Thoạt nhìn, nó giống như một cảnh tượng trong phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, hố lửa khổng lồ nằm ở trung tâm sa mạc Karakum không phải là hậu quả của một vụ tấn công từ ngoài không gian vào trái đất.
Trên thực tế, đó là một cái hố do các nhà địa chất tạo ra cách đây hơn 40 năm và lửa trong đó cháy mãi từ đó tới giờ chưa tắt. Cụ thể, vào năm 1971, các nhà địa chất Liên Xô đã tiến hành khoan lỗ xuống đất tại địa điểm này và chạm phải một cái hang lớn chứa đầy khí tự nhiên.
Tuy nhiên, khoảng đất phía dưới lỗ khoan bị sụp, tạo nên một cái hố với đường kín 70m. Lo sợ, khí độc sẽ phun ra từ cái hố này, đội các nhà địa chất quyết định phóng hỏa. Họ hy vọng rằng lửa sẽ ngừng cháy trong vài ngày song nó vẫn cháy rừng rực cho tới ngày nay.
Ngọn lửa tạo ra một hình ảnh rực rỡ mà cách xa hàng kilomet vẫn có thể nhìn thấy, theo đó lôi cuốn không ít khách du lịch tò mò đến tham quan. Chào mừng bạn đến với "cánh cửa dẫn tới địa ngục", người dân địa phương thường chào gọi như vậy.
Miệng “âm phủ”
Năm 1962, một trận hỏa hoạn nhỏ tại Centralia, Pennsylvania làm chuyển dời một mạch than đá Antraxit phía dưới thị trấn. Ngọn lửa bề ngoài thì có vẻ đã được dập tắt thành công nhưng những lớp than đá vẫn tiếp tục cháy âm ỉ dưới lòng đất trong nhiều năm trời. Cho đến một ngày năm 1984, ngọn lửa âm ỉ đó vượt ngoài tầm kiểm soát. Nó cháy bùng lên.
Đến nay ngọn lửa tiếp tục cháy phía dưới thị trấn và lượng than đá trong lòng đất thậm chí còn đủ cung ứng cho ngọn lửa cháy trong khoảng 250 năm nữa. Do đó, những người khách đặt chân đến đây không ngần ngại đặt cho nơi này cái tên “miệng âm phủ”.
Ngọn đồi thánh giá
Ngọn đồi Domantai với hàng nghìn cây thánh giá thoạt trông như một nghĩa địa ở Lithuania cũng là một trong những điểm du lịch gây tò mò nhất thế giới.
Người ta ước tính có hơn 200.000 cây thánh giá được đặt tại đây, nhưng địa điểm này không phải là một nghĩa địa.
Người ta truyền tai nhau về những câu chuyện lý thú, những điều kỳ diệu khi tới ngọn đồi, vì thế, nhiều người đã lặn lội đến tận ngọn đồi này và đặt lại một thập giá với mong muốn mình sẽ tìm thấy thật nhiều may mắn trong cuộc đời. Theo thời gian, số lượng thánh giá đặt lại tại ngọn đồi này tăng lên.
Tuy nhiên, ngọn đồi thánh giá trải qua nhiều biến cố thăng trầm. Phải đến năm 1985 thì ngọn đồi thánh giá mới thật sự yên bình, không bị chống phá nữa. Danh tiếng của ngọn đồi từ đó lan rộng trên toàn thế giới và mỗi năm ngọn đồi này tiếp đón hàng nghìn lượt khách viếng thăm. Một phần trong số đó là những người mộ đạo và một phần là du khách hiếu kỳ.
Thánh giá được đặt tại ngọn đồi này rất đẹp với nhiều kích thước và khối lượng khác nhau, chúng được chạm khắc trên gỗ hoặc điêu khắc bằng kim loại. Đi dạo trên ngọn đồi khoảng ba km là du khách có thể nhìn thấy vô số cây thánh giá với tràng hạt, hình ảnh của Chúa Giêsu, các thánh, tượng đức mẹ Maria, hàng nghìn hình nộm nhỏ và cả hình ảnh của đất nước Lithuania được trang trí rất đẹp.
Đặc biệt vào những ngày lộng gió, khu “rừng cây” thánh giá cùng với những chuỗi tràng hạt cùng hợp tấu tạo ra một “bản nhạc” vô cùng độc đáo.
Thị trấn ma chôn vùi trong cát
Kolmanskop là một thị trấn ở phía Nam Namibia, cách cảng Luderitz một vài kilomet vào sâu trong nội địa. Trong thời kỳ hoàng kim, thị trấn Kolmanskop phát triển mạnh mẽ với dân số chỉ có hơn 1.000 mà hầu hết là người dân lao động nhập cư. Chỉ với một dân số ít ỏi cùng với văn hóa giải trí sôi động một thời, giờ thì tất cả đều bị nhấn chìm trong một biển cát sa mạc.
Vào năm 1908, khi Namibia còn dưới sự kiểm soát của Đức, một công nhân đường sắt có tên là Zacharias Lewala tìm thấy một viên kim cương trong khi dọn dẹp đống cát. Ngay sau đó thì khu vực này bị bao vây bởi cơn sốt tìm kim cương cũng giống như California Gold Rush giữa thế kỉ 19. Các tay thợ săn tài sản từ những nơi xa xôi tập trung về nơi này và mở rộng phạm vi tìm kiếm, làm cho câu chuyện tìm kiếm kim cương trở nên phong phú thêm. Đến cuối năm 1914, người ta đã đào bới trong khu vực này và tìm thấy khoảng 5.000.000 carat tương đương với 1.000 kg kim cương.
Kolmanskop trở nên giàu có và phồn thịnh nhờ kim cương nhưng theo phong cách của một thị trấn kỳ lạ. Trường học, bệnh viện, phòng khiêu vũ, một bể bơi và thậm chí cả một loạt các sân chơi ném Bowling và những con hẻm được xây dựng nhanh chóng sau đó.
Tuy nhiên, giá kim cương bắt đầu giảm xuống sau chiến tranh thế giới thứ nhất, thị trấn Kolmanskop vinh quang giàu có ngày nào đã bắt đầu đi vào tình trạng suy thoái. Năm 1926, lại một lần nữa cơn sốt kim cương lại đến, những người dân tại thị trấn này lần lượt ra đi về phía Nam, dần dần bỏ lại thị trấn, bắt đầu cho một công cuộc tìm kiếm mới.
Song cửa sắt, khu vườn đẹp cùng những con đường nhỏ đều bị chôn vùi dưới cát. Những bản lề cửa sổ lâu ngày không sử dụng dưới làn gió phát ra những âm thanh ghê rợn giữa mênh mông cát và một thị trấn ma ghê rợn mới được hình thành.
Đến năm 1980, công ty De Beers, một chủ sở hữu đất mới đã bắt tay vào công cuộc khôi phục những tòa nhà và mở ra một tour du lịch mới đến thị trấn ma.
Khách du lịch đến đây thấy thú vị nhất là nhìn những tòa nhà cũ vẫn nguyên sơ với cư dân sinh sống hiện tại trong đó là những đám cát sa mạc trải khắp căn nhà. Các thành phố ở đây vẫn mở cửa hàng ngày để đón khách du lịch viếng thăm. Những tour du lịch luôn kèm hướng dẫn, họ sẽ nói về những gì còn sót lại, kể về những câu chuyện xoay quanh việc tìm kiếm kim cương lên cơn sốt một thời.
Những hố tròn bí hiểm ở Nga
Từ cuối thập kỷ 80, một hiện tượng lạ xảy ra ở các khu rừng rậm ở nước Nga. Người ta tìm thấy những cái hang sâu hoắm, thành hang nhẵn thín và trơn tuột như thể hang lươn.
Hơn nữa, cũng không hề có bất cứ dấu tích nào của đất đá đào xới xung quanh. Như thể có bàn tay vô hình khổng lồ đã thọc vào lòng đất.
Rất nhiều đội thám hiểm đã tìm tới đây và dùng dây chằng đưa người xuống hố, những mong làm sáng tỏ điều bí ẩn hơn hai chục năm qua. Rốt cục họ đều trở về tay trắng: lòng hố tối đen như hũ nút và sâu tưởng chừng như không bao giờ chạm đáy.
Những lỗ tròn này được tạo ra như thế nào, do ai, vì mục đích gì - tất cả câu trả lời còn nằm trong vòng bí hiểm.
Trong thời gian các nhà khoa học giải mã được những bí ẩn này, khách du lịch đua nhau kéo đến đây để chiêm ngưỡng và tự tìm ra cho mình một câu trả lời.