Công viên địa chất quốc gia A La Thiện nằm ở phía tây khu tự trị Nội Mông, dưới chân núi Hạ Lan được xưng tụng là nơi có phong cảnh độc đáo. Nơi đây là thiên đường của miền thảo nguyên có nước nằm sâu trong lục địa châu Á, là nơi quan trọng trên con đường tơ lụa ngày xưa, là một thị trấn ở vùng biên thùy xa xôi, đã trải qua nhiều triều đại. Ngày nay nó là nơi xuất phát của những cơn bão cát mịt mù đổ xuống Bắc Kinh.
Trên sa mạc Gobi mênh mông, khoảng cách giữa hai kỳ (kỳ là đơn vị hành chính tương đương huyện) thông thường là hơn 600km, tức xa hơn một giờ di chuyển của xe lửa cao tốc 100 miles (160km)/giờ, bất cứ lúc nào bạn nhìn qua cửa sổ cũng đều thấy một màu vàng. Trên mặt đất mênh mông, là cảnh quan nguyên thủy hoang sơ của tự nhiên khiến bạn liên tưởng tới bề mặt hỏa tinh, nhưng khi đi vào sa mạc Ba Đan Cát Lâm thì có sự chuyển biến, nằm trong A La Thiện Thạch kỳ (gọi tắt là A Thạch kỳ), sa mạc Ba Đan Cát Lâm rộng 47.000 km2, là sa mạc rộng thứ tư trên thế giới, nhưng là sa mạc hiểm trở và cao nhất, phía tây bắc của nó rộng 10.000 km2 là nơi chưa từng có dấu chân người lai vãng, nhưng cư dân vùng này tự hào nói rằng nó là sa mạc đẹp nhất Trung Quốc. Mấy phóng viên từng đến sa mạc Taklamakan xác nhận rằng đúng là sa mạc nơi đây đẹp và kỳ thú. Dưới ánh nắng mặt trời, xa trông bề mặt sa mạc giống như màu da của hài nhi. Đi trong sa mạc tốn sức gấp mấy lần đi trên đất bằng. Phải sử dụng xe chuyên dùng để đi trên sa mạc, đó là loại xe Cát Phổ 202 sản xuất tại Bắc Kinh. Có khi chạy gần tới đỉnh núi cát, xe không đủ sức lên tới đỉnh mà bị tuột xuống và lún sâu trong cát không nhúc nhích được, mọi người trên xe phải xuống xe moi cát giống như chuột đào hang.
Ba Đan Cát Lâm là một sa mạc thần kỳ, giữa nơi khô hạn lại có rất nhiều hồ nước to, nhỏ, người Mông Cổ gọi chúng là “hải tử” (cái biển). Các hải tử tạo ra các ốc đảo xanh rất quý giá trên sa mạc, phát sinh nhiều truyền thuyết đẹp đẽ. Một truyền thuyết nói rằng rất lâu trước kia, cư dân Ba Đan phát hiện có 60 hải tử, tiếng Mông Cổ phát âm số 60 là “jilin” (phiên ra Hán Việt là cát lâm), do đó sa mạc có tên Ba Đan Cát Lâm. Bên cạnh sa mạc có một cái hồ lớn tên là Ba Đan hồ. Thực tế vùng này có tới 113 cái hồ. Lúc này là mùa ít mưa nên diện tích hồ thu hẹp, chung quanh hồ khô cạn có một lớp diêm dảm trắng xóa giống như tuyết mà người ta có thể khai thác để làm xà bông, đó cũng là một cảnh quan khác lạ. Trong hồ lại có những dòng suối mà nổi tiếng nhất là suối Âm Đức Nhật Đồ, nước ngọt, được mục dân gọi là thần tuyền, trong nước suối có nhiều nguyên to vi lượng rất tốt cho sức khỏe con người.
Có hồ nước thì có ốc đảo và có người sinh sống. Trong quá khứ, bên mỗi cái hồ có một gia đình, họ nuôi sơn dương, lạc đà; trồng rau, vườn cây ăn quả, sống tự cấp tự túc. Nhưng mấy năm gần đây, tình hình sinh thái không ngừng bị ô nhiễm, nhiều gia đình rời bỏ sa mạc, số người ở lại chỉ còn khoảng 30 hộ.
Trung Quốc đã thành lập vườn địa chất quốc gia A La Thiện rộng 940 km2 nằm trong phần sa mạc mà người ta dễ đến được, đây là khu vườn đứng đầu trong số 138 vườn địa chất của TQ và đứng thứ ba thế giới, bao gồm 3 khu : khu Ba Đan Cát Lâm rộng 424 km2 , khu Đằng Cách Lý rộng 347 km2 trong đó có hồ muối Cát Lan Thái, và khu Cư Diên Hải rộng 166 km2, gồm có hồ Cư Diên Hải, di tích Hắc Thành, rừng dương. Ngoài ra còn một ít cảnh quan khác. A La Thiện độc đáo về 3 phương diện: Thứ nhất, sa mạc Ba Đan Cát Lâm với rất nhiều đụn cát cao 200-300 m, cá biệt có cái cao 500m, người ta có thể chơi môn trượt cát và nghe tiếng cát kêu. Thứ hai, nơi đây có nhiều hồ nước hoang vắng, có những hồ nước mặn đến nỗi người không biết bơi cũng không chìm. Thứ ba, đập còn là nơi tập trung nhiều đụn cát phát ra tiếng kêu nhất thế giới (gọi là “minh sa” nghĩa là cát kêu).
(Nguồn: Báo Cần Thơ)