Cất cánh từ Tân Sơn Nhất lúc 23g40, sau 12 giờ bay ở độ cao khoảng 12 km xuyên qua bầu trời tối đen, chiếc máy bay chở chúng tôi tiếp đất sân bay Frankfurt của nước Đức vào lúc 6g40 sáng (giờ địa phương). Mọi người chỉnh lại đồng hồ. Ông bạn đồng hành ngồi cạnh nói vui rằng chúng tôi vừa trở lại quá khứ năm tiếng đồng hồ.
Đích đến trước tiên của tôi trong chuyến Âu du lần đầu này là nước Luxembourg - đại công quốc ở tâm điểm của Tây Âu.
Như tranh họa đồ
Lâu đài Vianden |
Anh Kỳ, nguyên là kỹ sư máy tính tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội, lái chiếc Mercedes version Elegance đón và đưa chúng tôi qua ba bang Hessen, Rheinland-Pfalf và Saarland trên quãng đường hơn 200km, vượt qua cây cầu bắc ngang sông Moselle (một nhánh của sông Rhin) để đến Schengen, điểm chót cùng phía Đông Nam của Luxembourg. Đây là một thị trấn nhỏ chỉ với một ngàn rưỡi cư dân nhưng tên của nó từ khoảng hơn hai thập niên trước đã dần trở nên nổi tiếng không chỉ ở châu Âu mà còn với hàng triệu người khắp thế giới khi đến cựu lục địa này.
Chúng tôi đến thẳng vị trí lịch sử, nơi con tàu nhỏ chạy đường sông Princesse Marie-Astrid neo đậu ngày 14-6-1985. Trên tàu này, đại diện các nước Bỉ, Hà Lan, Luxembourg cùng với Đức và Pháp đã ký hiệp ước bãi bỏ biên giới châu Âu.
Rất đông du khách từ nhiều nước (dễ dàng nhận biết qua bảng số xe) đang dạo chơi, chụp hình. Nhiều nhóm câu cá, chèo thuyền trên đoạn sông chỉ rộng như kênh Thị Nghè hoặc cắm trại hoặc đạp xe địa hình trên bờ sông. Những quả đồi nho nối tiếp bên bờ sông, cả bên lãnh thổ Đức, với những luống song song thẳng từ trên đỉnh xuống chân đồi. Nghề trồng nho và nấu rượu vang có truyền thống và nổi tiếng từ lâu ở đây.
Trong một tuần lễ ở Luxembourg, rồi từ đây qua Pháp, Bỉ, Hà Lan và Đức, chúng tôi được đi dọc ngang từ Nam lên Bắc, từ Đông sang Tây đất nước thanh bình, xinh đẹp này. Một màu xanh với những sắc độ khác nhau phủ khắp núi đồi sông nước nối tiếp những làng quê êm ả như câu ca dao Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Từ con đường chạy dọc theo ba đoạn sông Moselle, Sưre và Our nối tiếp nhau tạo nên biên giới phía Đông, cứ khoảng chục cây số lại có một thị trấn xinh đẹp dựa lưng vào những sườn đồi cao thấp.
Chúng tôi đến vùng đất được gọi tên là Tiểu Thụy Sĩ của Luxembourg. Gần đến Larochette, cảnh quan rất giống khúc đường từ đèo Prenn lên Đà Lạt. Larochette có lịch sử 800 năm và từ năm thế kỷ trước đã có những xưởng dệt may lớn. Từ thế kỷ XI, ở đây đã mọc lên một lâu đài bề thế trên nền dốc của núi đá, đến thế kỷ XIV được mở rộng và nâng cấp, rồi bị thiêu hủy trong một vụ hỏa hoạn lớn năm 1565, hiện đang được trùng tu. Nguyên thủy địa danh Larochette có nghĩa là “lâu đài trên đá”.
Nghe hòa nhạc tại Diekirch |
Tại khu chợ ngoài trời, tính đa văn hóa và ngôn ngữ của 1.750 cư dân ở đây bao gồm nhiều sắc tộc thể hiện khá rõ nét, đông nhất là dân gốc Bồ Đào Nha. Trên đường từ Mersch, thị trấn có nhà máy in Faber lớn thứ nhì của Luxembourg, qua Ettelbruck để về Diekirch, chúng tôi còn được viếng thăm tượng đài kỷ niệm quân Đồng minh dưới sự chỉ huy của tướng tư lệnh George S. Patton Jr. đã giải phóng vùng này trong chiến dịch Ardennes tháng 12-1944.
Hiện Luxembourg là một nước độc lập, có diện tích đứng hạng thứ 167 thế giới, nhỏ hơn cả tỉnh Bình Dương và dân số thì còn ít hơn số người thường trú của quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Thế nhưng Luxembourg lại có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới và trong những năm qua, liên tục là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất EU. Ở đâu trên đất nước này cũng thấy hiển hiện dấu vết của tri thức và bàn tay con người, từ thủ đô đến mỗi thị trấn nhỏ và làng quê, từ những cánh rừng đến đồng cỏ, đồi nho… Một nước nhỏ bé như vậy mà có đến hai chục tòa lâu đài đồ sộ được xây dựng từ thế kỷ XI - XII nên Luxembourg được mệnh danh là xứ sở của những lâu đài thời Trung đại.
Thung lũng hoa
Anh Kỳ và vợ là chị Hương hiện sống tại Diekirch, thủ phủ miền Đông Bắc nước này. Các con của anh chị lớn lên trong xã hội và những ngôi trường Luxembourg hiện đều sử dụng như tiếng mẹ đẻ cả ba ngôn ngữ Luxembourg, Pháp và Đức. Hai cháu bé nói tiếng Việt như một thứ tiếng học thêm, giống như tiếng Anh. Riêng cháu lớn vì đã học đến lớp Năm ở Việt Nam nên nói và viết tiếng Việt rất chuẩn và vì đang là sinh viên năm cuối trường sư phạm, cháu còn biết tiếng Tây Ban Nha và tiếng La tinh.
Sau hai ngày thăm thủ đô, trở lại Diekirch, tôi được tham dự một buổi hòa nhạc quốc tế tại nhà thờ cổ Thánh Laurent có từ thế kỷ thứ V theo kiến trúc Roman. Khoảng 50 nhạc công trẻ từ nhiều nước hòa tấu các tác phẩm của Handel, Schubert, Chopin, Scriabin, Beethoven… Cấu trúc vòm của nhà thờ quả thích hợp để trình diễn âm nhạc thính phòng cộng với văn hóa thưởng thức của cử tọa cho tôi được hưởng trọn vẹn một bữa tiệc nghệ thuật thật ấn tượng.
Sớm hôm sau, chúng tôi đến Vianden trong một thung lũng nhỏ đẹp bên sông Our đúng vào thời điểm đang tổ chức Lễ hội Trung đại (Festival Médiéval). Ấn tượng đầu tiên là hoa. Hoa đỏ thắm, hoa vàng rực suốt hai bên bờ kè, trong các bồn trên cầu, bên trạm xe bus, trên các cột đèn đường, quanh các terrasse café…
Tác giả tại Vianden |
Nằm ở độ cao 200m so với mặt biển, lọt trong thung lũng bao bọc bởi những ngọn núi cao trên 500m, thị trấn Vianden có diện tích gần 10km2 và dân số 1.670 người vừa gần gũi thiên nhiên, vừa sang trọng dễ làm hài lòng mọi du khách.
Nhà bảo tàng Victor Hugo nổi bật ở vị trí trung tâm thị trấn, ngay bên chân cầu bắc qua sông Our. Sinh thời, V. Hugo (1802-1885) đã nhiều lần đến Vianden. Ngay đầu cầu dẫn đến bảo tàng, một bức tượng bán thân Hugo được đặt đầu lối đi lên cầu - tác phẩm của nhà điêu khắc Auguste Rodin (1840-1917). Nhà bảo tàng thành lập năm 1935 tại chính ngôi nhà Hugo đã ở trong những dịp ông đến thung lũng nên thơ này.
Bảo tàng Victor Hugo |
Chúng tôi vào ngôi nhà hai tầng lầu và một tầng mái, được thấy những bản thảo thơ, bút tích của Hugo, tài liệu và nguyên bản bốn tác phẩm hội họa trong số khoảng sáu chục bức họa phần lớn bằng màu nước mà Hugo đã sáng tác ở Vianden. Từ những góc nhìn khác nhau với sắc màu của không gian và thời gian, qua tâm hồn và trái tim giàu tình cảm và lòng nhân đạo, Hugo để lại cho hậu thế nhiều bức họa diễn tả lâu đài Vianden đẹp và huyền bí như trong truyện cổ tích.
Lâu đài cổ tích
Tọa lạc trên nền phía Đông của dãy núi Ardenne, giáp với nước Đức, lâu đài Vianden hình thành qua nhiều giai đoạn xây cất giữa hai thế kỷ XI và XIV, là một trong những dinh thự lớn và đẹp nhất của thời kỳ kiến trúc Roman và Gothic ở châu Âu, cũng từng là pháo đài từ vài trăm năm do được xây dựng trên một ngọn núi. Từ bờ kè hữu ngạn sông Our nhìn lên, lâu đài Vianden giống như trong những truyện tranh cổ tích hoặc phim hoạt hình của Walt Disney.
Chúng tôi men theo bờ tường pháo đài rêu phong lên cổng lâu đài mà tưởng như lạc bước vào cung điện thâm nghiêm của một lãnh chúa châu Âu dăm bảy thế kỷ trước. Đứng dưới chân tường dốc đứng, cao mấy chục thước của lâu đài, hình dung ra những trận chiến khốc liệt, máu chảy đầu rơi của các chiến binh xưa.
Trong lễ hội Trung đại ở đây, hậu duệ của họ diễn lại những cảnh chiến đấu hoành tráng với cờ xí và trang phục màu sắc rực rỡ. Nhiều nghệ sĩ từ Pháp, Đức, Scotland, Cộng hòa Séc, Thổ Nhĩ Kỳ… đến tham gia các tiết mục nghệ thuật dân gian, đặc biệt là màn múa bụng tuyệt vời của một dàn năm cô gái tuyệt sắc giai nhân trong tiếng nhạc đong đưa quyến rũ…
Lâu đài nhiều tầng so le, mấy chục phòng lớn nhỏ được bài trí theo đúng như tài liệu xưa để lại. Những bộ áo giáp với binh khí đủ loại trong phòng kỵ sĩ. Những sảnh lớn trang trí lộng lẫy dành cho đại tiệc, sảnh dành nghe nhạc và khiêu vũ treo những bức tranh thảm thật lớn, đường dệt tinh xảo… Một tuyệt tác của kiến trúc mái vòm là nhà thờ riêng của lâu đài với những cây cột cao hai tầng trên một nền mười cạnh nâng mái vòm hình bán nguyệt tiêu biểu của hậu kỳ kiến trúc Gothic. Phòng ăn, phòng ngủ với đồ nội thất của bậc quyền quý xưa. Có phòng dành để các nghệ nhân tái hiện các nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt may thêu, chế biến bánh kẹo…
Thị trấn Vianden nhìn từ lâu đài |
Từ cửa sổ lớn ốp biên ba múi trên tầng thượng của lâu đài, chúng tôi thỏa sức chiêm ngưỡng toàn cảnh thung lũng hoa và thị trấn Vianden uốn lượn theo dòng chảy của sông Our, tưởng như những đường cong mềm mại của cô gái đang say sưa giấc nồng trong truyện cổ tích Người đẹp ngủ trong lâu đài.
* * *
Do vị trí chiến lược quan trọng, Luxembourg trong lịch sử bi hùng từ khi ra đời hơn một ngàn năm trước đã từng là nơi chịu sự tranh giành ảnh hưởng và suốt từ đầu thế kỷ XV đến giữa thế kỷ XIX, nhiều lần bị các nước lớn chung quanh lấy mất một phần lãnh thổ. Ngày nay, Luxembourg là điểm sáng về một xã hội văn minh, thịnh vượng.
Tạm biệt xứ sở yên bình luôn mỉm cười với du khách, Luxembourg để lại trong tôi dấu ấn sâu đậm cùng câu cuối cùng trong bài thuyết minh được ghi âm bằng nhiều ngôn ngữ - mỗi du khách có bộ tai nghe riêng và tự bấm nút chọn - khi chúng tôi ngồi trên xe được thiết kế giống một đoàn xe lửa chạy bằng đầu máy hơi nước thu nhỏ tham quan pháo đài cổ ở thủ đô: Thuở trước, các dân tộc khác nhau tới Luxembourg để tranh giành, chém giết lẫn nhau nhưng ngày nay cũng những dân tộc đó tới đất nước này để cùng tạo dựng cuộc sống hòa bình