Các thành phố Trung Quốc ở ven biển Đông, trong đó có Chu Hải, được coi là phát triển năng động nhất sau khi chính sách mở cửa ra đời ở đất nước đông dân nhất hành tinh này. Chu Hải không có trong các tour đến Trung Quốc, dù vậy đây vẫn là một trong những nơi rất đáng đến thăm.
Thành phố không còn hẻm
Từ Phật Sơn, con đường cao tốc sẽ đưa bạn đến với Chu Hải khi trời vừa tối. Bữa tối trong một nhà hàng hải sản ven biển mà dù đang no bụng người ta cũng khó cưỡng lại sự quyến rũ của những con tôm hùm nướng đỏ au, những đĩa sò huyết xốt cay kiểu Tứ Xuyên, những con cá mú chưng xì dầu thơm phức... Từ nhà hàng, chàng hướng dẫn viên trẻ Lý Lâm chỉ sang bên kia đường, nơi đèn đuốc như sao sa giăng mắc trên những tòa nhà chọc trời sáng rực, nói: "Đó là Macau".
Macau, đặc khu hành chính của Trung Quốc, tương tự như Hong Kong, giáp với Chu Hải đến mức gà bên Chu Hải gáy thì người Macau cũng nghe rõ mồn một như lời Lý Lâm. Vậy mà trong cả trăm năm trời, khi Macau chưa trở về với Trung Quốc thì khoảng cách ấy mới thật xa xôi. Bây giờ thì người dân Chu Hải có thể thoải mái sang Macau, tất nhiên vẫn phải có những thủ tục, giấy tờ cần thiết.
Rời khu vực trung tâm Chu Hải nhộn nhịp với các nhà hàng, quán xá, trung tâm mua sắm đông nghẹt người, chẳng kém quang cảnh ở khu Orchard của Singapore hay khu trung tâm của Phuket ở Thái Lan, bạn sẽ đến với một Chu Hải khác về đêm, nơi chỉ có những công viên và những con đường rợp bóng cây. Trong không khí mát lạnh tưởng có thể đi bộ mãi mà không thấy mệt, bạn có thể bất chợt nghe những thanh âm réo rắt, du dương của một điệu valse vang lên ở một vùng sáng giữa công viên. Thật ngạc nhiên: hàng trăm cặp nam nữ, lớn tuổi cũng có mà thanh niên cũng không thiếu, đang dìu nhau những bước valse dìu dặt theo tiếng nhạc phát ra từ một máy CD đặt trên ghế đá.
Phong trào khiêu vũ phát triển mạnh ở Chu Hải, không chỉ giới trí thức mà người lao động bình thường cũng thích học nhảy. Người ta thường khiêu vũ ở các vườn hoa, công viên vào buổi tối, chẳng khác các hoạt động thể dục, tập khí công buổi sáng.
Ban ngày mới nhìn rõ hơn diện mạo Chu Hải. Đường phố xanh và sạch, thậm chí có những con đường cây đan vào nhau thành vòm khiến xe cộ như đi trong một đường hầm xanh. Những cây hoa tím đỏ rụng đầy trên một góc phố. Chim chóc và sóc chuyền cành như trong công viên. Trẻ con đi bộ trên vỉa hè rộng rãi hoặc đi xe đạp đến trường. Hầu như không thấy một xe gắn máy nào dù bạn cố chú tâm tìm. Xe buýt, ôtô và xe đạp là các phương tiện đi lại trên đường.
Điều sẽ khiến bạn không khỏi ngạc nhiên là đi qua nhiều con đường với nhiều ngã rẽ, bạn không hề tìm thấy những con hẻm nho nhỏ, be bé quen thuộc ở quê mình, với những xóm dân cư tập trung, với nhà cửa đủ kiểu thấp cao, thò ra thụt vào và thường là lôi thôi lếch thếch... Trên mặt tiền đường phố cũng không có cửa hàng, quán xá bán buôn tưng bừng lấn hết vỉa hè của người đi bộ như xứ ta.
Chỉ thấy những khối nhà chung cư ở Chu Hải. Những xóm nhà đã hóa thân vào các chung cư xây đẹp, cao vài ba chục tầng, chung quanh là thảm cỏ, vườn hoa, cây xanh và lớp lớp người đang tập thể dục, tập thái cực quyền buổi sáng trước sân các khu nhà ấy.
Đô thị lãng mạn
Nhìn trên bản đồ, Chu Hải thuộc bình nguyên phía nam của đồng bằng Châu Giang, con sông chính của miền nam Trung Quốc, lại có cửa sông đổ ra biển Đông, cách Hong Kong vài chục cây số và giáp với Macau ở phía nam.
Đến đây bạn đừng bỏ qua thăm quan tượng nàng ngư nữ trên vịnh Chu Hải. Cô gái đến từ biển khơi này, theo truyền thuyết, đã phải lòng một chàng ngư dân khỏe mạnh, đẹp trai, song anh chàng lại là kẻ tin vào những lời bịa đặt nên đã đòi nàng phải tháo chiếc vòng trên cổ trao cho anh ta như một minh chứng của tình yêu. Dù biết một khi chiếc vòng cổ rời khỏi cơ thể thì mình sẽ chết nhưng nàng ngư nữ vẫn sẵn lòng... Cô gái từ giã cõi đời, còn chàng trai thì mãi mãi khóc thương, mãi mãi nguyền rủa mình. Một vị thủy thần đã xúc động trước mối tình ấy và làm phép cứu sống cô gái. Trong đám cưới của mình, đôi bạn trẻ đã dâng lên vị thủy thần một viên ngọc trai thật to để bày tỏ lòng biết ơn...
Nàng ngư nữ hôm nay, trong tư thế hai tay giơ cao nâng một viên trân châu, là một tác phẩm điêu khắc bằng đá hoa cương cao tới 7,8m nhưng thật thanh nhã giữa biển khơi lộng gió. Viên ngọc trai mà nàng nâng cao luôn tỏa sáng lấp lánh. Đó cũng là biểu tượng của thành phố mang tên Biển Ngọc (Chu Hải) nằm trên dòng sông Ngọc (Châu Giang), một biểu tượng đầy lãng mạn hướng tới tương lai.
(Nguồn: VnExpress)