Giới thiệu đất nước - con người Vanuatu
Vanuatu, tên chính thức Cộng hòa Vanuatu, là đảo quốc gồm nhóm quần đảo vùng Melanesia, tây nam Thái Bình Dương. Quần đảo này nằm phía đông Úc cách 1.750 km, phía đông bắc Nouvelle-Calédonie cách 500 km, phía tây Fiji, và phía nam quần đảo Solomon.
Trước năm 1980, Vanuatu có tên là New Hebrides thuộc sự đồng trị của cả hai nước Anh và Pháp. Người Việt thời đó gọi Vanuatu là Tân Thế giới vì thực dân Pháp thường mộ phu chân đăng ở Đông Dương để đi khai phá và canh tác đồn điền ở đó.
Lịch sử
Theo chứng tích khảo cổ thì con người có mặt trên đảo Vanuatu từ khoảng 1300 năm trước Công nguyên.
Năm 1606 người Tây Ban Nha dưới sự chỉ huy của Luis Váez de Torres và Pedro Fernández de Quirós đến đảo thám hiểm và cho rằng Vanuatu là một phần của lục địa châu Úc. Mãi đến thế kỷ 18 sau chuyến hải hành thứ hai của nhà thám hiểm người Anh James Cook và đảo được đặt tên "New Hebrides" người châu Âu mới đến định cư vùng đảo.
Trong thời gian ngắn ngủi sau năm 1879, đảo Efate thành lập thể chế cộng hòa dưới tên "Franceville" với đặc điểm là quốc gia độc lập đầu tiên với quyền đầu phiếu phổ thông không phân biệt sắc tộc hay giới tính. Tuy nhiên riêng người da trắng được nhậm chức.
Năm 1887 đảo được đặt dưới quyền cai trị quân đội của hai nước Anh và Pháp. Gần 20 năm sau, năm 1906 thể chế Anh-Pháp đồng trị chính thức điều hành rồi giải thể năm 1980 khi Vanuatu độc lập.
Địa lý
Vanuatu là một quần đảo gồm 83 đảo lớn nhỏ. Hai đảo Matthew và Hunter còn trong vòng tranh chấp với Nouvelle-Calédonie.
Đa số những hải đảo là núi non, địa chất phún thạch của những ngọn núi lửa xưa với khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Vũ lượng tại Vanuatu tính trung bình là 2.360 mm nhưng có năm lên đến 4.000 mm ở những đảo miền bắc.
Có vài ngọn núi lửa còn hoạt động tại Vanuatu như ngọn Lopevi. Thiên tai địa chấn và núi lửa thường đe dọa quần đảo. Ngọn núi cao nhất Vanuatu là đỉnh Tabwemasana, đo được 1879 m trên đảo Espiritu Santo.
Thành phố lớn nhất là thủ đô Port Vila trên đảo Efate. Thị trấn thứ nhì là Luganville trên đảo Espiritu Santo.
Vanuatu được công nhận là vùng địa sinh thái đặc biệt (distinct terrestial ecoregion) thuộc phân khu sinh thái (ecozone) Australasia.
Hành chính
Kể từ năm 1994 Vanuatu được chia thành sáu tỉnh (province). Tên của sáu tỉnh thì ghép từ tên những đảo phụ thuộc.
1. Malampa (MALakula, AMbrym, PAama)
2. Penama (PENntecost, Ambae, MAewo)
3. Sanma (SANto, MAlo)
4. Shefa (nhóm SHepherds, EFAte)
5. Tafea (Tanna, Aniwa, Futuna, Erromango, Aneityum)
6. Torba (TORres, BAnks)
Mỗi tỉnh là đơn vị tự trị với hội đồng tỉnh do cư dân bầu lên. Hội đồng này có quyền thu thuế địa phương và quyết định ngân sách hàng tỉnh cùng những nghị luật. Chủ tịch Hội đồng do chính các thành viên bầu ra, lại có thư ký trợ lý do Ủy ban Công chức (Public Service Commission) bổ nhiệm.
Ngành hành pháp có hành pháp viên (executive officer) do phủ Thủ tướng bổ nhiệm.
Ở cấp tỉnh cũng có vị tổng thống tỉnh bang (provincial president) thuộc cử tri đoàn để bầu ra tổng thống Vanuatu.
Dưới cấp tỉnh là xã (municipality), tương đương với một đảo một. Xã có hội đồng xã và xã trưởng do cư dân bầu nên.
Chính trị
Vanuatu là một nước dân chủ nghị viện. Đứng đầu là Tổng thống với nhiệm kỳ năm năm nắm vai trò lễ nghi. Cử tri đoàn gồm các đại biểu quốc hội và tổng thống tỉnh bang bỏ phiếu bầu tổng thống toàn quốc.
Thủ tướng điều hành chính phủ thì do Quốc hội bầu nếu đạt được hơn nửa số phiếu của ¾ đại biểu. Thủ tướng có nhiệm vụ lập nội các, tức hội đồng bộ trưởng để điều hành ngành hành pháp Vanuatu.
Quốc hội Vanuatu là viện lập pháp đơn viện (unicameral) với 52 đại biểu nhiệm kỳ bốn năm do cử tri trực tiếp bầu ra. Quốc hội có thể tự giải tán hay do lệnh Tổng thống với sự cố vấn của Thủ tướng. Song song với Quốc hội là Hội đồng tộc trưởng Malvatu Mauri để cố vấn chính phủ trong những lãnh vực văn hóa và ngôn ngữ Vanuatu.
Theo Wikipedia