Từ trên cao nhìn xuống, Luang Prabang như một hòn đảo biệt lập nép mình bên bờ sông Mê Kông hùng vĩ - nơi giao thoa với con sông Nậm Khăn. Nét đặc trưng của Luang Prabang là Phú Sĩ - một quả đồi được bao phủ bằng thảm thực vật đa dạng và phong phú. Ngự chót vót trên đỉnh Phú Sĩ là một ngôi chùa nhỏ được dát vàng mà sự nổi tiếng vượt xa so với dáng vẻ thực tế khi nhìn ngôi chùa từ đằng xa hay nhìn từ trên không xuống. Dưới chân Phú Sĩ là những ngôi nhà ẩn mình dưới những vòm cây cao đã trưởng thành. Chỉ có Cung Điện cổ và mái hiên thiếp vàng của một số ít những ngôi đền ở đây là vươn cao khỏi ngọn cây, lấp lánh trong nắng vàng.
Luang Prabang một thời đã là kinh đô của Lào. Từ Viếng Chăn, chỉ có một con đường duy nhất dài 200 km cắt ngang qua những dãy núi cao sừng sững phải đi mất hai ngày đường mới tới nơi. Trên đường phố Luang Prabang rất hiếm thấy phương tiện xe mô tô hai bánh mà chủ yếu là loại xích lô máy rất thịnh hành và trở thành một thứ "tắc xi" nơi đây. Rời xa những khu vực ồn ào chen chúc, dường như sự thanh bình, yên ả vẫn ngự trị ở Luang Prabang cho dù các triều đại vua chúa giờ đây không còn nữa.
Thế kỷ thứ 14, khởi nguyên của thành phố này là một vương quốc có niên hiệu Lan Xang do Vua Fa Ngum lập nên. Ông được người cha vợ có gốc Khơ-me tặng một Prabang - pho tượng Phật bằng vàng ở tư thế đứng. Kể từ đó, thành phố này đã mang tên Luang Prabang - thành phố Hoàng gia của Prabang. Hiện nay, pho tượng Prabang vẫn còn được lưu giữ trong cung điện. Những hiện vật được trưng bày trong đó là các tượng Phật lấy từ các tu viện và từ những toà tháp chứa hài cốt các vị sư tổ, những món quà dâng tặng vua của các vị công sứ người Mỹ, và những bức họa của các vị vua, hoàng hậu, hoàng tử triều đại cuối cùng. Điểm ấn tượng nhất trong cung điện này ở chiếc ngai vàng lộng lẫy dành cho lễ lên ngôi của vị hoàng đế cuối cùng. Rất hiếm người dân Lào được nhìn thấy nội cung, những gì được coi là khác hẳn với cuộc sống đời thường quanh hoàng cung. Tuy nhiên, những dinh thự rộng lớn trong hoàng cung lại được bài trí đồ đạc giản dị đến khó tin.
Luang Prabang còn được coi là một trung tâm tôn giáo. Một điều hết sức đặc biệt là vào mùa mưa, nhiều thanh niên Lào đã trở thành sư trong thời gian 3 tháng. Họ mặc những chiếc áo cà sa và mang những chiếc ô vàng khi tản bộ trên những nẻo đường yên ả của Luang Prabang.
Dân số Luang Prabang gồm khoảng 20.000 người gồm các dân tộc thiểu số của Lào như Thái Dum hay Thái đen. Sở dĩ gọi như vậy là vì trang phục truyền thống của họ là mặc quần áo màu đen. Ngoài ra còn có một nhóm người dân tộc Hmông quần tụ tại một ngôi làng ở vùng biên của đất nước này. Phía trước Santi Jedi hay còn gọi là Chùa Hoà Bình có một ngôi làng của người Lu. Họ thường dệt nên những sợi với nhiều màu sắc cầu kỳ và họ có thói quen thích nói 4 hoặc 5 thứ ngôn ngữ khác nhau khi buôn bán hàng hoá với mọi người để vừa giới thiệu tính hơn hẳn của sản phẩm của họ, lại vừa giữ được bí quyết. Santi Jedi có kiến trúc hiện đại với một phòng trưng bày các bức tranh có ý nghĩa như sự thử thách đối với con người trong cuộc sống hiện tại và mong đợi những điều lớn lao hơn khi sang thế giới "bên kia".
Từ Luang Prabang đi bằng tàu trong hai tiếng, ta có thể nhìn thấy những vách đá với cao sừng sững vươn tới một điểm nơi sông Mê Kông được hợp nhất bởi ngọn núi Nam Ou. Những vách đá cheo leo này như đang mời gọi lòng dũng cảm của những người thợ leo núi đá. Đối diện với núi Nam Ou là những hang động Pak Ou mà trải qua nhiều thế kỷ, vầng hào quang của Phật như được tạo ra từ hai chiếc hang gần đó. Chúng chứa đựng hàng ngàn điều thần bí và nhiều hang động mang phong cách rất "Lào" kiểu như "gọi nước" (calling the waters). Chúng tôi bò qua một đường đi dốc đứng trong hang theo những luồng cát xoắn lại như hình con rắn và hy vọng tìm được một chỗ trống để có thể ngủ qua đêm.
Khi ánh mặt trời lặn, hoàng hôn dần xuống dòng sông Mê-kông nghĩa là một ngày đã kết thúc. Từng đám khói bốc lên từ bếp than của các gia đình đang nấu bữa cơm chiều lan qua những tán lá cây. Những chú gà trống choai không có khái niệm về thời gian phải về chuồng, và cả những con quạ bay ngang đường lúc chạng vạng tối. Tất cả như muốn nói rằng, sự thanh bình luôn hiển hiện tại Luang Prabang, ít nhất cho tới khi một tuyến đường nhựa được mở và người ta không còn phải vượt qua núi vất vả như hiện nay. Và cũng là để đưa Luang Prabang đến gần hơn với Vientiane.
(Nguồnt: danangpt)