Có một ví von thú vị về nước Nhật thế này: “Nước Nhật giống như một cô gái nhan sắc trung bình nhưng có ý thức chăm chút bản thân…”. Thoạt nhìn, “làn da, nước tóc” của cô chỉ vừa đủ để không phụ lòng người thưởng lãm. Nhưng có sống với cô mới thấy sự khéo léo và lịch duyệt mới là điều khiến người ta phải trầm trồ thán phục.
Đến Nhật Bản vào cuối thu khi tiết trời bắt đầu chuyển đông, lá phong từ xanh ngả sang vàng, từ vàng đã ngả sang màu đỏ tía. Mùa thu ở Nhật đã chín, nhưng vẻ đẹp của cảnh vật không làm người ta bận lòng bằng một vẻ đẹp nằm trong sự khôn ngoan, tỉ mỉ, vén khéo của người dân xứ này.
Vườn trong chùa ở Kyoto |
Shinkansen - Niềm tự hào thứ nhất của người Nhật
Từ sân bay Narita, chúng tôi về Tokyo bằng tàu cao tốc Shinkansen. Ấn tượng đầu tiên về nước Nhật là trong lành, sạch sẽ và tốc độ. Nhật Bản có hệ thống tàu điện ngầm từ cuối thế kỷ XIX, nhưng “con tàu viên đạn” Shinkansen do các kỹ sư hàng không và hàng hải chế tạo năm 1964 đã làm thay đổi thói quen sinh hoạt và là niềm tự hào của người Nhật. Với vận tốc 300km/g, việc đi lại giữa các thành phố lớn chỉ tốn vài giờ di chuyển. Hiện nay hệ thống tàu điện là phương tiện giao thông quan trọng nhất phục vụ 128 triệu người Nhật.
Thật khó tránh khỏi bỡ ngỡ trước hệ thống tàu điện được thiết kế chằng chịt như một tổ mối dưới lòng đất. Các trạm tàu điện đều nằm ở tầng trệt và tầng hầm của các tòa nhà lớn. Nơi nào có nhà ga đều trở thành khu thương mại sầm uất. Các bảng chỉ dẫn đường tàu bằng tiếng Nhật dù đã được phiên âm ra tiếng Latin vẫn là một thách đố lớn đối với người dân tỉnh lẻ và du khách. Hệ thống tàu điện ở Nhật được đánh giá là quy mô và chính xác nhất thế giới. Trừ những chuyến tàu siêu tốc đi từ thành phố này sang thành phố khác có thời gian chờ tàu trên dưới một tiếng, tàu trong nội thành chỉ trong vòng ba đến năm phút là có chuyến. Hành khách có thể chờ tàu ở sân ga, đi mua sắm, ngồi quán cà phê hay ăn mì chạy (quán mì không có ghế, vừa ăn vừa đứng chờ tàu đến là… chạy).
Đi tàu điện vào giờ cao điểm ở Tokyo mới thấy hết tính chiến lược của hệ thống giao thông công cộng ở một đô thị lớn. Vào giờ cao điểm, sân ga rợp một màu đen của áo vest. Người trên sân ga xuôi ngược như thác lũ, còn người trong các toa tàu thì chật cứng như nêm. Toa tàu tưởng không còn chỗ đứng nhưng cả chục người mới vào cứ ép vào, ép vào nữa… rồi cũng lọt. Trên tàu, tất cả điện thoại di động và thiết bị nghe nhìn phải để ở chế độ yên lặng vì giờ đi tàu cũng là giờ mọi người tranh thủ chợp mắt, đọc sách hay đơn giản là “tạm đóng” toàn bộ giác quan để nghỉ ngơi.
Không khí trong tàu điện ngầm giờ cao điểm thì ngộp vì chật, giờ tan tầm thì đầy ắp những gương mặt mỏi mệt sau một ngày làm việc. Nhiều thế hệ người Nhật đã quen với tàu điện từ cuối thế kỷ XIX nên cũng dễ hiểu vì sao họ kiên nhẫn và bình thản như vậy khi đi tàu. Chợt nhớ cảm giác chạy xe máy ở quê nhà: chạm nắng, chạm gió, nghểnh đầu lên là mây trắng, trời xanh. Có bụi đấy, khói đấy, kẹt xe đấy, nhưng sao mà quý cái không gian trên mặt đất, được lái chiếc xe hai bánh rù rì nhưng thênh thênh tự do.
Daibutsu-den Hall - Chùa gỗ lớn nhất thế giới ở Nara | Hiền hòa một góc làng gốm ở Tokoname |
Vệ sinh công cộng - Niềm tự hào thứ hai
Một điều để lại ấn tượng rất đẹp trong lòng du khách ngoại quốc đến Nhật là chất lượng vệ sinh công cộng. Tất cả các trạm ga tàu điện đều có nhiều nhà vệ sinh hiện đại và rất sạch, có thiết kế dành riêng cho người già, người tàn tật, trẻ sơ sinh. Có lần, loay hoay mãi trong nhà vệ sinh vì tìm hoài không ra một cái nút nào để bấm cho WC hoạt động. Đèn tự động sáng, xe tự động lái, cửa tự động mở thì thấy rồi nhưng WC tự động thì mình hoàn toàn… chưa nghĩ tới. Nghĩ vậy, tôi đành bước ra kiếm người hỏi, vừa mở cửa thì bỗng nước tự động dội… cái ào! Lần ở trạm khác, chỉ cần đứng lên hay chạm một ngón tay vào bộ phận cảm biến là… xong! Với hệ thống tự động như vậy, ngay cả người lười nhất cũng chẳng còn cơ hội để mất vệ sinh.
Nhật vốn nổi tiếng về công nghiệp xử lý rác. Thùng rác được phân thành ba loại dành cho: vỏ chai, vỏ lon; giấy báo, tạp chí và các chất có thể hủy bằng nhiệt. Không chỉ rác được quan tâm, ngay cả thùng rác ở xứ bạn cũng được ưu ái. Một trong những cảnh tượng làm chúng tôi ngạc nhiên và khâm phục người Nhật là cảnh lau thùng rác ở sân ga. Sáng sáng, nhân viên vệ sinh của ga cần mẫn xách thùng nước đi lau từng thùng rác, cũng như trong nhà vệ sinh công cộng, người lao công ôm bồn cầu chà say sưa là chuyện rất bình thường. Ngoài đường, chúng tôi luôn gặp những tốp nhân viên vệ sinh đi nhặt từng cọng rác, moi từng tàn thuốc trong bụi cây. Dường như đối với bất kỳ công việc gì, một khi đã làm, người Nhật đều làm nghiêm túc và hết mình.
Những điều trông thấy mà…
Ginza - khu sang trọng được mệnh danh là Fifth Avenue (New York) của Tokyo | Một bữa cơm truyền thống Nhật |
Nói người Nhật dùng đồ Nhật có vẻ hơi thừa vì hàng Nhật trên thế giới nổi tiếng tốt là thế. Nhưng đến Nhật mới thấy tư duy xài đồ nội địa của người Nhật rất đáng để học tập. Tính dân tộc của người Nhật thể hiện ở sự cân nhắc, tính toán và hợp tác của nhà sản xuất và người tiêu dùng vì lợi ích quốc gia. Nhật sản xuất xe hơi, xe máy kích cỡ lớn, tiện nghi, sang trọng để xuất khẩu, nhưng dân Nhật lại chuộng xe có thiết kế nhỏ gọn để tiết kiệm năng lượng và diện tích. Đến Nhật, nào thấy thanh niên đi những chiếc xe thế hệ mới như Dylan, SH, PS!
Chiếc máy ảnh Panasonic hiệu Lumix mới mua năm ngoái của tôi bây giờ ở Nhật không thấy ai bán nữa. Nhưng những chiếc Cub cánh én, Cub Customs khiêm tốn từ thập niên 1980-1990 thì vẫn được “trọng dụng”. Xe tay ga, môtô ở Nhật nhỏ xíu nhưng phóng ào ào trên đường. Người dân Nhật chuộng những sản phẩm tiết kiệm năng lượng vì họ quan tâm đến môi trường. Một ý thức đáng học tập nữa là dù ở trung tâm thành phố hay ngoài ngoại ô, bạn sẽ không bao giờ nghe tiếng còi xe! Có lần, tôi vô tình chạy xe đạp trước mũi một chiếc xe hơi, nhưng chiếc xe ấy không bấm còi mà kiên nhẫn chạy chậm sau xe đạp một đoạn dài, mãi đến khi một người bạn nhắc, tôi mới biết để tránh đường và xe hơi mới tăng tốc.
Người Nhật có truyền thống chú trọng đến hình thức. Hàng hóa ở Nhật có cả ti tỉ thứ nhỏ nhỏ, xinh xinh quyến rũ con mắt và túi tiền của mọi người. Văn hóa trưng bày ở Nhật là cả một nghệ thuật tạo cho người ta cảm giác hàng hóa và khách hàng được nâng niu và trân trọng một cách đặc biệt. Điều đó cũng tương tự trong cách người Nhật thể hiện bản thân. Tuy bề ngoài không thu hút nhưng nhờ chú trọng trang phục, họ có vẻ ngoài đường hoàng, thanh lịch. Có một cái lạ là đàn ông xứ này rất điệu. Họ chăm chút từ cách ăn mặc đến... cách trang điểm! Ngạc nhiên nhất có lẽ là mốt tỉa lông mày đang thịnh hành trong nam giới. “Râu hùm, hàm én, mày ngài” dường như không là tiêu chuẩn của cái đẹp đại trượng phu ở Nhật. Với họ, đẹp bây giờ là “mày lá liễu”!
Ngẫm hay muôn sự tại...
Có một câu danh ngôn trong nghệ thuật quản lý, đại ý nếu muốn cấp dưới có ít ý kiến thì hãy đề ra thật nhiều nguyên tắc. Kỳ công mà người Nhật đã và đang làm trong nhiều thế kỷ qua là xây dựng một xã hội trật tự và tinh giản bằng hệ thống những nguyên tắc phức tạp. Đằng sau những tiện ích tự động hóa là cả một bộ máy tinh vi điều khiển, đằng sau đường nét thanh thoát trong kiến trúc và nghệ thuật Nhật Bản là sự khắt khe của cả một truyền thống chuẩn mực về cái đẹp.
Nhiều người ngoại quốc thường nói về Nhật Bản như một đất nước có một trật tự tuyệt vời đến mức khó hiểu. Một đất nước mở cửa và đón nhận văn hóa phương Tây từ rất sớm nhưng văn hóa truyền thống - những gì người Nhật tự hào thì không bao giờ thay đổi. Một đất nước sử dụng hệ thống Hán ngữ mà người Nhật ra nước ngoài và người nước ngoài đến Nhật vẫn có thể dễ dàng làm ăn sinh sống.
Shibuya - một khu ăn chơi thời thượng ở Tokyo | Thầy trò Geisha ở Hanami-koji |
Thật khó nói hết về những biểu hiện của lòng tự hào dân tộc, tính tự trọng của cá nhân, ý thức hòa hợp với thiên nhiên, mỹ thuật đề cao sự tinh giản, cùng những nguyên tắc hành xử phức tạp trong xã hội Nhật. Nhưng ngẫm về nguồn gốc - cái gì đã hun đúc nên tinh thần Nhật, câu trả lời có thể nằm trong ảnh hưởng sâu sắc của đạo Shinto đối với dân tộc Nhật Bản. Shinto (Thần giáo) đối với người Nhật cũng gần như đạo thờ ông bà đối với người Việt.
Xuất hiện từ thế kỷ thứ III trước Công nguyên, Shinto chủ trương tôn trọng truyền thống, gia đình; một lối sống giản dị hòa hợp với tự nhiên; đề cao sự thanh khiết, lòng tự trọng của mỗi cá nhân; nhưng đặc biệt, Shinto có một hệ thống nghi lễ, nghi thức rất cầu kỳ. Xuyên suốt lịch sử phát triển của Nhật Bản, ảnh hưởng của đạo Shinto lên văn hóa và đời sống xã hội Nhật gần như đồng nhất với những gì mà người Nhật ngày nay tự hào về văn hóa dân tộc, thể hiện qua: kiến trúc, ẩm thực, nghệ thuật làm vườn, cắm hoa, nghi thức hành xử, thói quen cởi giày, dùng đũa gỗ, rửa tay súc miệng trước khi vào đền, chùa…
Theo DNSG