Khu chùa tháp Hắc Y
Vị trí: Chùa tháp đất nung Hắc Y hay còn gọi là miếu Hắc Y, xưa kia tọa lạc trên đỉnh núi Vua Áo Đen. Chùa toạ lạc trên đỉnh đồi Hắc Y thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, cách thành phố Yên Bái 80 km
Đặc điểm: Chùa mang kiến trúc độc đáo thời Trần.
Trên đồi Hắc Y có tháp Hắc Y, thành đất, bãi quần ngựa, đấu đong quân,... những dấu ấn một thời oanh liệt trong lịch sử đấu tranh giữ nước.
Tương truyền rằng vào thời vua Hùng Vương thứ 18 có một vị thần rắn hiện hình người mặc y phục đen giúp nhà vua đánh giặc. Nay nhân dân lập miếu thờ dưới gốc cây sui cổ thụ trong khu vực đền Đại Cại. Du khách đứng dưới đền, ngước mắt nhìn núi Vua Áo Đen sừng sững với hình tượng của vị thần linh in trong vách đá trên lưng chừng núi. Phía sau đó là một thung sâu với nhiều vách đá cao thấp, có bàn cờ tiên, ao trời, nhiều động nhỏ và vườn cây ăn quả… cùng với những loại gỗ quý hiếm như: lý, đinh, sến …và một số động vật như linh dương, khỉ…
Khu di tích này còn có tháp Hắc Y, đình Bến Lăn, núi thần áo Đen, đền Đại Cại. Các di tích này phần lớn đã bị đổ nát đang được phục chế. Đình Bến Lăn hiện chỉ có những tảng đá kê chân cột đình đường kính 0,72 m. Núi thần áo Đen là một dãy núi đá cao, trên đỉnh có ao cá, vườn cây, dấu tích của công trình tôn giáo thời Lý - Trần. Đền Đại Cại dựng cạnh bờ sông Chảy, mặt chính của đền nhìn ra ngã ba sông và đồi Hắc Y. Đền được dựng trong một khuôn viên rộng, có nhiều cây xanh và đường ven sông tạo vẻ đẹp thâm nghiêm, cổ kính. Tại khu vực Đại Cại, Bến Lăn còn tìm được nhiều công cụ đá cuội có đặc trưng văn hoá Sơn Vi.