Bước vào Williamsburg, không gian như chậm lại. Bạn sẽ có cảm giác như bước vào một thế giới thật êm đềm, khác hẳn nước Mỹ sôi nổi và đầy biến động ngoài kia.
Đây là một thành phố du lịch cổ kính nổi tiếng ở vùng Virginia - Đông Bắc nước Mỹ và mặc dù thành phố chỉ rộng 22,5km2 và dân số chỉ khoảng 12.000 người, nhưng Williamsburg đã được công nhận là một thành phố độc lập từ thế kỷ XVIII bởi Hiến chương Hoàng gia năm 1722 - bản hiến chương cổ nhất của nước Mỹ.
Trường đại học William & Mary |
Trong ánh nắng dịu cuối mùa hè, chúng tôi ngơ ngẩn bước đi trên những con đường lát đá mòn nhẵn của khu Thuộc địa (Colonial Williamsburg), ngắm nhìn những công trình kiến trúc bằng gạch đỏ sừng sững hàng trăm năm nay bên những bãi cỏ xanh mướt, những hàng rào gỗ dài thô mộc, những cửa hàng xinh xinh bày bán nhiều vật lưu niệm nho nhỏ xinh đẹp bằng sành sứ hay kim loại.
Rất nhiều khách du lịch ngồi dưới những chiếc dù trắng trong một cửa hiệu bán hàng trăm loại phô mai và bánh mì, bánh ngọt, cà phê. Bên kia đường là một gallery bày những bức tranh nhuốm vẻ hoài cổ…
Thỉnh thoảng, từng nhóm hai, ba phụ nữ đứng tuổi mặc váy phồng, đầu đội khăn vải cotton trắng theo kiểu nông thôn hồi thế kỷ thứ XVIII đi lẫn vào khách du lịch trên đường phố, sẵn sàng đứng lại tươi cười chụp với người bạn mới quen một bức hình kỷ niệm. Một vài người trong số họ bán hàng trong những vườn ươm cây, nơi tràn ngập những chậu hoa sắc màu tươi thắm.
Đoàn diễu hành |
Bỗng có tiếng trống kèn xa xa, ngoảnh lại mới thấy một đội quân diễu hành trẻ măng, hầu hết ở tuổi thanh thiếu niên, nghiêm chỉnh trong những bộ quần áo chẽn, sơ mi tay phồng, vớ trắng dài đến đầu gối và mũ vành cong, vừa đi vừa tấu nhạc rộn rã trên đoạn đường đi qua khu vực trước Trường đại học William and Mary và nhà thờ Tân giáo cổ kính. Một vài khách du lịch đi lẫn vào đoàn diễu hành để nhờ bấm một tấm ảnh kỷ niệm.
Dấu vết thời lập quốc của nước Mỹ
Người ta kể rằng vào năm 1607, khi thực dân Anh đến đây, Williamsburg còn là rừng rậm, là nơi trú ngụ của thổ dân da đỏ. Sau đó, họ nổi dậy chống lại người Anh trong một tổ chức gọi là Liên minh Powhatan. Ở buổi bình minh của thời thuộc địa này, phương tiện giao thông chính tại đây là thuyền bè trên sông nên để đề phòng, thoát khỏi những cuộc tấn công của người da đỏ Chiskiack, các khu định cư của người Anh thường được xây dựng gần bờ sông.
Nơi chúng tôi dạo chơi dưới những bóng cây xanh mát hiện nay thì trước kia, vào năm 1632 còn là một khu vực phòng thủ mang tên Đồn điền Trung tâm (Middle Plantation) rộng chừng sáu dặm Anh. Nghe nói năm 1676, khi cuộc nổi dậy Bacon’s Rebellion nổ ra, thiêu rụi thủ phủ đầu tiên của thuộc địa Virginia là Jamestown, Thống đốc William Berkeley đã lên cầm quyền và cho đặt tạm tổng hành dinh tại Middle Plantation để chờ xây trụ sở mới. Nhưng dần dà, các vị đại biểu thuộc địa nhận ra rằng vùng đất mới này có khí hậu tốt lành, cảnh quan đẹp đẽ, hơn hẳn chốn cũ. Một ngôi trường được xây dựng lên, nhưng cuộc thảm sát của dân da đỏ năm 1622 đã tàn phá tất cả.
Năm 1693, sau nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương, Trường đại học William and Mary được được khởi công, mang tên vua William III và Hoàng hậu Mary II. Đây là trường đại học lâu đời vào hàng thứ hai tại Mỹ, nơi đào tạo nhiều “khai quốc công thần” của nước Mỹ như các tổng thống Thomas Jefferson, James Monroe, John Tyler…
Phố du lịch |
Chỉ đến năm 1699, cái tên Williamsburg mới được đặt cho Middle Plantation để tỏ lòng tôn kính vua William III của nước Anh. Du khách đến Williamsburg ngày nay như đi lạc vào thế kỷ XVIII bởi Colonial Williamsburg được bảo tồn theo hướng một bảo tàng sống và vào đầu thế kỷ XX, đây là một trong những kế hoạch trùng tu lớn nhất nước Mỹ từng được thực hiện.
Tam giác lịch sử Virginia là một địa chỉ du lịch nổi tiếng thế giới, bao gồm cả hai thành phố láng giềng là Jamestown và Yorktown mà Williamsburg là trung tâm. Ba thành phố này nối liền với nhau bởi 37km đường chạy qua những khu rừng cây cối xanh mát tuyệt đẹp. Người dân có thể bay thẳng đến phi trường Williamsburg International cách đó 20 dặm Anh.
Rất nhiều cái “đầu tiên”…
Những căn nhà từ thời thuộc địa |
Cho đến đầu thế kỷ XX, Williamsburg vẫn còn là một thành phố nhỏ dường như ngái ngủ bởi những kiến trúc mới xen lẫn với những tòa nhà thời thuộc địa. Có vẻ như người dân nơi đây hài lòng với nhịp điệu trầm lắng này. Trên những ghế dài bằng gỗ đặt dưới bóng cây xanh, nhiều ông bà già tóc bạc phơ lặng yên ngồi bên nhau, vẻ thư thái, yên bình.
Trong cửa tiệm bán hàng lưu niệm |
Đẩy cửa kính bước vào một tiệm bán hàng lưu niệm, chúng tôi hết sức thú vị trước những vật phẩm thanh nhã và độc đáo: chén đĩa cổ kính, nữ trang tinh xảo chạm đá quý, dây đeo bằng kim loại có mặt đeo là những nhân vật thần thoại, các loài chim, thú… Đặc biệt là hình tượng những chiến binh mang binh khí, giáp trụ bằng kim loại hùng tráng, đủ mọi kích cỡ.
Ngay bên ngoài các cửa hàng cũng có một số quầy hàng sale (giảm giá) phục vụ cho bất cứ ai muốn có một vài vật lưu niệm, từ ly uống nước đến broche cài áo của Williamsburg.
Vào thế kỷ XXI, sự quyến rũ của Williamsburg vẫn tiếp tục được gìn giữ, hệ thống đường sắt được phục hồi. Thực ra, từ thế kỷ XVIII, nhiều đồ án xây dựng đã được đưa ra nhằm mở rộng khu đại học và xây mới nhà thờ Bruton Parish, đặt tòa nhà Quốc hội đối diện với trường đại học. Năm 1771, Williamsburg cũng là nơi Lord Dunmore - vị thống đốc hoàng gia cuối cùng của Virginia cho khởi công con kênh đào đầu tiên của nước Mỹ. Đáng tiếc là công trình bị bỏ dở và ngày nay chỉ còn lại những phế tích.
Một đạo luật của thuộc địa Virginia năm 1770 cũng đã cho phép khởi công xây dựng bệnh viện tâm thần đầu tiên của nước Mỹ. Vào năm 1771, đó là một ngôi nhà hai tầng trên đường Francis Street, có đủ chỗ cho 24 bệnh nhân, có sân cho bệnh nhân đi dạo, hóng mát cũng như hàng rào để giữ cho người bệnh không đi ra ngoài phố. Đó chính là Bệnh viện Eastern State hôm nay.
Góc phố êm đềm |
Williamsburg cũng là nơi phát sinh những biến cố đầu tiên dẫn đến cuộc cách mạng Mỹ 1776. Đó chính là sự kiện Thuốc súng (Gunpowder incident of Williamsburg) xảy ra vào tháng 4-1775. Bắt đầu từ sự mâu thuẫn giữa Thống đốc Dunmore và người dân ở Virginia, Dunmore ra lệnh cho hải quân Hoàng gia thu giữ thuốc súng của dân quân. Sau đó thủ lĩnh dân quân là Patrick Henry kéo quân đến Williamsburg và Dunmore đe dọa tàn phá thành phố. Mâu thuẫn sau đó được giải quyết, nhưng đây chính là bước khởi đầu quan trọng dẫn đến cuộc cách mạng Mỹ 1776.
Với nhiệt độ trung bình khoảng 15 độ C, thuận tiện cho nhiều sinh hoạt ngoài trời, nhiều người đã tìm đến Williamsburg để sinh sống. Từ cuối thế kỷ XIX, những người ở phương Bắc như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch… đã kéo nhau đến Williamsburg khá đông. Họ buôn bán, trồng trọt và nhận ra đất đai nơi đây nồng ấm hơn nhiều so với quê hương bản quán.
Người Bắc Âu làm ăn ngày càng phát đạt, mang đến một dòng máu mới cho Williamsburg. Đến thăm vùng đất này ngày hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy màu tóc bạch kim và dáng dấp của những người Bắc Âu ở khắp nơi, trong những trang phục truyền thống, trên những đoàn diễu hành vui vẻ với kèn trống tưng bừng trên đường phố vào ngày cuối tuần.
Nếu bạn là một du khách thích uống bia, Colonial Williamsburg cũng sẽ làm bạn rất hài lòng với Công ty Anheuser-Busch, một công ty mẹ khổng lồ sở hữu nhiều khu thương mại trong vùng, đặc biệt là một nhà máy bia lớn cung cấp cho hầu hết các resort và khu vui chơi, giải trí của thành phố. Các thành viên tham dự Hội nghị G7 lần thứ chín được tổ chức tại Williamsburg năm 1983 có lẽ cũng đã được mời giải khát bằng loại bia này.
(Theo: Tuoi tre)