Bali có tất cả!
Sân bay quốc tế Ngurah Rai nằm ngay sát biển, mang đậm phong cách kiến trúc của Bali đặc biệt là cổng vào, với biểu tượng hai bức tường như tách ra để đón chào du khách, điều mà tôi thấy rất nhiều ở các đền đài ở Bali những ngày hôm sau. Đây là sân bay quốc tế lớn thứ hai của Indonesia.
Con số thống kê cho thấy, riêng năm 2011 đã có 13 triệu lượt khách quốc tế đến Bali và dự đoán tăng lên 15 triệu người trong năm nay. Thử làm một phép so sánh, Việt Nam đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2011, để thấy Bali hấp dẫn du khách quốc tế như thế nào.
Nhóm chúng tôi có sáu người, đặt thuê trước một căn villa hai tầng xin xắn ở Kuta - nằm ở thủ phủ Denpasar của Bali, một trong hai khu du lịch đông du khách nhất ở Bali. Căn villa giản dị, yên tĩnh và biệt lập nằm trong cùng của một dãy villa cho các nhóm du khách ngắn ngày thuê.
Từ căn villa đi bộ ra đường phố Legian và bãi biển Kuta khá gần. Đường phố Legian khá nhộn nhịp, với những khách sạn, quán bar, nhà hàng ăn uống, quán càphê, shop bán đồ lưu niệm san sát.
Bãi biển Kuta buổi chiều đông nườm nượp khách du lịch và cả dân địa phương ra tắm. Bãi cát không trắng và nước biển cũng không sạch lắm, khác hẳn với lời quảng cáo về những bãi biển biệt lập cát trắng và nước trong xanh ở Bali. Quang cảnh có vẻ lộn xộn và giống như những bãi biển bị biến dạng bởi khách du lịch ở nhiều nước Đông Nam Á khác.
Một anh bạn, ngay ngày đầu tiên đặt chân đến Bali, chứng kiến cảnh này, đã cảm thán trên facebook: “Vỡ mộng ở đảo thiên đường.”
Trước khi đặt chân đến Bali, tôi cũng tranh thủ dò qua những cảm nhận của khách du lịch từng đặt chân đến Bali. Hầu hết đều yêu mến Bali, nhưng không ít người “vỡ mộng” ở hòn đảo này do kỳ vọng quá nhiều.
Với lượng du khách đến quá đông so với diện tích của Bali, rõ ràng hòn đảo này đang quá tải. Báo chí cũng từng đề cập đến chuyện Bali đang bị “phá nát” bởi lượng du khách và cách quản lý yếu kém của chính quyền địa phương. Nước ngọt thiếu, điện thiếu, rác thải không xử lý kịp và đặc biệt là kẹt xe triền miên là những mặt trái của hòn đảo thiên đường này.
Mặc dù vậy, Bali vẫn không ngừng thu hút lượng du khách ngày một tăng. Ở sân bay, tôi bị hoa mắt bởi hàng chục tờ rơi quảng cáo các tour du lịch hấp dẫn, thậm chí ngoài thứ tiếng thông dụng là tiếng Anh, có cả những phiên bản ngôn ngữ riêng cho những nước có du khách đến Bali đông như Nga, Nhật Bản hay Trung Quốc. Các tour du lịch khám phá nửa ngày, một ngày, tràn ngập khắp Bali.
Một tấm bản đồ du lịch “Interesting Places” còn chỉ ra 40 điểm du lịch hấp dẫn nhất và mỗi điểm đều có một tour riêng. Đọc qua thấy tour nào cũng hấp dẫn và đáng đi. Như vậy, để đi hết cái “Interesting Places Map” này, cần phải tốn khoảng từ một đến hai tháng mới khám phá hết Bali!
Dường như Bali có tất cả những loại hình mà khách du lịch muốn. Hòn đảo Hindu có lịch sử lâu đời và trải qua nhiều biến động cùng hàng ngàn ngôi đền cổ với những nghi lễ truyền thống là một nơi hấp dẫn cho những du khách muốn khám phá thế giới tâm linh.
Những bãi biển tuyệt đẹp bao quanh bốn phía của hòn đảo với những con sóng lớn là thiên đường cho những tay chơi lướt sóng, lướt ván, lặn biển hay câu cá ngắm hoàng hôn.
Bảy ngọn núi lửa, trong đó có nhiều ngọn núi lửa đang hoạt động, những cánh rừng nguyên sinh nhiều muông thú, những thác nước và lòng hồ tuyệt đẹp là nơi lý tưởng cho các tour dành cho dân du lịch bụi và phượt ưa thể thao mạo hiểm như trekking (đi bộ băng rừng), hiking (đi bộ với quãng đường dài), biking (đạp xe) hay trò rafting (nằm trên những chiếc phao và thả trôi tự do theo dòng sông).
Vùng Ubud yên bình nổi tiếng với những nghề thủ công truyền thống, các nghệ nhân tài hoa hay những cánh đồng bậc thang đẹp như tranh vẽ dành cho những khu khách thích khám phá văn hóa. Trong khi khu Nusa Dua ở vùng biển phía Nam hòn đảo nổi tiếng với những khu nghỉ dưỡng biệt lập và cao cấp dành cho khách du lịch nhà giàu.
Cưỡi ngựa xem Bali
Bỏ qua những cảm nhận không mấy tích cực ngày đầu, chúng tôi phải lên ngay một lịch trình khoa học nhất để không bỏ qua những điểm đến nổi tiếng nhất của Bali. Điểm đến của ngày thứ hai là Ubud nằm ở trung tâm của hòn đảo và gần với các ngọn núi lửa. Đây cũng là nơi nghệ thuật và các nghi lễ truyền thống phát triển rực rỡ.
Trong cuốn “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” nữ tác giả Elizabeth Gilbert đến và sống bốn tháng ở khu Ubud này và dành cho nó những tình cảm rất đặc biệt: “Ubud không gần bờ biển nào cả, nên những du khách đến Ubud là một đám đông có chọn lọc và khá ưu tú; họ thích xem một nghi lễ đền cổ hơn là ngồi uống pina colada trên bãi cát.”
Quả là vậy. Những con đường vòng quanh Ubud khá nhỏ và hẹp, những ngôi nhà của người dân sinh sống có thể nói như những ngôi đền thu nhỏ với lối kiến trúc thuần nhất. Những cánh đồng bậc thang nằm êm đềm bên những rặng dừa cao vút hay những con đường nhỏ thơ mộng. Nếu Kuta nhộn nhịp du khách thì Ubud rất yên bình.
Một trong những điểm đáng dừng chân ở Ubud là Monkey Forest, nơi có hàng trăm chú khỉ sống trong một khu rừng có nhiều cây cổ thụ và một ngôi đền cổ. Hình như khỉ là con vật linh thiêng ở Bali.
Ở lối vào các ngôi đền cũng có khá nhiều bức tượng hình những chú khỉ ngộ nghĩnh. Không chỉ ở Monkey Forest, rất nhiều ngôi đền khác cũng có khỉ sinh sống. Chúng sống tự nhiên và thân thiện với du khách, thậm chí là rất dạn dĩ, nếu lơ là mất cảnh giác, chúng nhanh tay “thó” mất chiếc kính đeo trên mắt hay chiếc điện thoại trên tay.
Từ Ubud đi lên ngọn núi lửa Batur (cao 1.717m so với mặt nước biển), một địa danh nổi tiếng không thể bỏ qua khi đến Bali. Càng lên cao, không khí càng mát rượi. Ở điểm nhìn đẹp nhất, người ta mở một nhà hàng cho khách du lịch nghỉ chân ăn uống.
Ngọn núi lửa Batur bốn mùa chìm trong mây trắng, hồ nước dưới chân núi xanh ngắt. Có rất nhiều tour du lịch tổ chức cho khách đi trekking đến ngọn núi, nhưng thời gian phải ít nhất nửa ngày. Chúng tôi chọn cách tiết kiệm thời gian hơn, nhờ anh tài xế chở xuống gần với hồ Batur xanh mát mắt.
Giữa cảnh đẹp như chốn thiên đường, một ngôi nhà nhỏ được cất lên sát với mặt hồ, chắc là một nơi nghỉ dưỡng biệt lập và cao cấp nhất của một tay sành chơi nào đó. Ở phía khác, vài ngôi nhà dân mọc sát mặt hồ, họ tận dụng nguồn nước để trồng trọt các loại rau ngắn ngày như cà chua, su hào, cải bắp. Ngày ngày trồng rau, ngắm hồ và đỉnh núi chìm trong những dãy mây trắng, họ chắc là những người nông dân sung sướng nhất thế giới.
Tất nhiên, nói đến Bali không thể bỏ qua những ngôi đền, giống như nhắc đến Luang Prabang là nhắc đến những ngôi chùa cổ. Ở Bali có đến hơn 12.000 ngôi đền, mỗi ngôi đền có một ngày lễ hội riêng.
Trên những con đường vòng quanh đảo Bali, chúng tôi thi thoảng lại thấy một nhóm phụ nữ mặc những bộ nghi lễ truyền thống, đội trên đầu những mâm quả tiến vào đền. Nữ tác giả của “Ăn, Cầu nguyện, Yêu” viết rằng, một phụ nữ ở Bali điển hình dành tới một phần ba thời gian thức của mình để hoặc chuẩn bị cho nghi lễ, tham gia vào một nghi lễ hoặc dọn dẹp sau nghi lễ.
Ngôi đền Mẹ, được xem là ngôi đền cổ lớn nhất ở Bali là Besakih với hơn 1.200 năm lịch sử. Hai ngôi đền nổi tiếng khác là Uluwatu và Tanah Lot thu hút hàng triệu du khách đến viếng thăm nhờ sự linh thiêng lẫn vẻ đẹp kỳ vĩ của nó.
Do hành trình trở về từ Ubud quá xa, lại thêm cảnh tắc đường xảy ra thường xuyên ở Bali, khi đến Uluwatu thì đã nhập nhoạng tối, chúng tôi bỏ lỡ mất một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất. Ngôi đền này nằm trên một vách đá dựng đứng, cách mặt nước gần 100m. Từ trên cao nhìn xuống, những con sóng của biển Ấn Độ Dương đập vào vách đá sừng sững, cảm giác ớn lạnh một phần do những cơn gió và một phần do vẽ đẹp kỳ vĩ của tạo hóa.
Để “phục thù” việc lỡ mất điểm ngắm hoàng hôn ở đền Uluwatu, ngày hôm sau chúng tôi lên lịch trình thăm những ngôi đền nhỏ, ghé vào một làng thủ công truyền thống, nổi tiếng với các họa tiết trên vải batik và một thác nước rồi dành thời gian để đến một ngôi đền nổi tiếng khác ở biển để ngắm hoàng hôn.
Nằm cách không xa Uluwatu lắm, đền Tanah Lot cũng nằm trên những vách đá ngay sát biển. Ngôi đền này do những tu sĩ Bà La Môn xây dựng trên một mỏm đá giữa biển cách đây hơn 5 thế kỷ để tỏ lòng thành kính của con người trước sự che chở của biển cả. Là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất Bali, lại đang giữa mùa nghỉ Hè, hàng ngàn du khách, đa phần là người Indonesia đến Tanah Lot để cầu nguyện khiến cổng lên của ngôi đền bị khóa chặt. Dọc theo bờ biển có chiều dài khoảng 100m, ngoài ngôi đền chính Tanah Lot, còn có nhiều ngôi đền nhỏ khác, được xây dựng trên những vách đá sát bờ biển.
Đứng trên những vách đá cheo leo, ánh mặt trời hoàng hôn đổ xuống trên mặt biển tạo nên một vẻ đẹp kỳ vĩ không kém Uluwatu. Tạm đủ cho một lịch trình ngắn ngày, buổi tối cuối cùng ở Bali, chúng tôi thưởng thức một bữa ăn ngay trên bãi biển Jimbaran. Những món hải sản có thể không ngon bằng Việt Nam, nhưng được phục vụ ngay trên những chiếc bàn đặt trên bãi cát, trong ánh nến mờ ảo, nghe tiếng sóng vỗ rì rào lại được thưởng thức những điệu múa Barong truyền thống của người Bali, hay một nhóm nhạc theo kiểu Flamenco, mang guitar đi hát phục vụ khách ngay tại bàn là những trải nghiệm “cảm giác” không dễ có, dù phải trả với cái giá khá đắt!
Bốn ngày ở Bali, xem lại những điểm đã đi trên “Interesting Places Map,” tôi phát hiện mình chỉ mới “cưỡi ngựa xem Bali.” Còn quá nhiều điểm để khám phá, nhiều trò để chơi, nhiều ngôi đền để chiêm bái và cả những con người Bali thật thà dễ mến để trò chuyện.
Sau Luang Prabang, Bali là vùng đất thứ hai mà tôi có cảm giác háo hức muốn trở lại. Mối tình tôi mang về, chính là Bali!./.