Trong những thắng cảnh nổi tiếng của Malaysia, ngoài cao nguyên Genting, người ta còn hay nhắc tới hang động Ba Tu đồ sộ, hoành tráng nằm giữa dãy núi đá vôi thuộc ngoại vi Kuala Lumpur.
Không chỉ thu hút du khách bốn phương bởi cảnh quan tuyệt mỹ, động Ba Tu còn gắn liền với những điển tích ly kỳ đến huyền bí, những lễ nghi độc đáo của Ấn Độ giáo.
Hang động của thần linh
Đường lên động Ba Tu (Malaysia). Ảnh: T.T.D. |
Thế nhưng, một thời gian dài sau đó, động Ba Tu vẫn bị lãng quên dưới những cánh rừng già. Mãi đến năm 1900, trong lúc tìm kiếm nơi làm đền thờ các tượng thần, các công nhân Ấn Độ tại Malaysia mới phát hiện ra động.
Sự phát hiện tình cờ động đá được người Ấn xem là một “dấu hiệu” cho thấy thần linh đã chọn đây làm nơi ngự trị. Kể từ ngày ấy hang động mang tên Ba Tu (động đá) nhanh chóng trở thành thánh địa hành hương của cộng đồng người Ấn Độ sống tại Malaysia.
Hệ thống động Ba Tu bao gồm ba hang lớn, nhiều hang nhỏ nằm rải rác trên rẻo núi đá vôi. Hang nổi tiếng nhất là hang đền thờ có chiều dài khoảng 200m, cao gần 100m. Lòng hang thoáng đãng, rộng rãi, có thể chứa hàng ngàn khách mộ đạo.
Cuối hang là ngôi đền thờ cổ kính, kiến trúc đặc biệt gồm bộ mái trang trí nhiều bức phù điêu sơn phết sặc sỡ, mô tả các câu chuyện truyền thuyết về thần Shiva. Phía sau đền thờ là cửa vào hang tối dài gần 2km, là nơi trú ngụ của vô số đàn dơi từ bao đời nay.
Ngoài ra, hàng ngày nhiều đàn khỉ từ đỉnh núi xuống chầu chực ngay cửa hang xin khách hành hương thức ăn, hoặc nô giỡn đuổi nhau chí chóe trên vách đá khiến cảnh vật thêm hoang dã, sinh động.
Đi xem hội Thai Pu Sam
Không chỉ là nơi thờ phượng của người Ấn Độ giáo, động Ba Tu còn thu hút khách bởi lễ hội truyền thống Thai Pu Sam (lễ hội bày tỏ lòng thành kính với đức Muruga - đấng tối cao) được tổ chức trọng thể hàng năm.
Theo nghĩa của từ này trong tiếng Malaysia, Thai là tháng, Pu Sam là tên gọi ngôi sao thuộc dải Ngân Hà. Nguốc gốc Thai Pu Sam phát xuất từ truyền thuyết “Xưa kia trời đất mới được lập ra, các vị sao trên thượng giới luôn bị ánh trăng chế ngự không thể tỏa sáng.
Vì muốn cứu sao Pu Sam, thần Shiva dùng đinh ba phóng vào mặt trăng làm tiêu hao ánh sáng để sao Pu Sam rực sáng hơn”. Lễ hội chỉ diễn ra vào tháng mười lịch Ấn Độ giáo (nhằm giữa tháng giêng và tháng hai âm lịch) và chỉ kéo dài một ngày.
Ngày này, mọi con đường dẫn đến Ba Tu đều dựng nhiều cổng chào, treo đèn kết hoa, màu sắc rực rỡ đồng thời khắp nơi vang vọng tiếng nhạc, tiếng trống tưng bừng đón rước tượng thần từ đền Srimaha Mariamman ở Kuala Lumpur sang. Tham dự đám rước có hàng trăm ngàn người mộ đạo dâng hoa, sữa, mật ong, dừa lên đấng tối cao.
Đây là một lễ hội vô cùng đặc biệt. Theo nghi thức Ấn Độ giáo, nhiều người thành tâm xám hối tội lỗi đã mang trên người kavati (trang thờ làm bằng những que kim loại) xiên thủng da thịt hoặc cổ, lưỡi, mũi, môi đi trước đám rước vượt qua 272 bậc thang động Ba Tu, tiến dần tới đền thờ. Khi nào vị chủ lễ vừa đọc kinh vừa tháo kavati ra khỏi da thịt, xoa thuốc cầm máu mọi tội lỗi mới được rửa sạch.
Theo phong tục, người thực hiện kavati hoàn toàn tự nguyện nên số lượng người tham gia hàng năm tăng giảm thất thường. Có năm lễ hội thu hút hơn vài ngàn người nhưng có lúc vỏn vẹn chỉ vài trăm.
Đối với du khách nước ngoài đến Malaysia, được chứng kiến cảnh đoàn rước với những người mang kavati trong dịp lễ hội Thai Pusam là hình ảnh hết sức ấn tượng.
(KhamPhaViet sưu tầm)