Nhà Gươl - "linh hồn làng" của người Cơ-tu
Dọc đại ngàn rừng núi Trường Sơn, đồng bào Cơ-tu cư trú từ Bình-Trị-Thiên vào đến Quảng Nam-Đà Nẵng. Tất cả các buôn, làng người Cơ-tu dù giàu hay nghèo đều có nhà Gươl. Nhà Gươl là "linh hồn làng", là loại hình văn hóa vật thể có giá trị đặc sắc được bảo tồn và gìn giữ mang chức năng không gian hoạt động của cộng đồng như đình làng của người Kinh.
Nhà Gươl là nơi để Hội đồng già làng họp bàn và phán quyết những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn của cộng đồng, là nơi để tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Chaha Roo Tơmee), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơ-tu (Pơ- ngát); Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối AVí)…
Người Cơ-tu lập làng, dựng nhà đều chọn đất. Làng (Veel, Kar non, Bươl) thường được lập theo hình vòng tròn hoặc hình bầu dục, từng ngôi nhà cận kề nhau, mái nhà có hình mu rùa, ở giữa có một ngôi nhà Gươl - người Cơ-tu gọi Gươl là ngôi nhà chung - "Nhà Gươl". Nhà Gươl được lập nên bằng công sức của mọi người trong làng. Nhà Gươl là nơi để những thanh niên Cơ-tu chưa vợ, những người già hằng đêm đến ngủ. Theo quan niệm của người Cơ-tu, nhà Gươl là chốn linh thiêng nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên họ. Phụ nữ, con gái chưa chồng không được đến nhà Gươl. Trong nhà Gươl mọi người không được ẩu đả nhau, không được cãi vã nhau… mà luôn đoàn kết đùm bọc thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh để sự tồn tại và phát triển giống nòi của cộng đồng Cơ-tu.
Nhà Gươl truyền thống của dân tộc Cơ-tu rất đẹp, làm nhà Gươl rất tốn kém, đòi hỏi nhiều công sức. Chiều cao nhà Gươl khoảng 8m, được chống đỡ bởi cây cột cái ở giữa, cùng với 8 cây cột con ở xung quanh, mái nhà được lợp bằng lá nón hoặc lá mây.
Trong 197 buôn, làng thuộc các huyện: Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang (thuộc Quảng Nam) hiện nay có hơn 40 buôn, làng đã có nhà Gươl (các xã vùng sâu, vùng xa như: xã Zuôih, ChOm, TrHy, AXan, ATiêng, Xã Lăng… nhà Gươl từng bước được phục hồi). Nhà Gươl ở đây kiểu dáng mái lớn, mái nhỏ ở hai đầu hồi, tạo cho Gươl có dạng hình trái xoài.
Dù Choong Gươl dạng hình chiếc nón truyền thống hoặc nhà Gươl dạng hình trái xoài đi chăng nữa thì nét độc đáo của hai loại này là cây cột cái ở giữa có hình khắc giống với hình trên cột đâm trâu (Xờ nur) - biểu tượng của cái trục làng và của nhà Gươl (nhìn vào cây cột cái của nhà Gươl to - nhỏ, chúng ta có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó). Xung quanh, những tấm ván làm vách đều được điêu khắc, chạm trổ hình ảnh các con vật trông rất sinh động: con trâu, đầu trâu, tắc kè (Chà châng), con trăn (Chong ruôn), kỳ đà (Tà ri) và một số cảnh sinh hoạt đời thường của cộng đồng được thể hiện như: người đàn ông đánh trống, phụ nữ bồng con…
Bên trong nhà Gươl là nơi thờ các vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian Cơ-tu, sát vách họ dành riêng một khoảng trống không gian để treo sọ những con vật sau mỗi lần săn bắn được, hoặc các sọ đầu trâu sau mỗi lần làng tổ chức lễ hội và các nhạc cụ truyền thống.
Nhà Gươl của người Cơ-tu là cầu nối giữa con người với vũ trụ, nơi lưu giữ những giá trị tinh thần thiêng liêng, nơi gởi gắm niềm tin vào thần linh, ông bà, tổ tiên của người Cơ-tu. Khôi phục lại nhà Gươl truyền thống tức là góp phần vào việc khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ-tu để lưu lại cho các thế hệ Cơ-tu mai sau hiểu biết, kế thừa những giá trị văn hóa vật chất tinh thần của dân tộc mình.
Nguồn: Website Bình Định