong tâm tưởng mọi người

Chẳng ai nghĩ một điều đơn giản, “hiện đại” bây giờ không có nhu cầu tái lập lại quá khứ. Chẳng lẽ bây giờ lại bỏ công sức ra xây Kim Tự Tháp hay những ngôi đền khổng lồ như Angkor - để làm gì trong khi có biết bao nhiêu thứ cần phải lo cho cái “hiện tại” bề bộn này? Nhưng, như đã nói, con người ta luôn có một ý thích khó hiểu là rắc sương mù vào quá khứ. Vậy nên mới thi thoảng nghe được những câu tuyên bố giật mình, tưởng như phát kiến ngớ ngẩn nào đó, đại loại: Chỉ có thần thánh mới xây nổi Angkor!

Angkor nhìn từ trên cao

Một Angkor trong trí tưởng của người đời vốn khó hiểu một cách không cần thiết như thế - mà dường như đó cũng là “thân phận” của vô số các công trình cổ, các kỳ quan quá khứ khác, khi mà những con người của hiện tại không chịu tin rằng tiền nhân của họ, chỉ với hai bàn tay, lại có thể trở thành “khổng lồ” sớm đến thế (hiểu theo tên cuốn sách Và con người trở thành khổng lồ nói về lịch sử loài người) – cho nên với ai trót đã bị những câu chuyện huyền bí về Angkor mê hoặc, thì hãy cố gắng, ít nhất một lần trong đời đến được nơi đây. Nhưng để đó là chuyến đi thực sự có ý nghĩa, thì hãy bỏ sang một bên, gói kín cất cho kỹ những ý tưởng kỳ khôi về Angkor - kiểu như sản phẩm của thần linh - để chuẩn bị một tinh thần khác khi chiêm ngưỡng Angkor: Sự khâm phục tột cùng một nền văn minh vĩ đại với những con người tài năng phi thường. Khi đã sở hữu tinh thần ấy, chúng ta mới thấy được vô số những điều thú vị xung quanh kỳ quan này.

Angkor (đương nhiên) không bí ẩn…

Angkor không bí ẩn. Mặc dù sử sách của người Khmer về thời kỳ này không còn bao nhiêu, nhưng chỉ cần một cuốn Chân Lạp phong tục chí của sứ thần nhà Nguyên (bên Trung Quốc) Chu Đạt Quan (đã sống ở Angkor một năm: 1296 - 1297) người ta đã biết được biết bao nhiêu điều về thời đại Angkor, về những con người đã xây nên những công trình vĩ đại: Angkor Wat, Angkor Thom, Bayon, Ta Prohm, Banteay Srei, Phnom Bakheng… vô số những đền đài khổng lồ nay chỉ còn là phế tích những vẫn đủ khiến hậu thế phải choáng ngợp. Những con người được Chu Đạt Quan mô tả chỉ là những người bình thường, chẳng phải thần thánh nào cả. Chính những con người ấy, dưới sự chỉ huy của những vị vua vĩ đại có lòng sùng kính tôn giáo sâu sắc, đã dựng nên những công trình đồ sộ sau này được coi là những kỳ quan có một không hai. Nói “sau này” là bởi những người đã xây nên Angkor không có ý định làm “kỳ quan” hay cái gì chơi nổi cả, họ xây nên những đền đài ấy là để tôn thờ những đấng thần bảo hộ cho cuộc sống của họ, để ngưỡng vọng về một thế giới cực lạc, để thể hiện hết tài năng của mình trong một nhu cầu sáng tạo vô biên.

Cổng vào Angkor Thom

Angkor, dù đồ sộ với những Angkor Wat, Angkor Thom, đền Bayon, đền Ta Prohm hay nhỏ nhắn nhưng tinh xảo vô song như đền Banteay Srei… cũng đều là thành quả từ chính bàn tay con người. Người ta đã biết rằng núi Kulen – nơi có dòng sông ngàn linga nổi tiếng – là nguồn nguyên liệu đá dồi dào cho Angkor, biết rằng sông Siem Reap là con đường vận chuyển những khối đá khổng lồ về công trường lớn, biết rằng việc xây dựng Angkor kéo dài hàng trăm năm chứ không phải qua một giấc ngủ mọi thứ hiện lên nguy nga lộng lẫy để mà từ đó “quy kết” cho thần linh, bỏ quên công sức của hàng triệu con người.

Các công trình ở Angkor hầu hết được xây bằng sa thạch, một loại đá tương đối dễ tạo dáng và điêu khắc, loại đá này cũng xuất hiện nhiều trong các kiến trúc, điêu khắc Champa ở miền Trung Việt Nam. Tính “mềm” của sa thạch đã giúp các nghệ nhân Khmer thể hiện được tối đa tay nghề tuyệt kỹ của mình. Nhắc lại, đây là sa thạch chứ không phải “đá xanh” như nhiều người đến Angkor nhầm tưởng.

Con đường dẫn thẳng tới Angkor

Một công trình vĩ đại như Angkor chỉ có thể được xây nên khi nền văn minh Angkor lên tới đỉnh cao, khi quốc gia của người Khmer lên tới đỉnh giàu có và hùng mạnh. Thời đó, đế chế Angkor là thế lực hùng mạnh nhất của vùng Đông Nam Á và là một vương quốc phồn vinh. Những điều kiện chủ quan ấy đã khiến những ngôi đền Angkor ra đời. Và sự suy tàn của nền văn minh Angkor, dẫn tới sự hoang phế của những kỳ quan, cũng rất dễ hiểu. Đó là khi một thế lực hùng mạnh hơn nổi lên - đế chế Ayuthaya (ở Thái Lan ngày nay) – và xâm lược Angkor liên tục. Đế chế Angkor, sau thời đỉnh cao, nay suy yếu đã không thể chống chọi được làn sóng xâm lược hung hãn. Những vị vua Khmer đã phải dời đô đi nơi khác. Người dân ở Angkor, phần bị bắt về Xiêm La làm nô tì, phần lo sợ mà chuyển đi sang các vùng khác trong khi quân Xiêm La không có nhu cầu đóng đô tại Angkor, trong những tòa thành đá hoang vắng. Vậy là rừng già nhanh chóng bao phủ những khối kiến trúc đồ sộ, và cũng từ đó, Angkor chìm trong huyền thoại, cho tới khi được những nhà thám hiểm Bồ Đào Nha, Pháp giới thiệu với thế giới bên ngoài. Suốt mấy trăm năm nằm trong rừng rậm, Angkor không bị người Khmer quên lãng. Họ vẫn biết về thời vàng son của dân tộc, về những kỳ tích mà tiền nhân đã dựng lên. Nhưng, vào thế kỷ 14, các vua Khmer và dân chúng đã chuyển sang theo đạo Phật, những ngôi đền Hindu giáo ở Angkor coi như đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử và tôn giáo của mình để ngủ yên trong rừng thẳm. Mãi cho đến sau này, khi Angkor trở lại với thế giới bên ngoài, những ngôi đền ấy lại có thêm “chức năng” thờ Phật, trong khi vẫn thờ các đấng thần Hindu giáo.

Angkor hiện hữu - Đêm và ngày

Một cuộc khám phá Angkor không bị bao phủ bởi màu sắc bí ẩn chắc có lẽ sẽ… bớt thi vị. Nhưng chính trong sự thực tế, khi không bị giới khảo cổ học hay những học giả đáng ngờ nào đó đánh lừa vào cái mê cung huyền hoặc mang danh quá khứ, bạn, hay tôi, hay bất cứ khách du lịch bình thường nào, cũng sẽ cảm nhận được Angkor một cách sâu sắc hơn, và vì thực tế hơn, không mơ mộng linh tinh, nên chúng ta có thể nhìn Angkor “gần” hơn. Sống giữa Angkor đêm và ngày cũng là chiêm ngưỡng Angkor giữa ranh giới huyền thoại và thực tế.

Angkor đêm…

Không ai được ở lại trong những ngôi đền sau 5 giờ chiều. Nhưng rất nhiều du khách không muốn quay về khách sạn, nhà trọ mà thích lang thang trong đêm Angkor, để được hưởng cảm giác rờn rợn của vùng đất nặng khí âm, để cảm thấy giật mình vì sợ khi nhớ lại một quá khứ kinh hoàng cách nay chưa xa, thời diệt chủng, để thử thách sự gan dạ của mình, nhưng trên tất cả, với những ai thích qua đêm ở Angkor, là mong được thấy mình sống trong không gian huyền thoại. Vào đêm trăng, Angkor nhộn nhịp khách du lịch và người đi hành lễ. Khi ấy, ánh trăng vàng chiếu rọi trên những đỉnh tháp Angkor Wat và những khuôn mặt Bayon trầm mặc đẩy Angkor vào một không gian huyền hoặc. Ngày xưa, sứ thần Chu Đạt Quan có mô tả trong những ghi chép của mình rằng những ngọn tháp 4 mặt người của đền Bayon từng được mạ vàng. Chẳng biết thực hư ra sao, nhưng nếu quả thực vàng được dát trên những ngọn tháp ấy, thì đêm trăng Angkor sẽ huy hoàng lộng lẫy vô cùng cứ không u tối lạnh lẽo và chỉ sáng bừng lên trong những dịp có liên hoan nghệ thuật tầm quốc tế, như hiện tại. Mà thời xa xưa đó, Angkor, bên cạnh một kinh đô tráng lệ còn là một trung tâm dân cư, đô thị lớn với số dân xấp xỉ cả triệu người, nên hiển nhiên đêm Angkor, nightlife của “Kinh đô Chùa” (Angkor Wat), “Kinh đô Lớn” (Angkor Thom) cũng phải sôi động đông vui lắm. Đêm Angkor trong quá khứ còn được huyền bí hóa bằng câu chuyện (cũng được Chu Đạt Quan kể lại) rằng mỗi đêm, Đức vua ngự trong tòa tháp vàng để chờ rắn thần hiện lên trong hình dạng một người đàn bà rồi cùng giao hoan. Đức vua, là một hình ảnh thần thánh dưới thời Angkor, và câu chuyện vừa nhắc, cũng là một trong những huyền thoại tô điểm cho sự “thánh hóa” các vị vua Angkor.

Lang thang trong đêm Angkor, người ta có thể thấy những hình ảnh rất… trần tục như một đám du khách trải chiếu thắp đèn nhậu nhẹt cười nói rổn rảng, bên cạnh những khoảnh khắc đầy tính tâm linh như một người bản địa hay du khách thành tâm đứng lặng lẽ bái vọng những ngọn tháp im lặng. Đêm ở Angkor tăm tối – vì ở Campuchia điện rất đắt và không thể được dùng thoải mái – vì thế mà Angkor hiện lên u tịch, phô bày trong bóng tối tất cả dáng vẻ bí ẩn mà ban ngày bị ánh sáng mặt trời và những đám đông khách du lịch ồn ào lấn át.

Angkor ngày

Angkor Wat, ngôi đền vĩ đại, xứng danh với bao lời truyền tụng của người đời bốn phương. Nhìn từ xa, có cảm tưởng cả ngôi đền này được tạc nguyên khối từ một quả núi đá. Vô vàn những nét chạm khắc tỉ mỉ tinh vi trên đá, từ lối đi tới mái đền bằng đá cho thấy Angkor là cả một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc kỳ vĩ bên cạnh một kỳ quan kiến trúc.

Vẻ hoành tráng của Ankor khiến ta phải sững sờ

Vào Angkor, ai cũng muốn leo lên tới tầng cao nhất của khu đền này. Bậc đá cao ngất, lại gần như dựng đứng sẽ làm những người sợ độ cao phải ngần ngại. Nhưng có rất nhiều du khách phương Tây to béo lặc lè vẫn trèo lên trèo xuống thoăn thoắt. Và chưa từng có ai bị ngã ở cái cầu thang đầy thách thức này cả! Leo lên được tới tầng cao nhất là đã tới được “tâm” của đền Angkor Wat, nơi có một am thờ phật nhỏ và được cho là rất thiêng. Sự giao thoa tôn giáo ở Angkor thể hiện rõ nhất tại đền Angkor này, khi ở những lối vào là những bức tượng thần Vishnu, đấng thần thiêng liêng của Hindu giáo, nhưng ở nơi thiêng liêng nhất thì lại là tượng Phật.

Cách Angkor Wat hơn một cây số là Angkor Thom, đại kinh đô của đế chế Angkor. Hơn một thế kỷ trước, khi nhà thám hiểm Pháp Henri Mouhot đến nơi này, các bức tường thành của Angkor Thom lẫn trong muôn vàn cổ thụ, rừng rậm cũng che lấp những tàn tích đề đài, cung điện bên trong kinh đô. Nay, dưới ánh nắng rực rỡ bốn mùa, Angkor Thom vẫn phô bày một dáng vẻ bề thế với đề Bayon đồ sộ và Quảng trường Voi nguy nga, nơi ngày xưa từng diễn ra những cuộc biểu diễn voi hay diễu binh rầm rộ.

Cứ khi chiều sắp xuống, là từng đoàn du khách hối hả dời khỏi các khu đền để kịp chứng kiến một thời khắc rất đẹp: Hoàng hôn trên Angkor. Những đoàn người hối hả leo lên đỉnh núi Bakheng để kịp chiêm ngưỡng cảnh những ngọn tháp Angkor Wat sáng rực lên trong ánh chiều tà, chiêm ngưỡng những công trình vượt thời gian ấy nằm lặng lẽ bên những đống đổ nát, những phế tích của một nền văn minh đã lên đến đỉnh cao để rồi suy vong, “bỏ phí” lại sau lưng cả một đại công trình chứng minh cho sức sáng tạo tuyệt vời của cả một dân tộc.

Nếu đi thăm Angkor bằng đường bộ, qua tỉnh Kongpong Thomm, chúng ta sẽ gặp ngay những dấu hiệu đầu tiên của nền văn minh Angkor đón chào khách viễn du: Cầu Naga - gọi tên như vậy là bởi ở hai đầu cầu có các tượng rắn thần Naga. Cây cầu làm bằng đá ong và sa thạch này có tuổi đời xấp xỉ cả ngàn năm vậy mà vẫn rất vững chãi, vẫn là gồng mình gánh cho biết bao lượt xe qua trên con đường huyết mạch của Campuchia (Quốc lộ 6). Cách sắp xếp các khối đá ở cầu Naga khiến người ta tin tưởng rằng cây cầu này sẽ là vĩnh cửu, trường tồn như đá! Cái này thì cứ để thời gian chứng kiến. Qua cây cầu này một đoạn đường nữa là vào đến tỉnh Siem Reap, thủ phủ của đế chế Angkor ngày xưa.
Đền Ta Prohm

Ngôi đền này từng là phim trường của bộ phim hành động Lara Croft: Tomb Raider (Bí mật ngôi mộ cổ). Nói một cách hình ảnh, đền Ta Prohm là nơi chứng kiến cuộc chiến ngàn năm giữa cây cối và đất đá. Những cây Tung cổ thụ mọc trên đá, phủ lấp những mái đền, những bức tường đá bằng bộ rễ vĩ đại của mình. Hàng thế kỷ qua, những cây đa bóp cổ - một loại cây tầm gửi cổ thụ - tiêu diệt những cây chủ để chiếm vị trí thống soái trên những khối đá, rồi tới lượt những cây đa ấy lại bị cây khác bóp cổ để thay thế… Cứ như vậy, đá và cây lao vào một cuộc chiến dai dẳng, để lại cho người đời một kỳ quan! Đền Ta Prohm được xây cuối thế kỷ 12.

Sức hấp dẫn lớn nhất của khu đền này là những nét chạm khắc vô cùng tinh xảo trên đá. Được xây từ thế kỷ thứ 10, dành riêng cho đội nữ binh anh dũng, một ngàn năm đã trôi qua, những bức phù điêu tại đây vẫn còn rất sắc nét, như thể vừa mới được hoàn thành. Những truyền thuyết Khmer và Ấn Độ giáo được kể lại trên đá vô cùng sinh động, những hình điêu khắc 3 chiều dường như không hề bị thời gian làm suy suyển.

Núi Kulen – Phnom Kulen – là nơi phát tích của nền văn minh Angkor, từng là nơi đầu tiên được chọn để xây kinh đô của đế chế Angkor, đây cũng là nơi cung cấp nguuyên liệu cho các kiến trúc ở Angkor. Nhiều phế tích thời Angkor còn lại nơi này cũng như những công trình kiến trúc được các đời vừa về sau xây dựng để tưởng nhớ công khai phá của tiền nhân. Đáng chú ý có ngôi chùa xây chênh vênh trên một ngọn núi và trong đó có tượng phật được tạc từ chính mỏm núi ấy.

Nhưng địa danh lôi cuốn nhất của Phnom Kulen là dòng sông ngàn linga. Trên một đoạn sông dài chừng 4 cây số, dày đặc những khối điêu khắc được tạc xuống lòng sông bằng đá và hai bên bờ (cũng bằng đã). “Đề tài” chủ yếu là các truyền thuyết Khmer, Hindu và chiếm mật độ cao nhất chính là các ngẫu tượng linga và yoni đủ các kích cỡ. Một ngàn năm qua, nước sông đã không thể bào mòn được những tuyệt tác ấy, mà còn làm cho chúng trở nên lung linh hơn, huyền bí hơn.

Dọc dòng sông có nhiều tác rất đẹp, nhiều người rất thích ngồi dưới chân thác để được dòng nước… massage. Trên bờ dòng sông linga này có lời truyền tụng về chuyện đất biết… chạy, rằng đêm ngủ ở bên gốc cây này sáng ra lại thấy người một nơi, đồ đạc một nẻo. Ai muốn kiểm nghiệm truyền thuyết, cứ thử đến đó… ngủ lại xem!

Trên đường đi lang thang dọc các công trình của Angkor, có thể bạn sẽ thấy một ngôi đền đồ sộ đứng lẻ loi, có rất ít khách vào tham quan, đó là đề Ta Keo, một ngôi đền cũng được xây từ thế kỷ thứ 10 nhưng gần hoàn thành thì bị bỏ dở. Theo dân chúng kể lại, lúc đền xây sắp xong thì bị sét đánh, những người xây đền đã cho rằng đây là điềm xấu, có thể thần linh nổi giận, nên đã bỏ đó, không xây tiếp. Ta Keo đã là phế tích ngay từ khi chưa được hoàn thành. Một lần len lên những tầng cao chênh vênh của ngôi đền này mà ngắm nhìn toàn cảnh quần thể Angkor, kể cũng thú vị.
Hồ Baray và Biển Hồ bao la

Baray là cái hồ nhân tạo khổng lồ có từ thời Angkor và nay là khu vui chơi, tắm táp rất được người Campuchia ưa thích. Hồ nước rộng cả chục cây số vuông này từ là nơi dự trữ nước lớn nhất cho kinh đô Angkor.

Nhưng đã tới đây, nhắc đến hồ thì phải đi… Biển Hồ. Biển Hồ - Tonle Sap – cách thành phố Siem Reap khoảng 20km quả là một “địa trung hải” làm choáng ngợp khách viễn du vốn chỉ quen thấy những dòng sông nhỏ hẹp hay những hồ nước xinh xinh. Biển Hồ rộng mênh mông và là nguồn cá nước ngọt lớn hàng đầu thế giới. Cá tra, cá leo Biển Hồ ngon… thần sầu!

Biển hồ Tonle Sap Mênh mông bát ngát

Ven Biển Hồ có nhiều người gốc Việt làm nghề đánh cá, đóng thuyền. Nhiều đứa trẻ Việt hay ngồi trong những cái chậu bơi thoăn thoắt từ chỗ này sang chỗ kia, kể cả ở giữa hồ, chúng bán hàng rong, và cả xin tiền, xin quà du khách nữa. Chúng nói tiếng Khmer, tiếng Việt, tiếng Anh (bồi) nhoay nhoáy.

(Nguồn LenDuong.VN - Theo Nguyễn Minh's Blog)
download game kim cuong bejeweled, reader pdf foxit reader 5 link tai, down ghep file hj-split link nhanh, tai download winrar 64 bit giai nen file rar, link tai xilisoft video cutter cut video, download goldwave down gold, tai cut nhac x-wave mp3 cutter joiner link nhanh, pro can edit thi dung cool edit pro link down, deep freeze standard dong bang o cung dep freze, link tai blazingtools perfect keylogger down nhanh converter, x2x free 3gp converter tai link nhanh, abdio 3gp converter chuyen doi converter nhanh,download microsoft .net framework 3.5 link tai nhanh