Theo thời gian, Venice mang dấu tích của con người với 12 cây số bờ biển, 118 hòn đảo lớn nhỏ, 175 kênh đào với tổng chiều dài lên đến 38km, 444 cây cầu, trong đó gần 180 cây từng được làm bằng gỗ (sau này được xây lại bằng bê tông). Venice là thành phố duy nhất trên thế giới có nhiều cầu như vậy.
Venice nổi tiếng về mạng giao thông thủy chằng chịt, dòng kênh xanh, màu xanh của nước biển. Những con thuyền gỗ kiểu cổ mũi cong và vươn lên ngạo nghễ, người lái đội mũ vành rộng có dải đỏ. Thứ phương tiện có từ khi khai sinh ra thành phố này được mọi người ưa chuộng, muốn cùng nó bồng bềnh lướt nhẹ trên các dòng kênh, dưới các cây cầu, nghe sóng vỗ nhè nhẹ, gợi lại chút cảm giác xưa.
Với hệ thống “đường trên nước” chằng chịt, len lỏi khắp nơi, phố phường như phơi mình ra bên đôi bờ dòng kênh. Phương tiện đi lại từ nơi này đến nơi khác trong thành phố là “gondola”, một loại thuyền theo tiếng gọi của dân địa phương.
Gondola dài khoảng 11m, mũi hơi mỏm lên về phía trước. Khoang thuyền được chia thành những chỗ ngồi nhất định. Ban đầu gondola có những hình dáng và nhiều màu sắc khác nhau, nhưng về sau không biết vì lý do gì mà người ta thống nhất chỉ sơn một màu đen tuyền.
Trên những chiếc gondola | Nhà ga Venice |
Một cây cầu ở Venice | Những con hẻm của Venice |
Nghệ nhân đang thổi thuỷ tinh | Kiến trúc đặc trưng của Venice |
Quảng trường Palazza Ducale | Bán dạo trên một góc phố |
Người Venice thì lại không đi bằng gondola mà đi “tàu buýt” và “tàu taxi”. Hai phương tiện này chỉ được phép chạy trên sông lớn, không được vào những kênh đào nhỏ trong thị thành và cũng có trạm chờ như xe buýt.
Giậu hoa trước cổng nhà |
Tại khu phố cổ Venice, nét đặc sắc văn hoá địa phương gây ấn tượng mạnh cho du khách được thể hiện qua từng con đường, từng góc phố, từng cửa hàng mua sắm...
Ngoài trạm buýt và nhà ga chính bên ngoài, trong khu phố cổ vắng bóng tất cả phương tiện giao thông, dù là thô sơ nhất.
Ở đây, người ta chỉ đi bộ trên những con phố nối dài, lúc cắt thành những khúc quẹo nhỏ, lúc lại vươn mình theo tiếng nhạc đâu đó của những người hát rong có thể dễ dàng bắt gặp trên khắp nẻo đường. Nơi đó, những nghệ sĩ đường phố và vô số mặt nạ rực rỡ đa màu sắc là một đặc sản của Venice.
Ở Venice, công trình kiến trúc được coi là biểu tượng chính là nhà thờ chính toà San Marco, thánh vật quốc gia của Cộng hòa Venice cho đến năm 1797 và từ năm 1807. Nơi đây cũng đóng một vai trò trung tâm tinh thần quan trọng đối với người dân trong vùng. Trước San Marco là quảng trường cùng tên, nơi tập trung du khách bốn phương đến tham quan, chụp hình.
Tự bao giờ, nơi đây đã trở thành điểm hẹn của những chú bồ câu. Với một bịch bắp mua ở ven đường, du khách dễ dàng hòa mình với thiên nhiên trong những cảnh tượng hấp dẫn. Quảng trường có tháp chuông cao đến 99m, có thang máy lên đến đỉnh. Tại đây, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa bao quát toàn cảnh thành phố chằng chịt những con hẻm nhỏ.
(Nguồn: SGTT)