Cổng Trời: Điểm du lịch mới của Tuyên Quang
Ở thị xã Tuyên Quang, nghe cái tên Cổng Trời mọi người cứ mường tượng ra nơi đó thật là cao và có nhiều điều thú vị. Quả đúng vậy, muốn lên được Cổng Trời - nơi định cư của 15 hộ dân thuộc xóm 16, xã Tràng Đà (thị xã Tuyên Quang) du khách phải leo bộ lên núi hơn 1 km.
Đứng trên Cổng Trời, du khách có thể nhìn thấy thị xã Tuyên Quang một thung lũng lớn, đẹp, với dòng Lô thơ mộng bao quanh. Trong Cổng Trời cũng có một thung lũng nhỏ chừng vài chục ha, xung quanh là các dãy núi và rừng phòng hộ. Toàn bộ diện tích đất tự nhiên của khu vực Cổng Trời khoảng 300 ha, trải ra tiếp giáp tận thôn Đồng Quán, xã Tân Long; thôn Đặng, xã Tân Tiến (Yên Sơn) và xóm Dùm, xã Nông Tiến (thị xã Tuyên Quang).
Phương tiện duy nhất lên Cổng Trời là đi bộ. Muốn ra thị xã, người dân Cổng Trời phải gửi xe đạp ở các hộ dưới chân núi. Tách biệt với các khu dân cư của xã nên Cổng Trời đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Tuy nhiên ở đây đã có 3 hộ sử dụng máy thuỷ điện mini để thắp sáng, quạt mát và xem tivi. Buổi tối, các hộ lại tu tập ở các gia đình có tivi, xem tin tức thời sự trong tỉnh, trong nước và quốc tế.
Ngoài hệ động vật, thực vật phong phú của khu rừng phòng hộ, Cổng Trời còn có nhiều hang động ở núi đá vôi đẹp, như hang Rơi, hang Bà Cún, hang Ông…
Với tiềm năng du lịch sinh thái như vậy, Cổng Trời đã nhiều lần đón các vị lãnh đạo tỉnh, thị xã lên tham quan, khảo sát để xây dựng khu du lịch. Nhưng để triển vọng đó trở thành hiện thực, Cổng Trời cần một sự đầu tư lớn, một sự quy hoạch bài bản. Không ít du khách dưới xuôi khi lên thăm Cổng Trời đều trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ nơi đây. Nhiều người cho rằng, nếu đắp được một con đập to trên Cổng Trời thì thật là tuyệt. Toàn bộ vùng thung lũng Cổng Trời sẽ là một hồ nước nhân tạo trên núi. Dân cư dưới thung lũng đi lên sườn núi và sẽ được hưởng lợi từ hồ nước. Nguồn nước dự trữ trên hồ điều tiết cho thác đền Cấm chảy quanh năm, tạo ra khung cảnh thơ mộng. Trước đây, lợi dụng thác nước này xã Tràng Đà đã xây dựng được một thuỷ điện nhỏ phục vụ việc chạy máy xay xát lúa. Song, nay thuỷ điện đã dừng hoạt động vì hư hỏng, vì thiếu nước vào mùa đông. Vậy, việc đắp một con đập lớn đủ cung cấp nước cho một thuỷ điện cỡ nhỏ, cấp điện cho các hộ ở Cổng Trời cũng là một giải pháp cần xem xét đầu tư. Để phát triển du lịch Cổng Trời có hai vấn đề cần làm trước là kéo đường điện lưới quốc gia và làm đường ôtô lên. Trước kia khi khai thác khoáng sản ở Cổng Trời, người Pháp đã làm một con đường chạy theo đường vòng trôn ốc qua các sườn núi. Đường rộng hơn 2 mét, có những khúc cua được kè đá rất đẹp. Qua thời gian, nhiều đoạn đường bị mưa làm sạt lở nên không sử dụng được. Nếu đường được mở rộng và đầu tư sửa chữa, ôtô lên được Cổng Trời là hiện thực.
Chị Trần Thị Duyên, Bí thư chi bộ, Trưởng xóm 16 cho biết, mấy năm gần đây đã có nhiều khách du lịch thưởng ngoạn cảnh đẹp trên Cổng Trời. Họ kết hợp leo thác đền Cấm, thăm đền Cấm, đền Thượng, thăm ghềnh Quýt. Hiện nay, xóm, xã mong muốn các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện đến đầu xây dựng khu du lịch sinh thái Cổng Trời. Chính quyền địa phương đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh trong việc phục hồi, tôn tạo các ngôi đền, làm đường, bãi để xe, kiốt bán các sản phẩm phục vụ du lịch đạt tiêu chuẩn. Từ đó mở ra cho xã, cho Cổng Trời một diện mạo mới để thu hút ngày một nhiều du khách gần xa.
(Nguồn: Báo Tuyên Quang)