Ở Guatemala - nơi thần linh của những người da đỏ cũng được tôn thờ như các vị thánh của đạo Thiên Chúa giáo - những tục lệ từ thời Maya đã được làm sống lại. Một cuộc viếng thăm cạnh hồ Atitlán sẽ cho du khách hiểu thêm một phần cuộc sống đa dạng của người dân Guantemals cũng như về một phần văn hóa Maya còn được giữ gìn.
Trên những phế tích của những thành phố Maya cổ xưa ở phía bắc như Tikal hay Iximché, những ngọn lửa nghi lễ lại được thắp sáng lcùng với những tràng dây hoa bằng giấy bay phấp phới trên những cành cây. Và ở bên hồ Atitlán nằm giữa những ngọn núi lửa và những rừng cọ, những nghi lễ này cũng được khôi phục.
Hồ Atitlán ở Guatemala |
Họ đối xử với thánh thần (bằng tượng gỗ) của họ chu đáo như với một người già nằm liệt giường. Trong khi một người đỡ phía sau thì một người khác đưa chai rượu lên môi vị thần. Rượu (làm từ mía) chảy dần vào miệng của vị thần Maximón.
Sau khi một phần tư chai rượu đã trôi qua môi vị thần này, họ dựng thần dậy. Những giọt rượu lăn xuống cằm của thần sẽ được lau bằng một chiếc khăn lụa. Và như thông lệ, sau một cút rượu ngon vị thần còn được cài lên môi một điếu thuốc đã châm.
Nhà thờ ở Atitlán |
Thuốc lá và rượu là hai thứ không thể thiếu trong nghi lễ của người Maya, giống như tiếng chuông và áo thụng trong buổi thánh lễ của đạo Thiên Chúa.
Nhưng kể từ khi tiếng chuông được ngân lên ở Guatemala sau khi người Tây Ban Nha đến đây khai hóa từ năm 1523 thì người Maya - những thổ dân ở nơi này - đã bị cấm không được tế thần linh của họ nữa. Mãi đến năm 1995 sau khi ký kết văn bản về "bằng chứng và quyền của những bộ tộc thổ dân da đỏ“ thì văn hóa cổ đại của họ mới dần được khôi phục. Thánh thần Maximón được tôn thờ trong một ngôi nhà nhỏ ở thị trấn nhỏ bé Santiago bên bờ hồ Atitlán.
Kiến trúc kiểu châu Âu do người Tây Ban Nha mang đến |
Phế tích của nền văn hóa Maya còn sót lại ở Tikal |
Không khí trong phòng của Maximón khá ngột ngạt vì khói hương trầm. Trên trần nhà là cả một rừng hoa khô, điểm vào đấy là những tràng hoa giấy. Điếu thuốc lá trên miệng thần đã cháy hết, tàn thuốc rơi xuống chiếc đĩa có đựng tiền xu nằm ở phía trước.
Một người phụ nữ bước vào căn phòng và dâng lên Maximón vài đồng tiền xu trước khi chị ta ngồi xuống dưới chân thần và đốt những ngọn nến màu để cầu ước: màu xanh lam cho thành công trong sự nghiệp, màu trắng để bảo vệ và ban phước lộc cho con cháu và màu xanh lá cây cho sự sung túc. Sau đó chị đọc to những lời cầu nguyện ấy và một người giúp việc sẽ cầm tay chị đặt lên trên bộ cánh của Maximón.
Người Maya đã đến với Maximón như thế nào đó vẫn là một bí mật. Huyền thoại kể rằng họ cực kỳ tuyệt vọng khi mà dưới ách thống trị của người Tây Ban Nha, họ không được tế thần linh của mình nữa. Một cha cố đã khuyên họ vào rừng tìm một cây rỗng mà ở đó gió thổi tạo thành tiếng - đó chính là lời của thần linh. Maximón đã được gọt giũa ra từ cây ấy.
Chợ ở Guatemalag |
Và họ vẫn cười tươi |
Những con đường trước ngôi nhà của Maximón trống không. Từ xa đã nghe thấy tiếng pành pành của những chiếc taxi ba bánh chở du khách từ bến tàu qua những ngõ dài leo lên đến nhà thờ và khu chợ ở Santiago Atitlán. Vào buổi chiều ở độ cao 3.000m, những đám mây cứ quấn xung quanh miệng núi lửa như một chiếc khăn mùa đông. Và ngày qua ngày vở kịch tự nhiên này cứ diễn ra đều đều.
Lúc này Maximón đang có khách là Gloria Leha và mẹ của cô, một người đàn bà vui tính đã móm mém. Họ đã đi 3 tiếng đồng hồ trên một chiếc xe buýt sặc sỡ nhưng khá xóc từ dưới Thái Bình Dương lên trên hồ để giặt quần áo cho Maximón. Mỗi tháng một lần họ làm việc này, Gloria - người làm nghề đỡ đẻ và mẹ của 8 đứa con - kể.
Với một người phụ nữ Maya thì chuyện nhiều con là quá bình thường. Người già không được nhà nước chăm sóc do đó họ cần có người phụng dưỡng lúc về già, họ cần có con cái để tiếp tục công việc đồng ruộng hay buôn bán của mình. Chính vì vậy họ thường đẻ đến khi không còn khả năng nữa hoặc họ sẽ chết ngay bên giường của những đứa trẻ.
Gloria chỉ vào một cái hang trên sân được xây bằng đá và đã đen ngòm vì khói - đây là nơi chữa bệnh của họ. Đi bệnh viện chỉ trong trường hợp như mất cả một cánh tay hay những bệnh nghiêm trọng. Tất cả những trường hợp khác đều được chữa trị tại cái hang ấy.
Guantemals |
Trẻ em ở Guatemala |
Kim tự tháp ở Tikal |
Người Maya, những tập tục và truyền thống của họ vẫn là những bí ẩn không chỉ cho du khách đến nơi đây. Cho tới ngày nay lịch sử và văn hóa của người Maya cổ đại từ lúc khởi nguồn của một nền văn hóa cấp thấp 2.000 năm trước Công nguyên cho đến một nền văn minh đỉnh cao với chữ viết, lịch và những công trình vĩ đại như pyramids vẫn chưa được nghiên cứu trọn vẹn. Những truyền thuyết cũ của người Maya cổ đại không còn là bao, sách vở của họ cũng đã bị đốt phần lớn.
Và những tài liệu quan trọng còn tồn tại liên quan đến nền văn hóa Maya cũng nằm ở nơi khác, tại những thư viện ở Dresden, Madrid hay Paris. Và quyển sách nổi tiếng nhất về văn hóa Maya, quyển Popol Vuh cũng chỉ là những ghi chép của cha cố Francisco Ximénez vào năm 1702. Nguyên bản của cuốn sách này hiện được lưu giữ ở Chicago.
Những báu vật của người Maya cứ dần dần bị đưa ra nước ngoài là một sự coi thường đối với người Indígenas (tên chính thức của người da đỏ) từ hàng trăm năm nay. Mặc dù vậy nền văn hóa của họ cũng không bị tàn lụi - những kinh nghiệm trong nghệ thuật dệt cửi, trong việc chế tạo nhạc cụ hay những nghi lễ tôn giáo và những phương pháp chữa bệnh đặc nghiệm vẫn được truyền tải cho đến ngày nay.
Và du khách lại được thấy khói trầm hương bay lên khắp nơi trên đất nước Guatemala, những con rồng giấy lại bay lên với thần linh mỗi dịp tháng mười một, và mỗi khi lễ Phục sinh đến Maximón lại được ngồi trên vai những con chiên để tham dự đoàn diễu hành phục sinh như mọi ông thánh của đạo Thiên Chúa giáo. Mặc dù xếp ở hàng cuối cùng của đoàn diễu hành nhưng ở đấy ít nhất là không có ai cản trở ông uống rượu và hút thuốc.
Người dân da đỏ |
Sản phẩm dệt |
Tu viện - kiến trúc kiểu Âu |
Tượng ở Tikal là một trong những di tích hiếm còn sót lại |
(Theo_Báo thế giới Đức)