Chuyến thăm Regensburg - thành phố nằm trong bang Bayern của nước Đức - hoàn toàn nằm ngoài dự định trong chuyến du lịch của chúng tôi.
Đang dừng chân ở thành phố mang tên lãng mạn Rosenberg (nghĩa là núi hoa hồng, mà vợ chồng anh bạn định cư ở Đức hơn 30 năm qua vẫn gọi bằng cái tên Hồng Lĩnh thuần Việt), biết tin hôm sau có một tour tham quan Regensburg chúng tôi hớn hở nhập bọn ngay, thay vì lên đường đi Munich như đã định. Tuyệt diệu làm sao cái thú tự do rong chơi tùy thích, không phải tuân thủ một thời khóa biểu đã lập trình trước, khiến cả chuyến du lãm không thoát ly được hai nỗi ám ảnh gắn liền với công việc là chiếc đồng hồ và tấm lịch.
"Di sản thế giới” và dòng sông thơ mộng |
Là một thị trấn thời trung cổ vẫn lưu giữ nhiều công trình kiến trúc từ hai ngàn năm trước, vào tháng 7/2006 Regensburg đã vinh dự được tổ chức uy tín UNESCO dán “mác” Di sản thế giới.
Những giá trị cổ xưa huy hoàng là thế, mà chuyện nay lại càng nổi đình nổi đám hơn, khi vào tháng 9/2006 cả thành phố tưng bừng đón tiếp chuyến thăm của vị cựu phó giám đốc Viện đại học Regensburg, nay đã là một nhân vật lừng lẫy: Đức giáo hoàng đương nhiệm Benedict XVI. Ngay sau đó, thành phố nhỏ bé này được cả thế giới biết đến khi cái tên Regensburg xuất hiện đồng loạt trên khắp các phương tiện truyền thông, qua sự việc bài diễn văn Giáo hoàng đọc tại đây gây một làn sóng phản đối trong thế giới Hồi giáo cũng như nhiều tranh cãi trong dư luận Tây phương.
Chúng tôi khởi hành vào sáng sớm. Niềm hứng khởi của mọi người phần nào bị chùng xuống khi nghe thông báo sẽ có một cuộc biểu tình của phe cánh tả ở Regensburg vào đúng khoảng thời gian chúng tôi có mặt tại nơi này. Chỉ mong sao đừng xảy ra chuyện rắc rối lớn làm ảnh hưởng chuyến tham quan!
Regensburg đón du khách với tất cả vẻ rạng rỡ của một ngày hè đẹp trời. Như tất cả mọi người, từ công hầu khanh tướng đến kẻ khố rách áo ôm, chúng tôi vào Regensburg qua ngả chiếc cầu đá ở cửa ngõ thành phố, bồi hồi giẫm lên trên hàng triệu triệu dấu chân xưa đã từng qua đây hàng bao nhiêu thế kỷ. Cây cầu đá cổ mà cư dân thành phố rất tự hào, tuy chỉ dài hơn 330 mét, từng là cây cầu đá lớn nhất châu Âu vào thời kỳ nó được xây dựng ở thế kỷ XII.
Thành phố Regensburg hấp dẫn du khách bởi nó mang hai gương mặt tương phản nhau, một bên là đá với trên hàng ngàn công trình xây dựng và tòa nhà cổ bách niên trơ gan cùng tuế nguyệt, còn một bên là mênh mông nước với dòng Danube uốn quanh.
Nhắc đến sông Danube thơ mộng, không ít người nghĩ ngay đó là tài sản riêng của nước Áo, chủ yếu vì bản nhạc nổi tiếng Dòng sông xanh của ông vua điệu valse thành Vienne Johann Strauss. Thật ra Danube - thường được ví von là chiếc khăn lụa xanh trên đôi vai kiều diễm của nàng thiếu nữ Âu châu - là con sông huyết mạch của cả châu Âu, khởi nguồn từ vùng rừng Đen của nước Đức rồi lượn lờ qua các nước Áo, Slovakia, Hungary, Croatia, Serbia, Bulgaria, Romania, Moldova, Ukraine và cuối cùng đổ ra Hắc Hải.
Là con sông lớn thứ nhì của Âu châu, chỉ sau sông Volga, Danube với chiều dài 2.850 cây số chiếm kỷ lục là con sông chảy qua nhiều quốc gia nhất. Nhập gia tùy tục, tên của sông thay đổi tùy theo đất nước nó chảy qua: Donau (Đức), Dunaj (Slovakia), Duna (Hungary), Dunav (Croatia, Serbia, Bulgaria), Dunarea (Romania), Dunay (Ukraine)..., tất cả đều bắt nguồn từ chữ Danu trong ngôn ngữ tiền Ấn - Âu có nghĩa là sông hay dòng chảy.
“Thành phố của nhà thờ”
Regensburg cũng nổi tiếng là “thành phố của nhà thờ”, bởi nơi đây vốn một thời là trung tâm mà từ đó Cơ đốc giáo lan tỏa khắp nước Đức và sang tận Trung Âu qua dòng sông Danube. Một trong những công trình tráng lệ nhất là Nhà thờ Chính tòa Saint Peter cao chót vót được xây dựng từ thế kỷ XIII, với hầu hết các tác phẩm điêu khắc của giáo đường được thực hiện trong phân xưởng của nhà thờ vào giữa thế kỷ XIV.
Dấu ấn tôn giáo còn hiển hiện đậm nét qua tòa nhà mang tên Goliath xây dựng từ thế kỷ XIII, với hình vẽ sắc sảo hai nhân vật thần thoại nổi tiếng trong Thánh kinh là Goliath và David trên mặt tiền căn nhà. Suốt hơn bảy trăm năm qua, chàng thiếu niên David bé nhỏ, với cây ná và vài hòn đá cuội trong tay, vẫn can cường đối mặt với gã Goliath khổng lồ cao gần ba mét trang bị vũ khí đến tận răng, mãi mãi làm rung động trái tim nhiều thế hệ vẫn tin vào phép màu của Thượng đế.
Mối đe dọa về “cuộc biểu tình của cánh tả” cuối cùng cũng đến vào lúc mười giờ sáng và hóa ra không có gì căng thẳng như mọi người lo ngại. Hai chiếc môtô cảnh sát hú còi dẫn đường cho vài chiếc xe hơi mui trần với mấy chục người vừa giương biểu ngữ vừa ca hát inh ỏi chạy qua phố xá. Nhiều người đứng hai bên đường vui vẻ vẫy tay ủng hộ, chúng tôi cũng hào hứng vẫy theo mặc dù không hề biết họ yêu sách điều gì!
Trong số những di tích còn tồn tại của thời kỳ “đế chế La Mã thần thánh” chiếm đóng tại Regensburg, cổng thành cổ Porta Praetoria phía sau Nhà thờ Chính tòa gây ấn tượng nhất cho chúng tôi cũng như nhiều du khách đủ mọi quốc tịch, với những tảng đá khổng lồ chồng lên nhau tạo thành một cổng vào theo dạng mái vòm. Qua tấm lưới sắt bên cạnh ngọn tháp phía đông, du khách có thể nhìn thấy mặt đường nguyên thủy thời La Mã nằm sâu gần ba mét dưới chân.
Không có tòa thị sảnh nào ở Đức được bảo quản kỹ lưỡng như Tòa thị sảnh Altes Rathaus của Regensburg, một công trình gothic xây dựng từ thế kỷ XIII. Du khách có thể xuống tham quan tầng hầm của tòa thị sảnh, nơi có một ngục tối với phòng tra tấn được bảo quản theo tình trạng nguyên thủy.
Thỏa “niềm vui du lịch”
Chiếc cầu đá ở cửa ngõ vào thành phố Khi đã mỏi chân sau mấy giờ lang thang qua các con đường xưa cũ, buổi trưa chúng tôi cùng nhau trở về bên cạnh cây cầu đá, nơi tọa lạc quán ăn lâu đời nhất của thành phố. Có thể nói tại Regensburg, mọi con đường đều dẫn (du khách) đến quán ăn nổi tiếng này. Thực khách ngồi chật kín các dãy bàn đặt trên sân rộng ngoài trời, dưới bóng râm mát của những tàng cây.
Đã đến Đức thì không thể bỏ qua cơ hội thưởng thức những ly bia óng ánh thơm ngon - món bánh mì lỏng truyền thống đã được dân Đức nâng lên tầm văn hóa - cùng với món giò heo hầm khổng lồ dễ làm bủn rủn tay chân các quý bà quen kiêng khem, cùng với những khoanh xúc xích hấp dẫn đủ làm phá sản những kế hoạch đai-ét nghiêm ngặt nhất.
Sau khi chè chén no say, chỉ cần đi thêm vài bước đến lữ quán cổ xưa White Lamb kề bên là du khách có thể được đón chào với thái độ cũng trân trọng như đối với Goethe, Mozart và Haydn, khi những nhân vật lẫy lừng này đến trọ nơi đây mấy thế kỷ trước.
Nhưng chút hư danh ấy chẳng đáng gì so với cái thú xuống tàu làm một chuyến du hành xuôi theo dòng Danube. Chiếc tàu lướt êm như trôi qua hết khu rừng nhỏ đến những thảm cỏ xanh, rồi các công trình kiến trúc đa dạng, cảnh vật hai bên thay đổi liên tục tạo sự hứng thú cho người xem. Cuộc hành trình càng đáng nhớ nếu trên đường đi du khách ghé qua đền tưởng niệm Walhalla kiến trúc kiểu La Mã xây dựng vào thế kỷ XIX, để ghi nhớ chiến thắng vẻ vang của dân tộc Đức trước đội quân hùng mạnh của Napoleon.
Nằm chơ vơ trên đỉnh đồi, cảnh trí bên trong yên tĩnh và cổ kính, tự bản thân Walhalla không hề hấp dẫn nếu không có những cảnh vật quyến rũ xung quanh nó. Vượt qua con đường dốc cao, được cây cối xanh rì hai bên che mát, khi lên đến Walhalla thì món quà mà thiên nhiên hào phóng ban tặng thật vô giá. Ngồi ở bậc thềm ngôi đền ngắm phong cảnh, trên đầu là bầu trời trong xanh vời vợi, dưới chân dòng sông hiền hòa như dải lụa màu xanh trải dài khuất tầm mắt, mọi lo âu toan tính đời thường bỗng trở nên vô nghĩa.
Chúng tôi kết thúc chuyến du lịch đáng nhớ ở Regensburg bằng một chầu bia hoành tráng tại... một tu viện nhỏ nằm cheo leo sườn đồi, điểm thu hút khách du lịch quanh năm. Mọi người đến nơi này không chỉ để tham quan tu viện cổ mà còn để thưởng thức loại bia Đức tuyệt diệu danh bất hư truyền, do chính các tu sĩ ở đây sản xuất.
Nhớ lại Lâm Ngữ Đường từng quan niệm rằng, mục đích của du lịch không phải chỉ là chinh phục đường xa vạn dặm, nghiêm túc theo đúng chương trình đã lên lịch tỉ mỉ để xem càng nhiều di tích càng tốt, khiến đôi khi chỉ đạt được... thành tích mà không có nhiều niềm vui. Theo ông, niềm vui của du lịch đơn giản chỉ cần có một cặp mắt để ngắm và một tấm lòng để cảm.
Nói như thế, thì Regensburg không chỉ đem đến cho du khách niềm vui được thỏa thích ngắm cảnh vật cổ kính, sông nước nên thơ, mà còn làm giàu tâm hồn khách phương xa khi cho họ cơ hội tiếp xúc mật thiết với thiên nhiên hữu tình.
(Theo Tuổi trẻ)