Công viên đá ở Côn Minh (Trung Quốc)
Tạo hóa đã ưu ái cho Thạch Lâm (Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc) một phong cảnh thần tiên của đá và nước. Những cột đá nằm trong một khu vực rộng tới 350 km2, tập trung nhất là khu công viên đá Thạch Lâm.
Khách du lịch Việt Nam đi theo tuyến Hà Nội – Alư Cổ Động – Thạch Lâm – Côn Minh – Hà Nội đều có cảm nhận: Thạch Lâm là điểm tham quan lý tưởng với vẻ đẹp kỳ diệu, một sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người.
Ngắm nhìn bạn sẽ thấy các khối đá như một ngôi chùa, hình thù giống một rừng kiếm, một dãy cột, một con voi, một con phượng hoàng xòe cánh, rồi hình tượng của Hòa thượng Đường Tăng, của một thiếu nữ hóa đá, lại có cả giường Tiên, những hồ nước trong xanh với các đảo đá nhấp nhô... Đi trong rừng đá với muôn vàn những hình dạng kỳ diệu ấy du khách như lạc vào một thế giới riêng, chỉ có trong chuyện thần tiên.
Nơi đây đã được chọn là một trong những trường quay của bộ phim “Tây du ký”, với những điểm ghi dấu ấn của Tôn Ngộ Không và các sư đệ đã thể hiện tài trí trong việc tháp tùng Đường Tăng đi Tây Trúc lấy kinh. Đó là lỗ đá hình tròn, là khe đá hẹp chỉ cho lọt cổ.
Cảnh đẹp thần tiên của Thạch Lâm càng được du khách hài lòng khi đến tham quan chính bởi những con người nơi đây: những cán bộ, nhân viên quản lý công viên. Nhiều người trong số họ thuộc dân tộc Yi, một trong những dân tộc thiểu số đông nhất ở Vân Nam. Những cô gái dân tộc Yi chăm chỉ và hiếu khách, trong trang phục đặc sắc, lái ôtô điện đưa du khách đến các điểm tham quan trong “rừng đá”. Đó là loại xe rất tiện lợi, đặc biệt là giữ cho môi trường sạch sẽ, không bị ô nhiễm, không ồn ào.
Những công nhân chuyên sửa sang, bảo dưỡng công viên một cách rất tỉ mỉ, rất khoa học đối với từng cây hoa, ngọn cỏ... để bên đường đi là những thảm cỏ xanh mượt mà và là những vườn hoa đẹp rực rỡ như đón chào du khách. Tất cả đều luôn nở nụ cười thân thiện với khách. Nhiều người giao tiếp được bằng tiếng Việt càng làm cho quan hệ chủ, khách thêm thân mật.
Chính vì thế mà nơi đây – một công viên, một di sản thiên nhiên thế giới – đã được giữ gìn một cách hoàn hảo, hết sức sạch sẽ. Bản thân điều đó như một lời nhắc nhở, tạo cho du khách một thói quen rất văn minh: không dẫm lên cỏ, không hái một bông hoa, vứt rác đúng nơi quy định...
Chúng tôi đến Thạch Lâm đúng dịp mở đầu tuần Lễ hội của người Sani, một nhánh của dân tộc Yi, được chứng kiến điệu nhảy tập thể, giản dị nhưng đầy mầu sắc. Những chàng trai, cô gái người dân tộc trong trang phục truyền thống nhảy trong tiếng nhạc dân gian, tay trong tay, nhảy theo một vòng tròn, sẵn sàng mời và nhảy rất vui vẻ cùng du khách.
Lúc này không còn phân biệt chủ - khách, tất cả hòa trong không khí lễ hội, trong tình hữu nghị giữa các dân tộc, các quốc gia. Lễ hội của người Sani diễn ra giữa khung cảnh hùng tráng, thơ mộng của đá, của nước càng làm cho Thạch Lâm thêm quyến rũ, để lại cho du khách một ấn tượng không thể nào quên.
Nguồn: VnExpress