Cannes, thành phố của nghệ thuật và lễ hội

Cannes cùng với Nice là hai thành phố lớn nhất nằm trên bờ biển miền Nam nước Pháp ven Địa Trung Hải có tên là Bờ biển màu xanh lam (Côte d’ Azur).


Đại lộ La Croisette
Cannes nổi tiếng khắp thế giới vì đây là nơi diễn ra Liên hoan điện ảnh quốc tế hàng năm rất danh giá. Nhưng ít ai biết rằng Cannes còn chứa đựng một bí mật lịch sử chưa được giải mã có liên quan đến người tù mang tên Mặt nạ sắt.

Thành phố do người Anh khai phá

Từ hàng nghìn năm trước, Cannes chỉ là một làng đánh cá nhỏ, nằm dưới sự cai trị của người Hy Lạp rồi người La Mã, nhiều lần bị người Hồi giáo và bọn cướp biển tấn công trước khi trở về với nước Pháp. Đó là một địa điểm nhỏ bé, hẻo lánh không ai biết đến. Năm 1834, nhà quý tộc người Anh - huân tước Brougham (từng làm thủ tướng nước Anh) ghé lại đây và ông bị quyến rũ bởi khí hậu mát mẻ, nước biển với bầu trời trong xanh cùng phong cảnh tuyệt đẹp nơi đây. Ông cho xây một ngôi nhà để đến mùa đông thì sang đấy nghỉ ngơi và tránh cái lạnh của đất nước sương mù. Sau đó, nhiều nhà quý tộc Anh bắt chước huân tước Brougham, lần lượt sang đây xây nhà và cư trú trong mùa đông. Theo dòng thời gian, từ một làng đánh cá, Cannes phát triển thành một thành phố xinh đẹp như ngày nay.

Cannes chẳng những là một thành phố du lịch, mà còn là một trung tâm văn hóa nghệ thuật, nơi diễn ra nhiều lễ hội tầm cỡ quốc tế, trong đó quan trọng nhất là Liên hoan âm nhạc vào tháng Giêng và Liên hoan điện ảnh vào tháng 5 hàng năm. Cannes thu hút rất nhiều nghệ sĩ, họa sĩ, văn sĩ đến đây sinh sống và sáng tác. Các hội nghị quốc tế liên tục diễn ra tại đây. Thành phố này quanh năm náo nhiệt, ngày cũng như đêm.

Cung Đại hội và đại lộ La Croisette


Cannes chạy dọc theo bờ biển với chiều dài 9km. Con đường lớn nhất và đẹp nhất có tên là La Croisette, trên đó có tòa nhà mang cái tên dài dòng là Cung Lễ hội và Đại hội (Palais des Festivals et des Congrès), nơi diễn ra Liên hoan điện ảnh quốc tế hàng năm. Việc làm đầu tiên của tôi khi đến Cannes là tranh thủ chụp một bức ảnh trước tòa nhà này để làm kỷ niệm. Xưa kia, nó là sòng bạc (casino) của thành phố, phong cách kiến trúc nặng nề, nhìn vào không có gì đặc biệt. Khi người ta xây dựng một casino mới ở phía Nam thành phố thì tòa nhà này được chuyển thành Cung Đại hội. Nó không chỉ dành riêng cho điện ảnh, mà còn là nơi diễn ra đủ thứ liên hoan và hội nghị.

Khi tôi đến đây, tại Cung Đại hội đang diễn ra Liên hoan của các ông đồng bà cốt (Festival de La Voyance), tức là mê tín dị đoan. Tầng dưới của phòng họp là nơi triển lãm, gồm đủ thứ hổ lốn: từ sách Kinh dịch đến sách tử vi, từ các bức hình bát quái của phương Đông đến những lời sấm truyền và sách bói toán của phương Tây: bói bài, bói bằng bã cà phê, bói bằng quả cầu thủy tinh, v.v… Nhiều gian hàng còn thắp nến, đốt nhang, đốt trầm hương thay vì dùng ánh sáng đèn điện, làm tăng thêm vẻ huyền bí.

Trong khi đó, trên quảng trường trước Cung Đại hội, một dàn kèn đồng do một thiếu nữ chỉ huy, đang trình tấu không phải những khúc quân hành mà là những bản nhạc cổ điển. Cách đó không xa, một đoàn nữ sinh mặc đồng phục rất đẹp, biểu diễn những bài múa gậy theo tiếng trống nhịp nhàng. Bên kia đường, một băng rôn đỏ quảng cáo cho biết tại Cannes đang diễn ra Tuần lễ nghệ thuật của nước Nga.

Khách sạn Carlton

Rời Cung Đại hội, chúng tôi đi dọc theo đại lộ La Croisette về phía Nam. Khác với bãi biển ở Nice chỉ có đá sỏi (galet), ở Cannes là bãi cát vàng rất đẹp. Những hàng cây cọ chạy dọc đại lộ, đằng sau là những khách sạn sang trọng. Du khách bước ra khỏi cửa khách sạn, băng qua đại lộ là đến ngay bãi cát thật là thuận tiện.

Đi một quãng nữa thì đến bến đậu của các canô và du thuyền loại nhỏ, tất cả đều sơn một màu trắng phau. Đằng xa, ở ngoài khơi có một chiếc du thuyền lớn (yacht) mà người ta nói là của bà vợ đã ly dị của tỉ phú Mỹ Donald Trump. Buổi tối, tôi trở ra đại lộ La Croisette, nhìn thấy chiếc du thuyền sáng rực ánh đèn, văng vẳng tiếng nhạc từ đó đưa vào bờ. Trên chiếc yacht, đang diễn ra buổi dạ tiệc (party) của giới thượng lưu quốc tế đang đến nghỉ ở Cannes. Ở phương Tây, giới thượng lưu này được gọi là jet-set (nhóm người chuyên đi du lịch bằng máy bay phản lực) hay jet-society. Cái tên này ra đời khi máy bay phản lực còn hiếm và đắt tiền, chứ bây giờ thì ai cũng đi máy bay phản lực cả. Thành phần của jet-set chủ yếu gồm những người giàu có thích ăn chơi, chủ hãng thời trang, ngôi sao điện ảnh, sân khấu, ca nhạc…

Song song với đại lộ La Croisette, vào phía trong đất liền là đại lộ Antibes. Đây là trung tâm thương mại của Cannes với rất nhiều quán ăn, cửa hàng cao cấp. Tiệm ăn Trung Quốc ở đây rất nhiều, sau khi đi dạo chơi các phố, chúng tôi cứ kéo vào đây mà không sợ bị cháy túi vì giá cả rẻ hơn ăn ở nhà hàng Tây.

Khu phố cổ

Phía sau thành phố Cannes hiện đại, còn có khu phố cổ nằm chung quanh ngọn đồi Suquet. Cảnh quan ở đây thật tĩnh mịch, yên ắng, trái ngược với sinh hoạt ồn ào, tấp nập của Cannes ở ven biển. Đây là ngôi làng xưa còn giữ lại những kiến trúc cổ với một tháp canh cao 22 mét. Trên đồi Suquet, đứng cạnh bức tường thành cổ, du khách có thể ngắm nhìn toàn cảnh thành phố Cannes ở bên dưới.

Đường phố ở đây quanh co, nhỏ hẹp, lên dốc xuống dốc như nhiều ngôi làng khác dọc Bờ biển màu xanh lam. Trên ban công các ngôi nhà với những cửa sổ bằng gỗ mộc mạc, có những khóm hoa rực rỡ mà nhiều nhất là mimosa, loài hoa được chọn làm biểu tượng của thành phố Cannes. Thỉnh thoảng, lại xuất hiện một cái sân nhỏ xinh xinh với chiếc hàng rào sắt cũ, cái vòi nước ở cạnh tường, trông thật là mơ mộng.

Rời Cannes, nếu tiếp tục cuộc hành trình về phía Tây, du khách sẽ đi qua ba ngôi làng (cũng là ba thị trấn) xinh đẹp là Saint-Raphael, Sainte-Maxime và Saint-Tropez. Nổi tiếng nhất là Saint-Tropez, các tầng lớp thuộc jet-society thường tụ tập về đây nghỉ ngơi giải trí, người giàu trên thế giới cũng đua nhau mua nhà ở đây. Cách đây nửa thế kỷ, vào năm 1956, nhà đạo diễn Pháp Roger Vadim đã thực hiện tại đây bộ phim Và thượng đế đã tạo ra đàn bà (Et Dieu créa la femme), đưa cô thiếu nữ Brigitte Bardot (gọi tắt là B.B) lên vị trí ngôi sao màn bạc lừng danh khắp thế giới. Saint-Tropez cũng là bối cảnh của hầu hết những bộ phim hài mà diễn viên chính là danh hài Louis de Funès (1914-1983).

Tòa thị chính ban đêm

Nơi giam người mang Mặt nạ sắt

Tại Cannes, du khách có thể đăng ký một tour đi bằng du thuyền ra biển và ghé thăm đảo Sainte-Marguerite. Hòn đảo này dài 3km, bề ngang 90m. Ngoài phong cảnh xinh đẹp, đảo Sainte-Marguerite hấp dẫn du khách vì nơi đây có một pháo đài đã từng giam giữ một tù nhân bí hiểm có tên là Mặt nạ sắt (Le Masque de Fer). Pháo đài này được xây vào đầu thế kỷ XVII theo lệnh của Hồng y giáo chủ Richelieu, dưới thời vua Louis 13. Đây là một pháo đài nhỏ, xây dựng theo kiến trúc Vauban, nằm trên mỏm đảo nhìn ra biển khơi. Tầng dưới của pháo đài là nhà tù, chia ra thành từng phòng xà lim để giam biệt lập các tù nhân. Mặt nạ sắt bị giam ở đây 11 năm (từ 1687 đến 1698), sau đó được chuyển về ngục Bastille ở Paris và chết năm 1703.

Đảo Sainta-Marguerite nơi giam Mặt nạ sắt

Du khách được dẫn vào xem chiếc ca-sô (cachot) nơi Mặt nạ sắt bị giam, tại đây còn lưu giữ được sợi dây xích dùng để trói ông ta. Câu chuyện về Mặt nạ sắt được lấy làm đề tài cho nhiều tiểu thuyết lịch sử, nhiều phim điện ảnh và truyền hình. Nhân thân của người tù này đến nay vẫn còn là một điều bí ẩn.

Các sử gia đã dày công nghiên cứu lý lịch của những tù nhân từng bị giam ở đảo Sainte-Marguerite và đưa ra giả thuyết về hơn 20 nhân vật khác nhau, nhưng vẫn chưa có sức thuyết phục. Cuối cùng, có hai nhân vật được xem có thể là Mặt nạ sắt: Một là Mattioli, viên cận thần của bá tước Gonzague, người cai trị thành Mantoue ở Ý; hai là Eustache Dauger, người hầu của tổng trưởng tài chính Fouquet.

Họ bị biệt giam suốt đời vì đã biết một số bí mật quốc gia tối hệ trọng. Gần đây, qua nghiên cứu hồ sơ lưu trữ của ngục Bastille, Bộ ngoại giao và Bộ quốc phòng, người ta gần như đi đến kết luận rằng Mặt nạ sắt chính là Eustache Dauger, còn tội trạng gì khiến ông ta bị giam giữ vẫn là điều bí mật.

Các tiểu thuyết lịch sử và phim truyện đều được xây dựng theo giả thuyết của đại văn hào Voltaire (1694-1778). Thật ra, tù nhân đeo mặt nạ bằng nhung, nhưng Voltaire sửa lại là đeo mặt nạ sắt. Voltaire còn cho rằng đây là người anh sinh đôi của vua Louis 14, nhà vua đã giam cầm người anh để cướp đoạt ngai vàng. Và nhà văn Alexandre Dumas cha (1802-1870) đã dựa vào giả thuyết của Voltaire để viết bộ truyện Tử tước Bragelonne (Le vicomte de Bragelonne).

Trong tiểu thuyết, A. Dumas bịa thêm câu chuyện viên sĩ quan ngự lâm quân là D’Artagnan tư thông với hoàng hậu Anne (vợ của vua Louis 13) và chính là cha của hai anh em sinh đôi. Năm 1929, đã xuất hiện bộ phim về Mặt nạ sắt, trong đó tài tử huyền thoại Douglas Fairbanks đóng vai D’Artagnan. Năm 1998, lại có bộ phim Người mang mặt nạ sắt của đạo diễn Randall Wallace, trong đó Leonardo di Caprio một mình đóng cả hai vai là Mặt nạ sắt và vua Louis 14. Cả hai bộ phim Mỹ này đều được xây dựng trên bộ tiểu thuyết của A. Dumas, mỗi bộ phim đều có thêm ít nhiều hư cấu.

Theo Doanh nhân Sài Gòn

download game kim cuong bejeweled, reader pdf foxit reader 5 link tai, down ghep file hj-split link nhanh, tai download winrar 64 bit giai nen file rar, link tai xilisoft video cutter cut video, download goldwave down gold, tai cut nhac x-wave mp3 cutter joiner link nhanh, pro can edit thi dung cool edit pro link down, deep freeze standard dong bang o cung dep freze, link tai blazingtools perfect keylogger down nhanh converter, x2x free 3gp converter tai link nhanh, abdio 3gp converter chuyen doi converter nhanh,download microsoft .net framework 3.5 link tai nhanh