Nhiều năm qua, một trong những thế mạnh của du lịch An Giang chính là gắn kết với các loại sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ nổi tiếng của địa phương. Du khách đến An Giang thường tìm mua những loại sản phẩm như đường thốt lốt, mắm Châu Đốc, các loại hàng tiêu dùng như chiếu Uzu, thổ cẩm Chăm Châu Giang, sản phẩm dệt của đồng bào Khơ-me Văn Giáo v.v…
Một số nông sản như gạo, nếp, hoặc các loại trái cây như xoài, mít, quả thốt lốt miền núi v.v… cũng được ưa chuộng.
Cùng với sự phát triển nhanh của hệ thống các trung tâm thương mại, chợ, siêu thị v.v… những nhu cầu trên đã phần nào được đáp ứng. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều du khách, điều họ mong muốn là sẽ có những điểm tập trung, giống như các vùng, miền khác để có được những sản phẩm có thương hiệu, địa chỉ cụ thể, vừa dễ tìm, vừa đảm bảo đó là các sản phẩm làng nghề “thứ thiệt”, chất lượng cao và giá thành hạ...
Với ý tưởng đầu tư cho làng nghề gắn kết với khu, điểm du lịch, vấn đề đặt ra là: Cần có được một “làng nghề thu nhỏ”. Ở đó, những ngành nghề có ưu thế như dệt, đan đát, nấu đường thốt lốt, hay các loại hình nghệ thuật như vẽ tranh, thêu, làm sản phẩm mỹ nghệ từ hoa cỏ v.v… có thể đưa công đoạn cuối vào nơi trưng bày. Tại đây, các nghệ nhân sẽ vừa trình diễn tay nghề, vừa tạo ra sản phẩm bán cho du khách. Nghệ nhân dệt thổ cẩm có thể vừa dệt vải và trưng bày sản phẩm, vừa may áo thổ cẩm cho du khách. Những người nội trợ khéo tay cũng có thể tham gia những công đoạn chế biến thực phẩm như nấu bánh tét từ nguyên liệu nếp Phú Tân, hoặc chế biến các món lẩu mắm, bún cá… Sinh hoạt của “làng nghề thu nhỏ” như thế sẽ trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với du khách.
Trước nay, các làng nghề cũng tìm cách giới thiệu sản phẩm đến du khách nhưng vẫn ở góc độ riêng lẻ, theo từng địa phương. Chẳng hạn làng dệt Châu Giang hội tụ những sản phẩm dệt tại Hợp tác xã Châu Giang và Trung tâm Thông tin Du lịch cộng đồng Châu Phong. Làng mắm Châu Đốc thì tập trung đưa sản phẩm vào các chợ trung tâm Châu Đốc, Tịnh Biên và nhiều nhất là ở nơi xuất xứ của mình tại núi Sam. Đôi lúc họ cũng tập trung cho các hợp đồng xuất hàng đi ngoài tỉnh nhưng thông qua giao dịch, ủy thác, không trực tiếp tiếp cận khách hàng. Ngoài ra, các làng nghề khác, đa phần chỉ tiếp cận khách hàng khi họ đến tận nơi sản xuất của mình để tham quan, mua sắm. Đây là cách làm truyền thống đã giúp làng nghề phát triển nhiều năm qua, nhưng hiện tại và nay mai nó có thể trở nên lạc hậu nếu như khách hàng không có quá nhiều thời gian để đi đến các địa chỉ xa xôi hòng tìm lấy những sản phẩm từ gốc của làng nghề.
Bà Phan Thị Mỹ Duyên, Giám đốc Công ty TNHH Khải Duyên huyện Châu Thành, cho biết: Nếu các nghệ nhân làng nghề quan tâm đến vấn đề này, cùng với sự hỗ trợ của ngành Khuyến công An Giang và các địa phương để xây dựng mô hình làng nghề thu nhỏ, đơn vị sẽ trích ra một quỹ đất nằm trong khu du lịch của Trạm dừng chân Thần Tài để làm điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề An Giang.
Nguồn: Báo An Giang