Diện tích nước Nepal bằng nửa Việt Nam, nằm giữa hai nước lớn: Trung Quốc và Ấn Độ. Thế nhưng, quốc gia nhỏ bé này lại sở hữu tám trong số mười đỉnh núi cao nhất thế giới, trong đó có đỉnh Everest; có những công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới được xây dựng từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17.
Đối với hầu hết du khách, trạm dừng chân đầu tiên trong hành trình khám phá đất nước Nepal là Thủ đô Kathmandu. Có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, Kathmandu được coi là thủ đô độc đáo nhất ở châu Á với nhiều dấu ấn của ba tôn giáo: Hindu (Ấn Độ giáo), Phật giáo và Hồi giáo. Điều này thể hiện rõ nhất qua nhịp sống hàng ngày của người dân với nhiều tập tục của các đạo giáo. Tôn giáo chính thức của Nepal là đạo Hindu (Ấn Độ giáo), chiếm 89% dân số. Đặc biệt ở đất nước này, tất cả các tôn giáo đều hòa đồng.
Thủ đô Kathmandu tuy là đô thị cổ xưa nhưng lại có tốc độ phát triển rất nhanh. Từ năm 1951, thành phố mở cửa chào đón du khách và lôi cuốn được nhiều người tìm đến để tìm hiểu cuộc sống và thế giới tâm linh của người dân địa phương. Trái tim của Kathmandu là Quảng trường Durbar được xây dựng từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18. Đây cũng là Di sản thế giới với những cung điện, đền thờ, điện thờ, bức tượng cổ. Một trong những công trình nổi tiếng nhất quảng trường là lâu đài Hernimanuka. Tên của lâu đài có xuất xứ từ một vị hầu vương được phong thần với một bức tượng được đặt ngay phía trước lâu đài. Thần Hernimanuka tượng trưng cho sự trung thành. Quảng trường Durbar mang không khí huyền bí được rất nhiều du khách đến tham quan và mua sắm ở những cửa hàng. Trên những lối đi nhỏ hẹp, du khách sẽ có cơ hội khám phá phong cách sống ảnh hưởng của phương Tây.
Cảm tưởng đầu tiên khi du khách đặt chân đến Kathmandu là các chốn thờ chen chúc và một không khí cúng bái, kinh kệ, trầm hương nghi ngút ngập tràn... Người dân Nepal coi các vị thần và việc thờ phụng còn cần hơn cả nhu cầu ăn uống. Tại khu trung tâm, du khách có cảm giác như đền, chùa nhiều hơn nhà ở. Trên các bức tường, các ban công, các cửa ra vào - dù mới xây sau này hay có từ xưa - đâu đâu cũng thấy những dấu ấn tôn giáo khá rõ nét với các hình ảnh mang dấu ấn của thần linh. Trong vô số những đền chùa, bảo tháp ở Kathmandu, các công trình sau nổi tiếng hơn cả: Swayambhunath, Bouddhanath, Pashupatinath, Basantapur.
Chùa Swayambhunath với bảo tháp hình tròn đường kính 20m, cao 10m, nằm trên một ngọn đồi phía Tây thành phố Kathmandu. Dân địa phương gọi là “Chùa khỉ”, bởi đây là nơi trú ngụ của rất nhiều khỉ. Nếu không có lễ chư Phật và ngắm toàn cảnh thành phố, chắc chẳng ai lên đây - bởi du khách phải leo 324 bậc cấp mới đến được chùa. Pashupatinath là khu đền Ấn giáo, nằm bên bờ sông Bagmati mà những ngày đầu tháng 2 hàng năm nước cạn khô chỉ còn như một dòng suối. Tại đây, người ta tiến hành các nghi thức hỏa táng người chết.
Chùa Bouddhanath có kiến trúc khá độc đáo vì phần nền là hình ảnh tượng trưng cho trái đất, mái vòm tượng trưng cho nước, tháp trên tượng trưng cho lửa, hình ảnh quả cam tượng trưng cho không khí và tháp nhọn là hình ảnh tượng trưng cho bầu trời. Tháp được chia thành 13 tầng, cả 4 mặt của tháp đều được vẽ đôi mắt quan sát và mũi nằm giữa. Đó chính là hình ảnh tượng trưng cho sự thống nhất của cuộc sống.
Chùa Basantapur nằm bên cạnh quảng trường trung tâm thành phố Kathmandu. Đây là một quần thể đền tháp Ấn giáo và các công trình ngày trước là cung điện với mái ngói trầm tối, lúc nào cũng đông nghịt du khách. Tất cả những đền đài, chùa tháp, cung điện nguy nga tráng lệ hàng ngàn năm tuổi đời ấy đều bằng gỗ, với nghệ thuật chạm trổ khéo léo, tinh vi. Ngày nay, Thủ đô Nepal đã thay đổi: hiện đại hơn, văn minh hơn, nhưng nhìn chung cái hồn của đô thị cổ này vẫn còn nguyên.
Nằm cạnh Thủ đô của Nepal là thung lũng Kathmandu. Theo truyền thuyết, thuở xa xưa thung lũng là một hồ nước mênh mông, về sau cạn đi do thần Manjushri mài gươm. Còn các nhà địa chất thì cho rằng sau một trận động đất, bờ của hồ bị nứt, nước rút hết để lại thung lũng Kathmandu ngày nay. Có những đường mòn uốn lượn quanh thung lũng Kathmandu. Du khách có thể đạp xe đi dạo và nếu thích, có thể chạy đến những thị trấn xung quanh như Dhulikhel, Bouddha, Kakani và Pokhara. Du khách cũng có thể lên những con đường đồi ẩm ướt của vùng Annapurna và vùng núi Everest nổi tiếng. Nếu ra vùng ngoại ô khoảng hơn 1km về hướng Đông Nam là đến dòng sông Bagmati. Rất nhiều người thích đến đây để chèo thuyền kayak. Khắp nơi trong thành phố đều có văn phòng tiếp thị các tua leo núi để chiêm ngưỡng dãy tuyết sơn hoặc chinh phục đỉnh Everest...
Nepal là một trong số quốc gia có nhiều lễ hội nhất thế giới: có tới 120 ngày lễ trong một năm, phần lớn là lễ hội tôn giáo. Mỗi lễ hội như vậy thường kéo dài hàng tuần, thậm chí cả tháng. Gần như ngày nào thành phố Kathmandu cũng tràn đầy không khí của lễ hội.
( Nguồn: website Báo Cần Thơ)