Cùng với động thái này UNESCO cũng đã cấp một khoản kinh phí để tu bổ địa danh nổi tiếng trên. Nơi đây được coi là nơi sinh của Chúa Jesus và là thánh địa của những tín đồ Thiên chúa giáo. Đây là địa danh đầu tiên của Palestine được nhận công nhận là di sản thế giới nhờ giá trị toàn cầu nổi bật của nó. Quốc gia này mới chỉ trở thành thành viên chính thức của UNESCO vào tháng 10 năm ngoái.
Cuối tuần qua, tại cuộc họp tại St Petersburg, 13 trên tổng số 21 thành viên của hội đồng cấp cao UNESCO đã bỏ phiếu công nhận Nhà thờ Giáng sinh (Church of the Nativity) ở Bethlehem là Di sản thế giới. Hành động trên của UNESCO đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của Mỹ, quốc gia luôn giữ quan điểm rằng Palestine phải đạt được thỏa thuận hòa bình với Israel trước khi được công nhận là thành viên đầy đủ của các tổ chức quốc tế.
Sau Nhà thờ Giáng sinh, chính quyền Palestine đã có kế hoạch làm hồ sơ cho 20 địa danh khác để gửi đến UNESCO để công nhận là Di sản thế giới, trong đó có thành phố cổ Jericho và di chỉ khảo cổ Sebastia. "Mục tiêu của chúng tôi là bảo tồn và bảo vệ những địa danh danh này bất chấp sự đe dọa từ Israel", Hanan Ashrawi, người đứng đầu cơ quan văn hóa và thông tin của Tổ chức giải Phóng Palestine (PLO) nói./.