Hàm Rồng - một vùng danh thắng
Tiềm năng du lịch của Thanh Hoá thật đa dạng và phong phú. Mỗi vùng đất quê Thanh đều có những sắc riêng độc đáo thu hút du khách thập phương. Để đáp ứng một phần nhu cầu tham quan du lịch, xin trân trọng giới thiệu với quý khách xa gần khu du lịch Hàm Rồng – Đông Sơn - một vùng đất núi Rồng, sông Mã hòa quyện vào nhau, như một bức tranh thủy mạc.
Một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa, có nhiều hang động, nhiều danh thắng. Một vùng đất sôi động những chiến công qua các thời kỳ lịch sử.
“Thanh Hóa thắng địa là nơi
Rồng vờn hạt ngọc, hạc bơi ven thành”
Câu ca dao trên là nói tới dãy núi Rồng. Dãy núi này kéo dài từ Dương Xá (làng Giàng, thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa) chạy ngoằn nghèo, nhấp nhô uốn lượn ven bờ sông Mã, khi chạy hết tầm nó ngóc cao tạo thành một cái đầu giống như đầu Rồng, có mắt, có mũi với cái mồm đang chực đớp lấy viên ngọc. Trông hình dáng ấy người ta gọi là Hàm Rồng – tên chữ là Long Hạm. Đối diện với Hàm Rồng bên kia sông có một hòn núi tròn trĩnh xinh xắn gọi là núi Ngọc, tên chữ là Hỏa Châu. Nếu không có dòng sông Mã chảy giữa núi Rồng và núi Ngọc thì vùng núi Rồng có đủ 100 ngọn, “Chín mươi chín ngọn bên đông. Còn một ngọn Nít qua sông chưa về” theo người xưa nói thì nơi nào có đủ con số một trăm như 100 ngọn núi, 100 con sông, 100 cồn đất, 100 cái giếng (tự nhiên), thì nơi đó sẽ trở thành đế đô trường cửu. Chung quanh núi Rồng còn có rất nhiều ngọn núi mang những tên các con vật thuộc loại tứ linh: long, ly, quy, phượng.
Từ phía làng Dương Xá (làng Giàng) đi lên ta gặp ngọn Ngũ Hoa Phong hay còn gọi là núi Ngũ Nhạc, từ xa giống như năm bông sen chụm lại giữa một cánh đồng rộng mênh mông. Ở đó có nhiều núi đá vôi và hang động, đẹp nhất là động Tiên. Vào trong động rộng và sáng, nhũ đá rủ xuống tạo thành nhiều hình thù kỳ thú... trong hang có đường lên trời, có đường xuống âm phủ.
Ngọn Phù Thi Sơn trông giống một thiếu nữ đang nằm ngủ, đầu gối vào thân rồng. Gần đấy có hai quả núi trông một to, một nhỏ, người ta gọi là núi Mẹ, núi Con. Bên cạnh núi Mẹ và núi Con có một quả núi giống như tiều phu đang nằm nghỉ quay đầu về phía đông để ngắm trời mây non nước. Sát với hòn Tiều Phu là núi con Mèo. Đi về phía đầu rồng ta lại gặp ngọn núi con Lợn, núi con Cóc... rồi đến núi Cánh Tiên - Tay Tiên. Trên dãy núi này có 3 ngọn cao vút được gọi là Ba Hiệu. Trên sườn núi Ba Hiệu trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước người ta đắp hai chữ “Quyết Thắng” cực to, ta đi xa hàng cây số vẫn nhìn rõ chữ, nên còn có tên là núi “Quyết Thắng”.
Về phía tay phải núi Cánh Tiên có một quả núi trên đỉnh có nhiều phiến đá to dựng đứng và chụm vào nhau như một bó đũa, người ta đặt tên là núi “So Đũa”.
Tiến về làng Đông Sơn là núi Mã Yên giống như yên ngựa. Dưới chân núi Mã Yên có một cái giếng thiên tạo, nhân dân địa phương gọi là giếng Tiên. Nước giếng Tiên trong vắt và ngọt lịm. Dù trời làm hạn hán lâu ngày hay lụt bão kéo dài thì mực nước trong giếng cũng không hề thay đổi.
Đã đi thăm núi Rồng mà không đến động Long Quang thì đó là một thiếu sót lớn. Động Long Quang chính là mắt rồng. Bên trong động còn khắc nhiều bài thơ của các bậc vương giả, các bậc tao nhân mặc khách mà điển hình là Lê Thánh tông, Lê Hiển tông. Chếch xuống phía dưới quãng 7-8 mét có các phiến đá chồng lên nhau và tách ra làm hai. Phần trên phình ra và nhô cao trông giống như cái mũi rồng, trán rồng. Phần dưới lại như rủ xuống sông trông giống hệt miệng rồng đang há to gọi là Hàm Rồng.
Dưới chân núi Mã Yên có ngôi đền Thánh Cả. Trong đền thờ vị thần có duệ hiệu “Tham Xung Tá Quốc” hay “Chàng út Đại vương”. Họ tên của vị thần này là Lê Hữu. Ngôi đền kiến trúc bằng đá. Tuy nhỏ nhưng rất linh thiêng... Gần như đối diện với đền Đức Thánh Cả qua một cánh đồng rộng về sườn núi đất phía tây có ngôi đền thờ vị nữ thần có duệ hiệu “Thiên Tiên Thánh Mẫu” hay “Thượng ngàn thiên tiên công chúa”. Vị thần này có 50 làng thờ. Hàng năm cứ đến ngày mùng 3 tháng 3 các làng lại rước kiệu thần và cỗ bàn về đây để tổ chức lễ hội. Ngày lễ hội này dân trong vùng gọi là ngày giỗ Mẹ. “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”.
Đối diện với Hàm Rồng là Núi Ngọc. Dưới chân núi Ngọc còn một ngôi chùa nằm về phía đông đó là chùa “Tiên Đồng”. Ta lấy trung tâm là núi Hàm Rồng với đường kính từ 5 đến 7km ta sẽ gặp các đền miếu qua các thời. Ta đi từ bắc qua tây thì sẽ gặp đền thờ Dương Đình Nghệ (làng Giàng), chùa Vốn (tên chữ là chùa Đại Hùng) ở làng Vồm, Thiệu Khánh. Chùa Tăng Phúc Tự ở Hạc Oa. Đền thờ Trang Quốc Công ở làng Đại Khối. Chùa Đại bi – làng Mật. Đền thờ Tướng Công ở làng Vệ Yên. Thái miếu nhà Lê làng Bố Vệ. Chùa Thanh Hà – Đức Thọ Vạn. Chùa Chanh ở làng Hương Bào Nội. Chùa Mật Đa, đền thờ Chu Nguyên Lương ở Nam Ngạn...
Di chỉ làng Đông Sơn được phát hiện vào năm 1929 nay thuộc phường Hàm Rồng (thành phố Thanh Hóa). Làng Đông Sơn nằm lọt vào một thung lũng của dãy núi Hàm Rồng sát bên bờ sông Mã về phía hữu ngạn. Đây là một địa danh mang tên cho cả một nền văn hóa – nền văn hóa Đông Sơn.
Hàm Rồng trên có núi non kỳ thú, dưới có dòng sông Mã chảy qua đêm ngày quả là một vùng “non nước hữu tình”. Theo An Nam chí lược đã ngợi ca cảnh sắc nơi đây: “Núi cao và đẹp trông ra sông Định Minh (sông Mã), lên cao thấy nước trời một sắc thật là giai cảnh...”.
(Nguồn: Báo Thanh Hóa)