Vài năm trước đây, khi bộ phim truyền hình Thủy Hử được khởi chiếu, không ít khán giả truyền hình Việt Nam đã dõi theo bước chân của từng người anh hùng Lương Sơn Bạc, gửi gắm biết bao trìu mến yêu thương đối với cuộc đời bi hài của các vị anh hùng. Và trên hết cả, là sự ngưỡng mộ người anh hùng Tống Giang, con người mưu lược tài ba, sống quân tử và nghĩa tình hết mực. Vì vậy, không ít du khách đã mong một lần được đến với phim trường quay bộ phim cổ trang hoành tráng này, để có thể chiêm ngưỡng tận mắt từng ngọn núi, con sông, nơi diễn ra từng đoạn phim gay cấn và hồi hộp nhất, nơi kết nghĩa đệ huynh, nơi sa trường khốc liệt… Đó là Tinh Đảo Hồ với diện mạo tuyệt đẹp nằm trong vùng Bán sơn địa Nam Châu, cách thành phố Bắc Hải, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc 48km về hướng Tây.
1. Tinh tú trên hồ
Tinh Đảo hồ có được diện mạo tuyệt đẹp bắt đầu từ năm 1959, khi ngành du lịch đầu tư xây dựng trong năm năm để biến một khu đầm lầy thành hồ nước ngọt với dung lượng hơn 700 triệu m3 và có độ sâu 28-35m.
Chen chúc trên diện tích mặt nước khoảng 70km2 là 1.026 đảo lớn nhỏ, được phủ kín bởi những cánh rừng thông bốn mùa xanh tươi. Hằng ngày dưới ánh nắng dịu dàng của buổi ban mai, các hòn đảo lấp lánh tựa như hàng ngàn tinh tú trên mặt hồ nên thắng cảnh này được mệnh danh Tinh Đảo hồ (hồ nước có các đảo như tinh tú).
Rồi vào năm 1993, một cơ duyên kỳ diệu đến với nơi đây khi Đài truyền hình trung ương Trung Quốc thực hiện bộ phim truyền hình dài 43 tập, tái hiện pho tiểu thuyết kinh điển Thủy Hử. Đạo diễn Trương Thiệu Lâm đã không ngần ngại chọn Tinh Đảo hồ để dựng thủy trại, giang sơn của 108 anh hùng Lương Sơn Bạc.
Với mục đích tái tạo sống động những kiến trúc mang dấu ấn thời đại Bắc Tống hơn 700 năm về trước, đoàn làm phim phải mời nhà thiết kế bậc thầy Tiền Viễn Tuyển, chuyên gia hàng đầu về thiết kế công trình kiến trúc cổ, làm cố vấn, đồng thời đầu tư hàng chục triệu nhân dân tệ xây đựng phim trường Thủy Hử thành.
2. Thủy Trại Lương Sơn
Nằm chếch về hướng đông Tinh Đảo hồ, đúng y như trong tiểu thuyết, địa thế của thủy trại Lương Sơn dựa vào sông rạch chằng chịt, đồi núi lô nhô, rừng già rậm rạp... Càng vào sâu đường thủy càng bị hẹp dần, hai bên bờ dày đặc loài thông cổ thụ kết thành chiến lũy vững chắc, thỉnh thoảng sau mỗi khúc rẽ lại xuất hiện tháp canh, vọng gác, cờ trận phất phới, thể hiện khí thế dũng mạnh của hào kiệt Lương Sơn thuở nào. Lướt qua ba cửa ải sẽ đến cửa thủy trại, đây chính là ngoại cảnh dàn dựng đoạn phim Báo tử đầu Lâm Xung lỡ vận lên Lương Sơn và chủ trại Tống Giang tiễn đưa Túc thái úy.
Và bạn phải tiếp tục lên nhiều bậc thang đá để đến con đường độc đạo dẫn lên đỉnh núi. Từ đây phóng tầm mắt nhìn bốn hướng, toàn cảnh Tinh Đảo hồ hiện ra đẹp đến mê hoặc. Rồi bất ngờ chắn ngang trước mắt du khách là bức tường thành đồ sộ với hai cánh cửa gỗ kiên cố được đóng 108 cây đinh lớn bằng đồng trên bề mặt. Bước qua cửa thành, không gian mở ra là khoảng sân rộng dùng làm giáo trường luyện võ, chung quanh trưng bày những binh khí từng được các tài tử nhập vai anh hùng hảo hán Lương Sơn sử dụng trong phim. Giữa sân sừng sững một cột cờ cao vút bên trên treo lá cờ vàng lớn đề chữ "Thế thiên hành đạo".
Chiếm vị trí trung tâm là thành Tụ Nghĩa và tòa Trung Nghĩa Đường, nơi là bối cảnh của những cảnh phim thể hiện sự tụ hội, kết nghĩa huynh đệ, thương nghị... giữa các hảo hán và cũng là nơi thể hiện khí tiết trung liệt của các nghĩa sĩ từ khi bắt đầu dựng nghiệp cho đến lúc Lương Sơn Bạc tan tác qua hình ảnh quân sư Ngô Dụng treo cổ tuẫn tiết.
Không lâu sau khi bộ phim được phát sóng, ở Trung Nghĩa Đường đã hình thành một khu lưu niệm trưng bày 108 tượng hảo hán Lương Sơn trong đủ các tư thế: cưỡi ngựa, đi quyền, múa binh khí... Mỗi tượng đều có lai lịch, sự tích, chiến công... như những tượng đài anh hùng có thật trong lịch sử.
Rời khỏi sơn trại, khách lữ hành có thể men theo đường núi về hướng tây tiếp tục ngoạn cảnh Dung Kim môn hoặc nếu muốn chiêm ngưỡng trọn vẹn sự hùng vĩ của công trình, có thể dong thuyền ngược ra giữa hồ rồi tiến dần vào cửa thành. Tầm vóc Dung Kim môn có phần khiêm tốn hơn so với các kiến trúc kề trên nhưng đây lại là đại cảnh hoành trăng nhất của bộ phim Thủy Hử.
Khi đặt chân đến đây, chẳng mấy khi du khách để lỡ cơ hội đi dạo trên mặt thành vừa tìm hiểu tận mắt cảnh trí phim trường, vừa tường tượng lại những biến cố bi hùng đã từng xảy ra trong tác phẩm. Thấp thoáng phía sau là dòng sông xanh biếc với phố xá bên bờ đông đúc, đó là Tô Hàng thủy lộ với bến thuyền, tửu lầu, trang viện, nha môn... Xa hơn nữa, nổi bật lên bầu trời xanh là ngôi tháp cao vời vợi kề bên những tòa ngang dãy dọc của đền, miếu, chùa chiền. Nơi đây là cảnh quay hai trường đoạn lớn của bộ phim.
Một ngày đến Lương Sơn Bạc để đắm mình trong thế giới bi hùng của thế giới Thủy Hử, bạn sẽ thấy lòng mình dâng đầy biết bao xúc cảm khó quên.
(Nguồn: Tạp chí du lịch)