Tạp chí du lịch có uy tín Travel Leisure tổ chức cuộc bình chọn 10 thành phố du lịch tốt nhất thế giới năm 2007. Kết quả là thành phố Florence của Ý đứng đầu, còn thủ đô Rome của Ý đứng hàng thứ tư.
Thành phố hàng ngàn năm tuổi này nổi tiếng không chỉ vì có nhiều kiệt tác kiến trúc cổ xưa, mà còn là quê hương của phong trào Phục hưng ở châu Âu diễn ra vào thế kỷ XV và XVI. Đến thăm Florence (tiếng Ý gọi là Firenje) là một dịp hiếm có để tìm hiểu và tận mắt chiêm ngưỡng những công trình nghệ thuật của một giai đoạn phát triển rực rỡ của nền văn hóa châu Âu.
Thành phố hơn 2.000 năm tuổi
Cầu Ponte Vecchio trên sông Arno |
Đến Florence, nơi đầu tiên du khách đến tham quan là khu trung tâm thành phố, còn được gọi là “trung tâm cổ” hay khu “trung tâm lịch sử” của Florence. Khu vực này còn giữ nguyên vẹn các đường phố và kiến trúc từ thời Trung cổ. Đường sá nhỏ hẹp, lát đá, hai bên đường là những ngôi nhà xinh xắn xây bằng gạch màu nâu hoặc sơn trắng, với mái ngói tất cả đều một màu đỏ.
Bao bọc khu trung tâm là những mảng còn lại của một bức tường thành được xây dựng từ thế kỷ XIV. Toàn bộ khu vực này được UNESCO xếp vào danh sách di sản văn hóa của nhân loại từ năm 1982.
Florence ra đời vào năm 50 trước Công nguyên, khi những người lính của hoàng đế Cesar bắt đầu xây dựng những doanh trại ở đây. Nằm ở đoạn giữa con đường nối liền thủ đô Rome với miền Bắc nước Ý, lại nằm trong thung lũng phì nhiêu của con sông Arno, nên dần dần Florence trở thành một trung tâm thương mại và chính trị quan trọng.
Toàn cảnh thành phố Florence |
Vào thế kỷ XIII, Florence là một trong những thành phố lớn của nước Ý, nơi diễn ra những hoạt động chính trị và văn hóa nổi tiếng. Trong số những gia đình có thế lực ở Florence, nổi lên gia tộc Medicis cai trị Florence từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII. Một phụ nữ trong gia tộc này đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lịch sử nước Pháp, đó là bà Catherine de Medicis, hoàng hậu nhiếp chính nắm hết quyền hành nước Pháp dưới ba triều vua Françios II, Charles IX và Henri III, tất cả đều là con trai của bà.
Dinh thự Medicis - Riccardi |
Nhờ sự bảo trợ của dòng họ Medicis, các hoạt động văn học nghệ thuật phát triển rực rỡ. Chính từ Florence, xuất hiện một phong trào canh tân trong các lĩnh vực thơ ca, hội họa, điêu khắc, kiến trúc (với những tên tuổi lừng danh như Michel Ange, Léonard de Vinci, Raphaël, Botticelli, Donatello, Brunelleschi…) rồi sau đó lan sang các thành phố khác ở Ý và các nước châu Âu, mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử châu Âu được gọi là thời kỳ Phục hưng (thế kỷ XV và XVI).
Nhờ đó mà tư tưởng con người được giải phóng khỏi ý thức hệ tôn giáo thần quyền khắc nghiệt chế ngự suốt mười thế kỷ trong thời kỳ Trung cổ (từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ XV). Cũng vì vậy mà Florence được mệnh danh là “cái nôi của thời kỳ Phục hưng”.
Khi các cường quốc ở nước Ý được thống nhất thành một vương quốc duy nhất, Florence trở thành kinh đô của Ý trong sáu năm (từ 1865 đến 1871). Sau đó, thủ đô được chuyển về thành phố Rome. Ngày nay, Florence là thủ phủ của vùng Toscane và là thành phố du lịch nổi tiếng với số dân gần 400.000 người.
Trung tâm kiến trúc tôn giáo tiêu biểu
Khu trung tâm với nhà thờ, tháp chuông và nhà rửa tội |
Xe hơi không được vào khu phố cổ. Chúng tôi phải đi bộ 2km dọc bờ sông Arno, rẽ sang phải theo một con phố nhỏ hẹp và đi đến quảng trường Nhà Thờ, được xem là trung tâm tôn giáo tiêu biểu nhất của Florence. Quang cảnh ở đây thật độc đáo và hấp dẫn. Hàng loạt con đường nhỏ chi chít như mạng nhện dẫn vào quảng trường - trung tâm của “lưới nhện”. Ở đây, nổi bật lên ba công trình được xem như những viên ngọc và đỉnh cao của kiến trúc tôn giáo ở Florence.
Trước hết là giáo đường Santa Maria del Fiore, một kiến trúc đồ sộ bằng đá cẩm thạch với chiều dài 150m, chiều ngang 40m và chiều cao 40m. Phía sau giáo đường là một mái vòm lợp ngói đỏ, có chiều cao 91m. Đây là thánh đường công giáo lớn thứ ba trên thế giới, sau thánh đường Saint Pierre ở Rome và Saint Paul ở London.
Thánh đường được khởi công xây dựng từ năm 1296, mãi đến năm 1436 mới hoàn thành về cơ bản. Rất nhiều thế hệ kiến trúc sư, nghệ sĩ tham gia xây dựng công trình này. Còn tòa nhà mái vòm được xây dựng từ năm 1420 và hoàn thành năm 1434. Đây là công trình của kiến trúc sư Brinelleschi (1377-1446), một trong những người khởi xướng của phong trào Phục hưng trong lịch sử châu Âu.
Bên cạnh giáo đường là Tháp chuông (Campanile) cao 89m, công trình do Giotto bắt đầu xây dựng từ năm 1334 và được các học trò của ông hoàn thành vào năm 1359 (Giotto mất năm 1337). Tháp chuông có hình vuông (bốn cạnh bằng nhau), dáng vẻ rất thanh thoát nhờ những cửa sổ rất cao ở mỗi tầng, mái tháp bằng phẳng chứ không nhọn như các tháp chuông khác, do đó du khách có thể lên đến mái tháp để thưởng ngoạn toàn cảnh thành phố Florence.
Đối diện với giáo đường là Nhà rửa tội (Baptistère) Saint Jean, có hình bát giác, được xây dựng từ giữa thế kỷ XI. Ngôi nhà này có ba cánh cửa bằng đồng, với những hình ảnh chạm trổ rất công phu, tái hiện lại những câu chuyện trong Kinh thánh. Đặc biệt, cánh cửa thứ hai và thứ ba là công trình của Ghiberti (1378-1455) là những tuyệt tác về điêu khắc trên đồng. Cánh cửa thứ ba đẹp nhất, được Michel-Ange gọi là Cánh cửa thiên đàng, thể hiện hết sức sinh động nội dung Cựu Ước (Ancien Testament) trong Kinh thánh.
Kho tàng tác phẩm nghệ thuật thời kỳ Phục hưng
Người ta nói rằng gần một nửa công trình kiến trúc cổ và tác phẩm nghệ thuật của nước Ý nằm ở Florence, đặc biệt là các tác phẩm thời kỳ Phục hưng.
Về nhà thờ, ngoài thánh đường Santa Maria del Fiore, còn có các nhà thờ nổi tiếng đều được xây dựng từ thời Trung cổ.
Các dinh thự cổ nguy nga lộng lẫy có quy mô rất hoành tráng hiện nay là trụ sở của nhiều bảo tàng và galerie tranh.
Các nhà thờ và dinh thự kể trên đều lưu giữ nhiều tác phẩm tranh và tượng, bích họa, phù điêu vô cùng quý giá. Trong đó, có hai viện bảo tàng nổi tiếng nhất ở Florence là Viện hàn lâm nghệ thuật (thế kỷ XIV) và Viện bảo tàng Uffizi, được xây dựng từ năm 1560. Đây là nơi lưu giữ những tác phẩm hội họa và điêu khắc vô giá của những người khổng lồ của nền văn hóa Ý thời kỳ Phục hưng: Botticelli, Michel Ange, Léonard de Vinci, Raphaël, Andrea del Sarto, Fillippino Lippi, Titren, Tintoret, Véronèse…
Các viện bảo tàng ở Florence hầu hết là bảo tàng nghệ thuật. Ngoài ra, còn có Bảo tàng lịch sử khoa học, trưng bày những hiện vật và tư liệu về sự phát triển của các ngành khoa học tự nhiên vào các thế kỷ XVI, XVII và XVIII. Trong bảo tàng này, du khách có thể chiêm ngưỡng những bản đồ thời Trung cổ, những dụng cụ đo thời gian và nhiều dụng cụ khoa học cổ xưa khác. Đặc biệt ở đây còn lưu giữ chiếc kính thiên văn do Galilée (1564-1642) chế tạo và còn giữ cả một ngón tay của ông.
Ngôi nhà của Dante
Ngôi nhà của Dante |
Cách quảng trường Nhà Thờ không xa, có một ngôi nhà cổ với những bức tường kiên cố nằm trên con đường mang tên Dante Alighieri, nơi đây nhiều du khách dừng lại để chụp một bức ảnh bên cạnh bức tường của ngôi nhà. Đây chính là nơi cư ngụ của nhà thơ vĩ đại Dante (1265-1321), tác giả của bản trường ca bất hủ Thần khúc (La Divine Comédie).
Đây là tác phẩm tổng hợp những kiến thức về triết học - nghệ thuật thời Trung cổ, chứa đựng những tư tưởng nhân văn và khẳng định những ước mơ về một cuộc sống đẹp đẽ, trong sạch ở cuộc sống thực tại này chứ không phải ở thế giới bên kia. Engels đánh giá Dante là một “nhân vật khổng lồ”, là “nhà thơ cuối cùng của thời Trung cổ”, đồng thời là “nhà thơ đầu tiên của thời đại mới”. Tác phẩm Thần khúc được coi như dấu hiệu báo trước cho nền văn học mới sắp ra đời: văn học thời kỳ Phục hưng.
Ngôi nhà của Dante chỉ còn cái khung nhà, bên trong trống rỗng. Nếu đi lượn qua những con hẻm nhỏ gần đó, du khách sẽ thấy một vài ngôi nhà với lối kiến trúc tương tự, tức là có những bức tường dày và kiên cố như những pháo đài nhỏ để đảm bảo nơi trú ẩn cho gia đình, vì vào thời Trung cổ, những cuộc xung đột đẫm máu giữa các phe nhóm xảy ra liên miên.
Cầu cổ Ponte Vecchico
Dinh thự Vecchio |
Đến Florence, du khách cũng không thể bỏ qua một địa điểm hấp dẫn: quảng trường Michel-Ange nằm ở phía bên kia sông Arno. Chúng tôi chọn chiếc cầu Ponte Vecchio (cầu cổ) để qua sông. Đây là chiếc cầu hết sức độc đáo, ra đời ngay từ thời Đế chế La Mã, bị phá hủy rồi xây dựng lại nhiều lần và được định hình từ năm 1345 cho đến nay.
Trong Thế chiến thứ hai, tất cả cầu trên sông Arno đều bị phát xít Đức phá hủy, chỉ có cầu Ponte Vecchio là còn nguyên vẹn. Hai bên thành cầu là những dãy hàng quán nhỏ chuyên bán đồ nữ trang và lưu niệm. Trên mặt cầu, còn có một hành lang có mái che bắt đầu từ Viện bảo tàng Uffizi bên khu phố cổ, vượt qua sông Arno trên cầu Vecchio và chạy đến dinh thự Pitti bên kia bờ sông.
Chúng tôi dừng lại giữa cầu để ngắm nhìn con sông Arno thơ mộng lững lờ chảy bên dưới, ghé vào những gian hàng nhỏ bên cầu, với những du khách tấp nập mua hàng lưu niệm - một cảnh tượng thú vị hiếm có.
Quảng trường Michel-Ange
Quảng trường Michel-Ange với phiên bản tượng David |
Điểm đến cuối cùng của chúng tôi là quảng trường Michel-Ange rộng lớn, nằm ở vị trí cao 100m so với mặt biển, từ đây có thể nhìn toàn cảnh Florence và bao quát cả những ngọn đồi bao quanh. Có thể nhìn rõ cầu Ponte Vecchio với những hàng quán trên thành cầu. Xa hơn nữa là những nhà thờ với tháp chuông, những tòa lâu đài vượt lên trên mái ngói của những ngôi nhà cổ.
Ngay giữa quảng trường là bức tượng David cao 5m, tác phẩm của Michel-Ange (1475-1564). Đây là phiên bản bằng đồng, còn nguyên bản bức tượng bằng đá cẩm thạch cũng cao 5m được lưu giữ trong Viện bảo tàng nghệ thuật Florence. Michel-Ange mất bốn năm để hoàn thành bức tượng này, khi ông mới 26 tuổi.
David là nhân vật trong Kinh thánh, nổi tiếng vì đã giết chết tên khổng lồ Goliath bằng cách dùng ná bắn đá vào giữa trán của hắn và về sau trở thành vua của người Do Thái. Bức tượng David của Michel-Ange đã đạt đến tuyệt đỉnh của nghệ thuật điêu khắc, là tác phẩm vô giá trong kho tàng nghệ thuật của nhân loại. Ai đã đến Florence cũng mong được chiêm ngưỡng bức tượng David, hoặc chí ít cũng được xem phiên bản của bức tượng này.
(Nguồn: DNSG cuối tuần)