Oslo có lẽ là một thủ đô nhiều diện tích xanh và gần gũi thiên nhiên nhất trong số các thủ đô châu Âu vì nó rộng hơn 500km2 mà chỉ xây dựng có 115km2 với số dân chỉ có 570 ngàn người. Phần còn lại dành cho công viên, khu nhà vườn, rừng, suối, ao hồ...
Khu nhà vườn RodelØkka với những ngôi nhà tí hon bằng gỗ |
Ngày nay phong trào này ngày càng phát triển mạnh tuy bối cảnh xã hội thay đổi nhiều. Mạnh nhất tại Đan Mạch. Tại Na Uy, hội Nhà vườn có tất cả 14 khu nhà vườn. Riêng Oslo có 9 khu.
Tôi xin giới thiệu khu nhà vườn tí hon RodelØkka, cách nhà tôi đang ở chừng năm phút đi bộ. Được khánh thành từ năm 1907, khu nhà vườn này gồm có tổng cộng 151 mảnh đất vào khoảng 200m2/mảnh. Người dân được phép xây dựng một căn nhà với diện tích tối đa 32m2. Mái hiên thêm 10m2. Còn lại là vườn để trồng cây ăn quả, hoa và rau. Nhà vệ sinh và phòng tắm công cộng tại một nơi riêng. Có nhà truyền thống cho thuê để tổ chức liên hoan, chiêu đãi. Đa số những căn nhà tí hon này được xây dựng ngay lúc mới thành lập, bằng gỗ – một vật liệu xây dựng truyền thống của Na Uy. Sơn nhiều màu sắc để bảo quản. Không có kiến trúc sư tham gia.
Nhà thì của mình nhưng đất thì thuê của chính quyền địa phương với giá tương đối rẻ. Chủ nhà được quyền cho con cái thừa kế. Điều kiện bây giờ không cần phải là thuộc giai cấp công nhân nữa nhưng bạn phải là người ở tại chung cư ở Oslo và yêu chuộng làm vườn.
Bà Laila đón tiếp tác giả bài viết trong nhà vườn của mình |
Nhà vườn làm bằng gỗ là truyền thống của Na Uy |
Bốn mảnh tường có thể làm ra một căn hộ, thậm chí rất đẹp. Nhưng đồng thời nó cũng tạo ra khoảng cách đối với hàng xóm láng giềng. Độc lập hoá, cô lập hoá con người. Trong phạm vi của căn hộ, ta đầy đủ hết, không cần gì của ai bên ngoài. Dần dần đi đến tình trạng Bắc Âu: có văn minh nhưng thèm văn hoá. Nếu ta định nghĩa văn hoá là tạo điều kiện cho xã hội phát triển đa dạng, đa phương. Cả về mặt quan hệ con người với con người chứ không riêng tăng trưởng kinh tế như mọi người chỉ quan tâm hiện nay.
Theo tôi nghĩ nhiệm vụ của kiến trúc sư là không chỉ tạo ra một thế giới vật thể mà còn phải thiết kế có trách nhiệm xã hội, tạo điều kiện cho mọi người có tiềm năng phát triển đa dạng. Chỉ như vậy mới tăng trưởng chất lượng cuộc sống của nhân dân nói chung. Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ hiện nay chứng minh rõ ràng là giàu không phải đồng nghĩa với hạnh phúc!
(Nguồn: SGTT)