Ấn tượng sâu sắc của nhiều du khách khi có dịp đến thăm CHDCND Lào dù chỉ một lần là không khí thanh bình, nếp sống nhân hậu, trật tự và kỷ cương mang đậm truyền thống của đất nước hoa Chăm-pa, từ trong từng gia đình, ngoài đường phố đến những nơi công cộng. Người Lào rất tự hào là trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, nhưng ở ngay Thủ đô Viêng Chăn và cả các trung tâm đô thị lớn, những nét đẹp văn hóa ấy vẫn được bảo tồn và phát huy.
Đến Viêng Chăn ấn tượng đầu tiên là đường phố thông thoáng, sạch đẹp, mặc dù ở đây rất ít công nhân dọn vệ sinh hàng ngày. Giải thích hiện tượng này, các bạn Lào đều nói đến ý thức cộng đồng của người dân đã thành nếp quen như không đổ rác và chất thải ra trước nhà, khi đi ngoài đường không vứt giấy và túi ni lông xuống lòng đường, không phóng nhanh, vượt đèn đỏ khi đến ngã ba, ngã tư, kể cả khi không có cảnh sát ứng trực. Hầu hết mọi người đều đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy và không dùng còi khi lưu thông trên đường (mặc dù không có luật cấm dùng còi )… Vì vậy, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông rất thấp, kể cả những ngày lễ hội lớn tập trung đến hàng trăm ngàn người. Trong trường hợp không may xảy ra va chạm, hiếm khi có chuyện hai chủ phương tiện to tiếng, cãi vã nhau tranh phần đúng về mình khi chưa có mặt các nhà chức trách.
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ở Lào nói chung, Thủ đô Viêng Chăn nói riêng không có trộm cắp, không có người ăn xin và không có cả trẻ em lang thang bám theo người nước ngoài. Vì vậy, các gia đình không phải lo xây tường, rào dậu hoặc cửa đóng then cài đề phòng mất trộm. Những gia đình có xe ô tô và cả người đi đường (nếu xe hỏng) có thể để xe trước nhà, bên vệ đường cả đêm (nếu ở những vị trí được phép đỗ), mà không sợ mất bất cứ bộ phận gì dù nhỏ nhất của chiếc xe. Triết lý của người Lào là thiếu thì đi xin, đã xin thì cho nhiều và một khi đã lâm vào cảnh đói cơm, thiếu gạo thì dù đói sắp chết cũng không đi ăn cắp. Ăn cắp là một trong những tội lớn của con người. Phải chăng triết lý này đã chi phối suy nghĩ và hành động của người Lào, làm nên giá trị đẹp về trật tự, kỷ cương trong cuộc sống đời thường .
Một nét đẹp nữa của người Lào là cách hành xử rất văn hóa trong quan hệ gia đình, bản làng. Trong cuộc sống hàng ngày dù khó khăn đến đâu, mọi người đều tôn trọng, biết nhường nhịn nhau để không xảy ra to tiếng giữa vợ và chồng, giữa gia đình này với gia đình khác; bố mẹ không mắng chửi con cái và anh em không tranh giành của cải vật chất. Anh em, bạn bè gặp nhau dù bia, rượu nhiều hay ít cũng không có chuyện to tiếng dẫn đến ẩu đả làm buổi gặp mất ý nghĩa và để lại dư âm xấu. Một bạn Lào đã giải thích: Có được nếp ăn ở đẹp và tồn tại từ thế hệ này qua thế hệ khác là do người Lào sống với nhau rất chân tình, luôn trọng lẽ phải và biết kìm chế ham nuốn, nhất là ham muốn vật chất.
Đỉnh cao về nét đẹp văn hóa của người Lào thể hiện sâu sắc trong các dịp lễ hội. Với Lào hầu như quanh năm đều có lễ hội, trong đó có những lễ hội chính như Bun-pi-mày, Bun Thạt-luổng, Bun Vắt- phu, Bun Xuồng-hưa… Tuy vậy, ở tất cả các lễ hội này, phần lễ được tổ chức theo nghi thức Phật giáo trọng thị, đơn giản và chỉ mang tính chất tâm linh chứ không có biểu hiện mê tín, dù lễ hội đó kéo dài đến cả tuần. Người Lào đến các lễ hội đều mang những bộ quần áo, những chiếc khăn đẹp nhất và phụ nữ chỉ mặc trang phục dân tộc. Trong đêm lễ “tắc bạt” ở các đền chùa mọi người đều tự giác xếp hàng theo thứ tự đến trước đứng trước nên dù đông đến mấy cũng không có cảnh chen chúc, xô đẩy, không có chuyện người này làm phiền người khác, không một ai làm điều gì ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm của lễ hội và do đó càng không có đất cho các hành vi móc túi, cướp giật nảy sinh.
Đất nước thanh bình, con người nhân hậu và sống tôn trọng trật tự, kỷ cương đã thu hút du khách đến với Lào ngày càng nhiều.
(Nguồn:HNM)