Mạch kênh ngầm Khảm Nhi Tỉnh dài hơn 5.000 km, là hệ thống thuỷ lợi lớn nhất trên thế giới, còn được gọi là "Vạn Lý Trường Thành dưới lòng đất". Đối với người dân Tân Cương, Khảm Nhi Tỉnh được coi như cội nguồn của họ.
Khảm Nhi Tỉnh, Vạn Lý Trường Thành và sông đào Kinh Hàng (Bắc Kinh, Hàng Châu) là 3 công trình lớn của Trung Quốc từ thời cổ đại.
Khảm Nhi Tỉnh, nguồn nước đặc biệt mà thời cổ gọi là "kênh giếng". Công trình thuỷ lợi ngầm này đã có hơn 2.000 năm lịch sử, phân bố chủ yếu ở Thổ Lỗ Phiên và Cáp Mật. Đường giếng được tạo thành do đào khoét dòng nước ngầm kéo dài dưới lòng đất, có chức năng chủ yếu là dẫn nước lên mặt đất, cung cấp nước sử dụng và tưới tiêu cho vùng Tân Cương.
Thư viện Khảm Nhi Tỉnh. (Tuổi Trẻ) |
Một nhánh nước của Khảm Nhi Tỉnh có chiều dài khoảng 3-10 km, trong một năm cung cấp nước tưới tiêu cho hơn 300 mẫu ruộng, có năm lên đến 500 mẫu. Sau này khi con đường tơ lụa phát triển, mạch kênh này còn được kéo dài đến Trung Á và Ba Tư.
Vì bị khai thác quá mức và lượng nước bổ sung cho mạch ngầm ngày một ít nên Khảm Nhi Tỉnh đang dần dần khô cạn. Từ 1.784 mạch kênh (năm 1957) đến nay đã giảm chỉ còn khoảng 614 mạch. Vì thế, để gìn giữ cảnh quan đặc sắc đầy giá trị nhân văn này, chính phủ Tân Cương đang đưa những kỹ thuật mới vào sửa chữa, phục hồi và củng cố hệ thống mạch. Đồng thời, họ cũng áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật hiện đại để có thể tiết kiệm nước và đảm bảo cho việc khai thác, sử dụng nước được duy trì lâu dài.
Đến Tân Cương uống một ly "nước khoáng thiên nhiên" từ Khảm Nhi Tỉnh, ăn nho và dưa gang Thổ Lỗ Phiên hoặc uống một ly trà thơm nghi ngút ở nhà khách trong lòng giếng, đó chính là sự tận hưởng thiên nhiên trong cảm giác rất riêng và cũng không kém phần kỳ diệu.
(Theo_Tuoi tre)