Nằm ở ngã tư đường, nơi gặp nhau của châu Á và châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ rất giàu có về lịch sử, văn hóa, tự nhiên và ẩm thực. Món ăn Thổ Nhĩ Kỳ luôn gợi cho thực khách một cảm giác khó quên bởi hương vị đậm đà; đặc biệt là các món “ngọt” đặc trưng của xứ sở này.
Thổ Nhĩ Kỳ nổi tiếng là một dân tộc hảo ngọt, bởi tại đất nước này, kẹo - bánh là món ăn rất được yêu thích, thậm chí chẳng hề quá nếu gọi kẹo – bánh là "quốc hồn quốc tuý". Du khách mua tour vừa đặt chân đến Thổ Nhĩ Kỳ thường được hướng dẫn viên tặng ngay cho một cái kẹo hay m chiếc bánh- cử chỉ đón khách truyền thống của người Thổ để thể hiện sự ngọt ngào.
Tất nhiên, kẹo –bánh là món không thể thiếu trong những ngày trọng đại của người dân Thổ. Trong ngày cưới, khi cô dâu vừa bước về nhà chồng là lập tức sẽ được mẹ chồng cho ăn kẹo. Học sinh trong ngày nhập học cũng tặng thầy cô giáo những gói kẹo nhỏ đáng yêu. Nổi tiếng nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ là kẹo lokum - loại kẹo dẻo với đủ màu sắc, hương vị và có khi có nhân là các hạt như đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân..
Kẹo Lokum
Lokum (hay còn gọi là Turkey Delight- món ăn khoái khẩu của người Thổ Nhĩ Kỳ). Đây là loại kẹo được làm từ nguyên liệu chính là đường và bột mì. Sau khi được làm chín, bánh rất mềm, người ăn sẽ có cảm giác bánh dính vào tay. Người Thổ Nhĩ Kỳ rất tự hào về món kẹo Lokum này.
Ngày xưa lokum chỉ dành cho giới "quý tộc" bởi thành phần chủ yếu của kẹo khi đó là nhựa cây nhũ hương, một loài cây ở vùng Địa Trung Hải. Người ta lấy nhựa bằng cách rạch các đường nhỏ trên vỏ cây. Nhựa nhũ hương đặc trưng, có công dụng chữa một số bệnh nên khá đắt tiền, được sử dụng trong sản xuất rượu mùi, kem và một số loại bánh Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên ngày nay, đa số kẹo dẻo lokum được tạo độ dẻo từ bột bắp nên giá thành đã bình dân hơn nhiều và được bày bán khắp nơi như một đặc sản của xứ này.
Để làm lokum, người Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng nhiều vật liệu và qua nhiều công đoạn khác nhau. Thông thường, người ta hòa nó với chanh, nước hoa hồng, quế, và bạc hà. Nhờ vậy, hình dáng bên ngoài của kẹo thường có màu trắng, vàng và hồng. Cũng vì thế mà ứng với những gam màu sắc của bánh, người mua đã phần nào đoán được mùi vị bánh như thế nào khi nếm thử chúng.
Bánh Baklava
Baklava là món ăn được truyền lại từ bí quyết ẩm thực của đế chế Ottoman (đế chế Ottoman bắt đầu từ thế kỷ 12, thế kỷ 16, 17 là thời kỳ phát triển rực rỡ của đế chế này) sang cho người Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào thời đại của Ottoman, Baklava thường được chế biến trong cung điện Topkapi ở Istanbul (thủ đô hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ). Món ăn này một thời chỉ được phục vụ riêng cho những người trong hoàng gia của triều đại Ottoman. Do vậy, Baklava không những là một món ăn ngon mà nó còn có giá trị lịch sử rất lâu đời.
Và từ đó cho đến giờ, thành phần để làm món Baklava như: quả óc chó và quả hồ trăn vẫn được giữ nguyên. Đặc biệt, khi ăn bánh, bạn sẽ thú vị hơn khi nếm chúng cùng với vị ngọt từ một loại nước syrô rất đặc trưng của người Thổ.
Ngày nay, Baklava đã vươn ra khỏi cuộc sống của người Thổ Nhĩ Kỳ và được phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới. Nó trở thành một món ăn truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của quốc gia này.
Bánh Kadayif
Thổ Nhĩ Kỳ là một đất nước mà ở đó, Hồi giáo có vai trò rất quan trọng. Theo thường lệ, mỗi năm, người Hồi giáo sẽ thực hành các ngày Lễ lớn và Tháng Chay Ramadan. Bánh Kadayif trở thành một món ăn không thể thiếu của họ trong những ngày này. Với thành phần chính của món ăn là đường, bơ, quả phỉ và nước và chanh, sau khi chín, bánh Kadayif sẽ được người Thổ hòa với syrô và ăn nguội.
Bánh Revani
Revani là một trong những món ăn tráng miệng khá nổi tiếng và được yêu thích ở Thổ Nhĩ Kì, Ả Rập, và Hy Lạp. Tuy nhiên, ở mỗi một quốc gia thì nó được gọi theo những tên khác nhau.
Người Ả Rập thường gọi Revani là Basbousa, nếu bạn gọi Revani thì có thể người Ả Rập không biết đó là loại bánh gì. Bởi vì cái tên Revani của người Thổ được gọi theo tên của một nhà thơ sống vào thế kỉ 16 tại đất nước này. Và dĩ nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau, cách thức chế biến của chúng cũng có đôi chút khác biệt.
Người Thổ thường dùng những nguyên liệu làm bánh như: bột hòn (đây là một loại bột dùng làm bánh puddinh của người phương Tây), trứng, đường, và bột mì để tạo nên chiếc bánh Revani hoàn hảo. Sau khi chín, bánh lại được kết hợp với một loại syrô đặc trưng của Thổ Nhĩ Kì được làm từ đường kính, nước và chanh.
Bánh Revani được thưởng thức rất đặc biệt. Người Thổ không ăn lạnh cũng không ăn nóng, họ để nó cùng với nhiệt độ phòng. Nếu muốn tăng thêm hương vị khác biệt, khi ăn, họ sẽ thêm một chút kem sữa vào bánh của mình.
Bánh Keskul
Đây là một loại bánh pudding có vị khá lạ của Thổ Nhĩ Kì. Thành phần chính của Keskul là sữa, lòng đỏ trứng gà, đường, bột ngũ cốc và quả hạnh. Món bánh Keskul được chế biến khá đơn giản. Người ta đã dùng quả hạnh đã bóc vỏ, đường, bột ngũ cốc, sữa, lòng đỏ trứng hòa chúng vào một cái tô lớn và đánh tơi lên. Sau đó đem hỗn hợp này khuấy trên bếp với lửa vừa trong khoảng 2 đến 3 phút và để nguội trong khoảng một giờ. Món Keskul này thường được ăn lạnh cùng với kem.
Bánh Tulumba
Tulumba là món ăn tráng miệng của người Thổ Nhĩ Kì. Nhiều người cho rằng nó có nguồn gốc từ nền văn hóa Anatolia cổ xưa. Thông thường, thành phần chính của món Tulumba là nước, bơ lạc, muối, bột mì, dầu hạt hoa hướng dương và trứng. Để làm món này thêm hấp dẫn hơn, người ta thường kết hợp chúng chung với loại syrô được làm từ đường, nước và cốt chanh.
Món Tulumba được chuẩn bị qua các công đoạn khá đơn giản. Bước đầu, người ta phải làm nóng bơ cùng với nước và muối. Khi hỗn hợp này đã sôi, họ bỏ thêm bột mì vào nấu với lửa nhỏ. Đặc biệt, người làm bánh phải luôn khuấy liên tục hỗn hợp này đến khi nó nó nhão ra. Cuối cùng, họ sẽ bỏ thêm trứng vào và khuấy đều chúng.
Khi ăn món Tulumba, người Thổ cũng không quên hòa chung với syrô đã được làm trước ở ngoài. Như thế là bạn đã có thể thưởng thức món Tulumba đơn giản nhưng khá lạ miệng này.
Nhìn chung, bánh Thổ Nhĩ Kỳ được ăn chung với syrô – một thức uống khá phổ biến của dân tộc này. Tuy nhiên, dù có chung một đặc điểm trên nhưng mỗi loại bánh vẫn mang một hương vị độc đáo riêng.
Nguồn: yeudulich