Từng là thương cảng quan trọng vào loại bậc nhất của Malaysia, sớm tiếp nhận văn hóa phương Tây, từng góc phố, con đường của Malacca (hay còn gọi là Melaka) cho du khách cảm giác như đang đi qua một hành trình đầy những biến động của lịch sử, để nghĩ về quá khứ, cảm nhận sự đổi thay của thành phố bên bờ Ấn Độ Dương và sự giao thoa của nhiều nền văn hóa trên thế giới.
Văn hoá… “8 trong 1”
Quảng trường đỏ với nhà thờ Christ và lối kiến trúc đậm chất Hà Lan |
Nếu như văn hóa của người Baba-Nyona và Chittys hiện diện trong nền ẩm thực Malacca, văn hóa của người Ấn Độ và người Anh không thật sự đậm nét thì lại dễ dàng thấy nét văn hóa Malay, Trung Hoa, Hà Lan và Bồ Đào Nha ở hầu khắp mọi nơi trong thành phố. Gần như toàn bộ trung tâm khu phố cổ là những con đường nhỏ hẹp, các ngôi nhà nhỏ hẹp, theo lối kiến trúc Trung Hoa, đôi khi có cột, cửa ra vào theo kiểu kiến trúc Hà Lan với lồng đèn treo trước cửa. Nhưng đậm nét nhất chính là chùa Cheng Hoon Teng được xây vào năm 1685, với mái ngói, cổng vào, gian thờ chính… đặc trưng kiến trúc Trung Hoa. Sự giao lưu, buôn bán của Trung Hoa với Malacca sớm được ghi nhận trong lịch sử, mà tiêu biểu là việc nhà Minh gả công chúa Hang Li Poh cho tiểu vương Mansor Sha của Malacca cuối thế kỷ 18. Nằm gần ngay chiếc giếng mà tiểu vương Mansor Sha cho xây để lấy nước uống cho Hang Li Poh là đồi Trung Hoa (Bukit Cina), được xem như khu nghĩa trang của người Trung Hoa lớn nhất trên thế giới bên ngoài lãnh thổ quốc gia đông dân nhất thế giới. Những ngôi mộ ở đây có từ thế kỷ 17, được xây rất công phu, thật sự là những công trình nghệ thuật đẹp mắt.
Khi người Bồ Đào Nha, rồi Hà Lan đặt sự thống trị của mình lên mảnh đất này, họ mang theo cả văn hóa và kiến trúc của mình đến Malacca, tạo một ảnh hưởng sâu đậm đến lối sống người dân nơi đây. Những công trình như Stadthuys, nhà thờ Christ, quảng trường Đỏ với lối kiến trúc đẹp mắt, màu sắc sặc sỡ của người Hà Lan. Ngay phía trước quảng trường là một chiếc đồng hồ thật to, có hình giống cối xay gió. Còn người Bồ Đào Nha để lại cho Malacca di tích pháo đài Porta de Santiago hay còn gọi là A Formosa với rất nhiều những khẩu súng thần công loại vừa và nhỏ. Bách bộ lên ngọn đồi nằm phía trên A Formosa là nhà thờ Thánh Paul (St. Paul Church). Những gì còn sót lại của nhà thờ do người Bồ Đào Nha xây dựng chỉ là bức tượng thánh Francis bằng đá cẩm thạch bị cụt tay, là những bức tường bao quanh cũ kỹ, nhuộm màu bi ai bởi sự phá huỷ của người Hà Lan khi họ lật đổ người Bồ Đào Nha để nắm quyền cai trị xứ sở này. Người Hà Lan cũng đã biến nơi này thành nghĩa địa cho bất kỳ công dân Hà Lan nào qua đời tại Malacca. Những tấm bia mộ bằng đá, cái xưa nhất có từ năm 1655, được chạm khắc, đục đẽo xếp dài dọc hai bên vách chính của nhà thờ.
Nhiều ngân hàng, tòa nhà trên nhiều góc phố, con đường của Malacca là sự kết hợp của kiến trúc Trung Hoa, Hà Lan, Bồ Đào Nha. Món ăn có chút gì đó vừa rất Tây, lại vừa mang bản sắc của người Malay địa phương, lại có chút mùi vị Ấn Độ. Những bảo tàng về văn hóa các nhóm dân tộc tại Malacca được xây dựng công phu và đặc trưng, hiếm có. Bảo tàng Hải dương học được làm mô phỏng tựa như một chiến thuyền, dài gần 30m, rộng khoảng 3m kể lại cùng du khách những cuộc trao đổi, thông thương sớm hình thành nơi đây. Hay Bảo tàng văn hóa được dựng ngay trên chính một dinh thự cũ của một tiểu vương, cho ta hình dung một cách khái quát nhất cuộc sống cung đình và lịch sử tranh đấu của các tiểu vương Malacca. Khi đến Thánh đường Hồi giáo Hulu, ta phảng phất thấy những nét uốn lượn của những mái chùa Phật giáo lẫn trong chóp tròn hình mặt trăng của kiến trúc Hồi giáo và rường cột như trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Chùa Cheng Hoon Teng với lối kiến trúc đặc trưng Trung Hoa Gìn giữ cho muôn đời sau |
Gần 500 năm đã trôi qua kể từ ngày đoàn quân Bồ Đào Nha tiến vào Malacca, vậy mà tất cả các công trình ở đây dường như không bị quy luật nghiệt ngã của thời gian làm cho cũ kỹ, hư hại. Một phần là do nguyên vật liệu và phần quan trọng là do ý thức giữ gìn và bảo tồn của người dân nơi đây. “Chúng tôi được dạy về lịch sử và sự độc đáo trong văn hóa của Malacca từ lúc còn nhỏ. Tôi nghĩ tất cả người dân nơi đây đều tự hào và yêu quý Malacca. Vậy thì không có lí do gì để làm tổn hại những giá trị quý báu nơi đây”, Francis Yee, một công dân trẻ của Malacca nói. Toàn bộ khu trung tâm cũ của thành phố đều được giữ vẹn nguyên. Khu trung tâm mới và các con đường cao tốc đều nằm ở rìa thành phố, càng đi vào trong, các tòa nhà cao tầng, các khu thương mại, khách sạn lớn dần nhường chỗ cho các tòa nhà nhỏ, cũ và hẹp hơn hẳn. Sông Malacca, dù chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, vẫn được giữ hết sức trong sạch. Tuyệt nhiên không có cảnh chèo kéo, bám đuổi du khách. Hàng rong được trang trí đẹp mắt, bày gọn gàng với phong cách nhã nhặn, lịch sự, cho dù ở bất kỳ khu vực nào.
(Nguồn: Báo Du lịch)