Đến Mù Cang Chải (Yên Bái) cùng đắm mình trong trò chơi dân gian
Mù Cang Chải - huyện vùng cao nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái với trùng điệp những rừng thông thơ mộng, khí hậu mát lành, quanh năm mây phủ đã đi vào tiềm thức của nhiều du khách gần xa. Mù Cang Chải không những nổi tiếng về danh thắng ruộng bậc thang mà còn là nơi lưu giữ một kho tàng các trò chơi dân gian đậm đà bản sắc dân tộc.
Đến với Mù Cang Chải dù chỉ một lần du khách cũng cảm nhận được sự giàu có của thiên nhiên, sự đặc sắc của một nền văn hóa, sự ấm áp của tình người. Chiếm 90% dân số toàn huyện, đồng bào Mông thường cư trú ở những sườn núi cao, với kinh nghiệm làm ruộng bậc thang và một số nghề thủ công truyền thống như: nghề rèn đúc, dệt vải bằng sợi lanh, làm đồ trang sức... Người Mông ở Mù Cang Chải có nền văn hóa dân gian phong phú, phản ánh nhận thức về cuộc sống thực tại gắn với thiên nhiên, khao khát vươn tới cái đẹp, cái thiện thể hiện trong làn điệu dân ca như: tiếng hát tình yêu, cưới xin, ru con, lao động sản xuất. Xuất phát từ cuộc sống lao động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa nương, lúa nước trên đất dốc, người Mông đã rèn cho mình những kỹ năng trong cuộc sống.
Để rèn luyện sức khoẻ, sự dẻo dai trong cuộc sống, lao động và sản xuất, nhiều trò chơi dân gian đã được hình thành, phát triển từng bước thành những môn thể thao hấp dẫn. Những trò chơi thể thao thể hiện được sức mạnh và sự khéo léo rõ nhất là bắn nỏ, đua ngựa, đẩy gậy, đi cà kheo, tung còn, ném pao, đánh quay, kéo co, thể hiện tinh thần thượng võ của cha ông được truyền từ đời này qua đời khác. Hiện nay, không chỉ dừng lại ở trò chơi mang tính chất thông thường, các môn này đã được đưa vào thi đấu trong các giải thể thao.
Trong cuộc sống, người Mông làm cây nỏ để rèn luyện sức khoẻ, bắn chim, săn thú. Nỏ được coi là vũ khí lợi hại để bảo vệ bản làng khi có giặc thù. Người bắn giỏi phải tập luyện thường xuyên, tập cho đôi tay khoẻ, đôi mắt tinh nhanh. Không chỉ nam giới mà nữ giới người Mông cũng rất mê bắn nỏ, thậm chí có người còn đạt thành tích cao ngang ngửa nam giới. Vì thế, trong nhiều cuộc đua tranh ở bản làng hay tại ngày hội thể thao lớn trong vùng đều có đông đảo nam nữ tham gia.
Môn bắn nỏ thể hiện sự nhanh nhẹn, dẻo dai thì môn đua ngựa lại cần phải có một bản lĩnh tốt, cứng rắn để có thể điều khiển được những con ngựa trên đường đua. Từ bao đời nay, ngựa là con vật đã gắn bó với người Mông như một “chiếc xe không cần động cơ”. Với người dân vùng thấp là chiếc xe máy để lai thồ thì với người Mông con ngựa cũng chính là chiếc xe máy khuân vác hàng hoá trên những chặng đường đồi núi gập ghềnh giúp họ trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời ngựa còn là người bạn trung thành của người Mông. Trò đua ngựa thể hiện tinh thần phóng khoáng, dũng cảm, sự tự tin mãnh liệt.
Trong lao động sản xuất, người ta cũng có thể đua ngựa để kiểm tra xem ngựa có tốt không, người điều khiển có tài không, ví dụ như sau mỗi buổi tan chợ, trên đường thồ hàng... Đua ngựa thường tổ chức vào các dịp vui xuân đón tết, trong hội chính thức được cả làng, bản chứng kiến cổ vũ thì vui hơn nhiều. Khi có người già khởi xướng đua ngựa, nhà nhà hưởng ứng chuẩn bị cuộc đua. Những chàng trai cũng chọn cho mình một con ngựa tốt, móng đẹp, răng khoẻ, chạy êm để chăm sóc đưa đi tỉ thí. Người chơi đề cao tính trung thực và lòng dũng cảm. Có nhiều hình thức đua tuỳ theo số người, số ngựa như vừa phi ngựa vừa bắn cung, bắn nỏ vào mục tiêu cố định hay di động, hoặc xoải mình với lấy một vật dưới đất. Quà tặng cho người thắng cuộc không nhiều, có thể chỉ là vài chén rượu, lời khen, sự kính nể.
Khác với đua ngựa, ném còn là trò chơi đặc trưng của đồng bào Mông. Ý nghĩa của trò chơi này rất sâu sắc, xuất phát từ tâm linh của con người. Tung còn là hoạt động để con người cầu mùa, cầu yên bình phát triển, thử tài nam nữ trong các dịp lễ hội. Cây còn gồm mặt còn, cây nêu. Mặt còn được treo trên đỉnh cây nêu cao trên 10m. Mặt còn có hai màu tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là mặt âm tròn vũ trụ. Quả còn tượng trưng cho phần dương. Trong túi gồm cát, thóc, ngô, nước tượng trưng cho vật chất ngũ hành. Cây còn được dựng lên ở đâu là hội ở đó. Trò chơi này bắt buộc phải tung thủng mặt còn mới được coi là may mắn. Không phải may mắn với người tung còn mà như thế là đã đem lại may mắn cho bản làng, hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, giống nòi mạnh khoẻ, sinh sôi. Có lẽ vì thế mà tung còn là môn thể thao được chơi đông đảo nhất, bền vững nhất, là trò chơi không thể thiếu trong mỗi độ xuân về.
Một trò chơi khác của người Mông cũng rất thú vị, tuy không phát triển mạnh, song trong mỗi độ tết đến xuân về hay làng bản có hội hè, người dân lại tổ chức trò chơi này để gây tiếng cười, quên đi những vất vả nhọc nhằn trong cuộc sống, đó là đi cà kheo. Là một trò chơi đòi hỏi người chơi phải lấy được thế cân bằng, có bước đi chính xác, sức khoẻ tốt kết hợp nhịp nhàng cả chân lẫn tay. Do chịu cả lực đẩy và trọng lượng của cơ thể nên chọn được một bộ cà kheo ưng ý để đi thi phải mất rất nhiều công. Cuộc thi này thường tạo được tiếng cười sảng khoái cho người theo dõi bởi sự hấp dẫn, bất ngờ của trò chơi. Sau khi chọn được người thắng cuộc, họ cùng các cổ động viên sang các thôn, bản khác để thi tiếp. Cuối cuộc thi kéo về bản tổ chức ăn uống, chúc tết cho gia đình và bản làng.
Cảnh sắc thanh bình, sự mộc mạc, dung dị trong cuộc sống đời thường của người dân bản địa cùng với những trò chơi dân gian đặc sắc mang đậm bản sắc dân tộc của một vùng văn hóa người Mông vẫn ẩn chứa bao điều mới lạ mời gọi du khách gần xa.
Nguồn: Báo Yên Bái