Mỏ muối cổ Vi-ê-lích-ca có từ thế kỷ 13, nằm ở ngoại ô cố đô Cra-cốp là một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất Ba Lan, thu hút hơn một triệu người tới thăm hằng năm. Năm 1978, Vi-ê-lích-ca đã được Tổ chức Văn hóa, khoa học, giáo dục LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới do sự kỳ vĩ và độc nhất vô nhị của mỏ muối ngầm này.
Vốn quen với những cánh đồng muối trải dài ven biển ở quê nhà, đến Vi-ê-lích-ca chúng ta sẽ thật sự ngỡ ngàng trước vẻ đẹp và sự hoành tráng của một công trình ngầm kỳ thú, được tạo bởi tự nhiên và sức lao động của con người. Vi-ê-lích-ca được người dân địa phương đặt cho cái tên ban đầu là "Ðại muối" đúng như tầm vóc của nó. Vào khoảng 20 triệu năm trước, khu vực Vi-ê-lích-ca còn là biển, với những hang động tự nhiên. Do kiến tạo của vỏ trái đất, khu vực này dần trở thành đất liền và muối ở biển đã được tích tụ trong những hang động và các khe ngầm tạo thành mỏ muối. Mỏ muối được khai thác liên tục từ hàng trăm năm trước và đến thế kỷ 16, việc khai thác muối ở đây đã trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất ở châu Âu.
Sâu 327 m và dài 300 km, mỏ muối Vi-ê-lích-ca qua nhiều thế kỷ khai thác đã trở thành một mê cung khổng lồ dưới lòng đất với hơn 3.000 hang động lớn nhỏ. Ði qua những bậc thang gỗ sâu hun hút và những hành lang mang hơi ẩm của muối, chúng ta sẽ tới thăm hàng chục công trình điêu khắc như phòng trưng bày, thư viện, phòng chữa bệnh, nhà thờ, nhà hàng, bưu điện... chạm trổ hoàn toàn từ muối. Những thân gỗ thông mềm ốp hành lang sau thời gian dài ngấm hơi ẩm của muối trở nên cứng như đá. Dọc theo hành lang là tượng những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Ba Lan như nhà soạn nhạc thiên tài Sô-panh, nhà thám hiểm Cô-péc-ních, các vị thánh và các đời vua nổi tiếng của Ba Lan, được tạc từ muối kết tinh, tạo nên một vẻ đẹp khác biệt so với các loại chất liệu khác.
Một trong những địa điểm mà du khách không thể bỏ qua khi tới Vi-ê-lích-ca là nhà thờ thánh Kin-ga, vị thánh phù hộ cho những người thợ mỏ. Muối từng làm nên sự giàu có cho các nhà vua Ba Lan trước đây, nhưng với những người thợ mỏ, việc khai thác nhiều khi phải trả giá bằng mạng sống bởi lở hầm, khí độc... Vì vậy, những người thợ mỏ xây vô số nhà thờ nhỏ bằng muối có tượng Chúa Giê-su và cây thánh giá để cầu nguyện khi rảnh rỗi. Nhà thờ thánh Kin-ga được chính những người thợ mỏ Vi-ê-lích-ca trực tiếp xây dựng và điêu khắc vào thời gian rảnh rỗi từ năm 1896 tới năm 1963. Nhà thờ có chiều dài 54 m, rộng 15-18 m, cao hơn 10 m và có những chùm đèn lộng lẫy mầu trắng được làm bằng muối kết tinh. Ngoài bức tượng Ðức mẹ cao 3 m, ở đây còn có nhiều bức phù điêu, trong đó nổi bật là bức phỏng theo bức tranh "Bữa tiệc cuối cùng" của danh họa nổi tiếng Lê-ô-na đờ Vanh-xi.
Một điều thú vị khi chúng ta tới Vi-ê-lích-ca là được thưởng thức hòa nhạc do chính những người thợ mỏ thể hiện tại phòng hòa nhạc của mỏ muối Vi-ê-lích-ca. Những giai điệu du dương vang lên dưới bàn tay của những người thợ quen cầm cuốc xẻng trong ánh sáng dịu tỏa ra từ các bộ đèn chùm bằng muối kết tinh sẽ đem lại cho chúng ta một cảm giác thật đặc biệt.
Người dân Ba Lan rất tự hào về di sản văn hóa thế giới này và thường chọn Vi-ê-lích-ca để tổ chức tiệc cưới, hòa nhạc, triển lãm... Một điều thú vị khác là ở tầng ngầm sâu 130 m, du khách có thể liên lạc bằng điện thoại di động, thưởng thức ẩm thực Ba Lan tại các nhà hàng, hoặc mua đồ lưu niệm và gửi ngay tại bưu điện dưới lòng đất. Mỏ muối Vi-ê-lích-ca còn có một khu điều dưỡng nổi tiếng ở độ sâu 211 m dưới lòng đất chữa bệnh hen, suyễn và các bệnh dị ứng.
Dẫu đã hàng trăm năm, nhưng trong không khí vẫn thoảng vị mặn của muối mỏ tự bao đời. Muối ngưng tụ trên những bức tường thành những chuỗi măng đá, nhũ đá trong suốt, mà hướng dẫn viên du lịch gọi là súp-lơ, mì ống hay "hoa của thánh Kin-ga". Với những người thợ khai thác muối ngầm ở Ba Lan, mỏ muối khổng lồ ở Vi-ê-lích-ca còn là nơi khắc chạm nên lịch sử của họ. Chỉ cần quệt tay lên tường rồi đưa lên môi, du khách sẽ cảm nhận được vị mặn của muối và thật sự khâm phục sức lao động, sự sáng tạo không mệt mỏi của những người thợ mỏ Ba Lan.
(Nguồn website báo nhân dân)