An Khê thời xa xưa gọi là thôn An Khê, thuộc ấp Tây Sơn, huyện Phù Ly, phủ Qui Nhơn. Thời nhà Nguyễn An Khê là ấp An Tây, huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định. Đến thời Pháp thuộc, An Khê thuộc tỉnh Gia Lai gọi là huyện Haut Dakpa, sau đổi là huyện An Khê. Năm 1959 An Khê thành huyện An Túc, tỉnh Bình Định. Sau năm 1975 lấy lại tên cũ là huyện An Khê, trực thuộc tỉnh Gia Lai. Hiện nay huyện An Khê đổi thành huyện Dakpơ và trị trấn An Khê được nâng lên thành thị xã.
An Khê nằm trên Quốc lộ 19 nối liền hai thành phố Qui Nhơn và Pleiku bằng đèo An Khê. Người Bahnar gọi đèo này là đèo Mang, có nghĩa là cửa ngõ. Đất An Khê thuở xưa còn gọi là đất Tây Sơn nhưng để phân biệt giữa vùng cao và vùng thấp, người ta gọi An Khê là Tây Sơn thượng đạo. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử mang nặng dấu ấn nhà Tây Sơn và có nhiều danh thắng hữu tình đáng được tham quan, nghiên cứu.
Những ai đã từng đến An Khê mới thấy hết được tầm quan trọng của địa thế núi non ở đây. Từ trên đỉnh đèo, du khách có thể trông thấy dễ dàng đường đèo quanh co uốn khúc quanh chân núi Ông Bình hiên ngang, sừng sững. Xa xa là dòng sông Côn thướt tha như dải lụa xuôi về Phú Phong, Kiên Mỹ - quê nhà của Tây Sơn tam kiệt. Ở sườn núi Ông Bình có hang sâu, ngày xưa quân Tây Sơn làm nơi tích trữ quân lương cho nên gọi là kho “binh lương đồ trận”. Ở phía Đông Nam đèo là núi Ông Nhạc hay Ông Nhược bề thế chẳng kém, ngày xưa là nơi nghỉ quân của quân đội Tây Sơn.
Địa thế An Khê hiểm trở dường ấy nên thuở trước, người miền xuôi lên An Khê đâu phải dễ dàng:
Không đi thì mắc cái eo
Ra đi thì sợ cái đèo An Khê
Ngày nay, Quốc lộ 19 đã được nâng cấp, đường đèo rộng thênh thang tráng nhựa phẳng lì. Từ trên đỉnh đèo, theo quốc lộ đi về hướng Tây, gặp chiếc cầu đầu tiên có một cái miếu nhỏ nằm bên đầu cầu, xưa gọi là miếu Xà, nơi Nguyễn Nhạc chém rắn tế cờ khởi nghĩa. Lúc đến ngã ba Đồng Găng có đường rẽ sang tay phải đi về hướng Bắc sẽ đến Cửa An, Tú Thủy (nay là Tú An), Kannack. Tại Tú Thuy (nay thuộc thị xã An Khê) có một cánh rừng mang tên rừng Mộ Điểu hay núi Hoàng Đế và cánh đồng mang tên Cô Hầu, là nơi nghĩa quân Tây Sơn lập doanh trại và thành lập kho lương thực để chuẩn bị cho công cuộc khởi nghĩa. Núi Hoàng Đế là nơi Nguyễn Nhạc từng đóng đại bản doanh để chỉ huy ba quân tướng sĩ, và cánh đồng Cô Hầu do nàng Yă Đó, ái thiếp của Nguyễn Nhạc đứng ra canh tác để cung cấp lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn.
Từ ngã ba Đồng Găng đi về hướng Tây sẽ đến trung tâm thị xã An Khê. Phố núi ở đây nho nhỏ, xinh xinh nằm dọc theo Quốc lộ 19 và đôi bờ Dakpa. Phía Nam thị xã là lũy Ông Nhạc, nay vẫn còn dấu tích là đình An Lũy quanh năm hương khói phụng thờ Tây Sơn tam kiệt. Ở cuối chân trời là núi Chà Diêm (nơi chế tạo vũ khí của quân đội Tây Sơn), núi Hảnh Hót (nơi thuần dưỡng bầy ngựa rừng), gần đó còn có hồ Ông Nhạc nằm bên dòng sông Dakpa. Ở phía tây bắc thị xã, hòn Kong nhô cao, sườn phủ đầy cỏ gai và sỏi đá, trên đỉnh có giếng Tiên. Thuở xưa, quân đội Tây Sơn đã đặt đồn canh trên đỉnh núi để kiểm soát cả vùng Tây Sơn thượng đạo. Dưới chân núi là dòng Dakpa trong xanh, thơ mộng và trữ tình len lỏi chảy qua các nương rẫy, núi đồi...Thời Pháp thuộc, An Khê từng là bãi chiến trường và là mồ chôn giặc Pháp. Những địa danh như Cửu An, Tú Thủy, Kannack, đèo An Khê đã đi vào chiến sử.
Thời chống Mỹ, năm 1975, quân và dân An Khê đánh chiếm đèo An Khê, cô lập Tây Nguyên, góp phần tạo nên đại thắng mùa xuân lịch sử. Qua bao nhiêu thăng trầm, rưng núi An Khê vẫn âm thầm phát triển, thay da đổi thịt để theo kịp với miền xuôi. An Khê là nơi “đi dễ khó về”, đúng như câu ca truyền tụng:
An Khê có núi hòn Kong
Có rừng Hảnh Hót, có dòng sông Ba
Có đồng cỏ mướt bao la
Vườn cây đơm trái nở hoa bốn mùa.
(Nguồn: Báo Cần Thơ)