Bất chấp khủng hoảng tiền tệ và suy thoái kinh tế thế giới, Indonesia vững bước khi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá ngoạn mục. Cơ quan Thống kê quốc gia Indonesia (BSP) công bố, tốc độ tăng trưởng trong quý II/2012 vừa qua đạt 6,4%, bứt phá so với mức dự kiến 6,1%. Theo ông Mark Tan, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu đầu tư toàn cầu của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), những biến động ngắn hạn trên thị trường trái phiếu không hề gây ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Indonesia; trong thời gian tới, nguồn vốn này sẽ tiếp tục tăng mạnh, hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế Indonesia. Dự báo, năm 2013, cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, quốc gia quần đảo này sẽ đạt mức tăng trưởng 6,3%.
Trong bối cảnh hiện nay khi toàn cầu hóa đang là xu thế phát triển ngày càng mạnh mẽ và không thể đảo ngược, song hành với việc phát triển kinh tế, quốc gia này vẫn lo giữ cho mình một bản sắc văn hóa dân tộc. Indonesia có tiềm năng rất lớn trong lĩnh vực du lịch. Nước này xếp thứ 39 trên thế giới về di sản văn hóa. Không chỉ vậy, có trên 300 bộ tộc và các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau khiến Indonesia trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Chính nền văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng là một trong những động lực phát triển chủ chốt của ngành du lịch của đất nước 240 triệu dân này.
Chính phủ Indonesia đã thông qua các chương trình và chiến lược phát triển dài hạn của ngành du lịch. Ngân sách dành cho đầu tư phát triển du lịch năm 2012 tăng 3%, đạt 8,86 tỷ USD; dự kiến vượt quá 10 tỷ USD vào năm 2015. 80 điểm tham quan hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế tương tự đảo Bali sẽ được xây dựng từ nay đến năm 2025. Ngoài ra, 16 địa điểm khác cũng nằm trong kế hoạch phát triển ngắn hạn, trong đó có đền Borobudur, hồ Toba...
Bên cạnh các danh lam thắng cảnh, chiến lược phát triển du lịch của Chính phủ Indonesia cũng chú trọng quảng bá hình ảnh đất nước qua ẩm thực. Indonesia đang tiến tới xây dựng các món ăn truyền thống mang tính biểu tượng quốc gia. Các món ăn truyền thống sẽ được phục vụ tại các nhà hàng ở nước ngoài, phù hợp với khẩu vị của thực khách mà không làm mất đi bản sắc độc đáo của món ăn dân tộc.
Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Mari Elka Pangestu cho biết, trong năm 2012, Indonesia thu hút khoảng 8 triệu lượt khách du lịch và dự kiến tăng lên 9,5 triệu lượt vào năm 2014. Thay vì thu hút khách du lịch đến từ các nước châu Âu, nơi cơn bão nợ công đang hoành hành, chính phủ nước này tập trung vào thị trường châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… Nhờ hướng đi trên, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2012, lượng khách du lịch đến Indonesia tăng 8,81% đạt 3,18 triệu lượt, so với 2,92 triệu lượt vào cùng kỳ năm ngoái. Bà Pangestu khẳng định, mục tiêu 5 năm tới của ngành du lịch và kinh tế sáng tạo nước này là nâng năng lực cạnh tranh lên tầm khu vực và quốc tế.
Trong một thế giới phẳng như hiện nay, hội nhập là xu thế và cũng là yêu cầu tất yếu để các nước phát triển kinh tế. Nhưng hội nhập để phát triển không đồng nghĩa với việc các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị lu mờ và hòa tan. Đầu tư cho văn hóa, du lịch là hướng đi đúng đắn, không chỉ mang đến lợi ích cho nền kinh tế Indonesia mà đã giúp đất nước vạn đảo lưu giữ cho mình một bản sắc riêng./.