Khám phá chợ quê trên cung đường di sản Quảng Nam
Không đầy màu sắc như những chợ phiên phía Bắc. Không lênh đênh như những phiên chợ sông nước miền Nam. Nhưng những phiên chợ quê ở Quảng Nam vẫn đầy hấp lực thu hút du khách bởi sự thuần hậu, độc đáo của riêng mình.
Thay vì đi từ Hội An lên quốc lộ 1A rồi đến Mỹ Sơn như thường lệ, du khách có thể thuê chiếc xe đạp, lên đò nơi bến sông Hội An. Chỉ mất chừng 10 phút lênh đênh trên sông Hoài là đã tới được Cẩm Kim - vùng quê sinh thái còn đậm nét nông thôn xứ Quảng. Trên con đường làng chạy dài giữa những đồng lúa xanh ngắt thì con gái, bạn có thể thong dong đạp xe, hít cái se lạnh của cánh đồng buổi sáng sớm, hòa cùng những người phụ nữ từ các làng quê Cẩm Kim, Duy Vinh, Duy Hải, Duy Nghĩa lặc lè quang gánh mang chiếu về chợ Bàn Thạch. Phiên chợ chiếu bắt đầu một ngày nhộn nhịp, đầy màu sắc từ 4 giờ sáng mỗi ngày và kết thúc tầm 8 giờ. Phiên chợ có tuổi đời hàng mấy trăm năm này nằm ở trung tâm vùng đông của huyện Duy Xuyên, khi cầu Cửa Đại hoàn thành sẽ nối liền vùng này với các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) và Hội An, từ đó có thể hình thành các tour du lịch: Hội An - Bàn Thạch - Mỹ Sơn thành tuyến du lịch sinh thái, làng nghề hấp dẫn.
Đạp xe ra quốc lộ 1A, đi một đoạn, là đến phiên chợ Bà Rén, cũng là phiên chợ với món hàng độc nhất vô nhị - chợ heo con lớn nhất của miền Trung. Trong tiếng éc éc ồn ã của những chú heo bụ bẫm, tiếng mặc cả của người mua kẻ bán, du khách có thể cười ha hả với cái nghề lạ lẫm, nghề bồng heo ra tiền. Cũng như phiên chợ chiếu, chợ heo Bà Rén dường như chỉ dành cho những người phụ nữ. Hàng chục phụ nữ sống nhờ vào cái chợ heo con này bằng nghề bồng những chú heo vào chợ, và sang tay cho khách hàng, bồng heo để cân. Khi những chú heo trong rọ được người mua và người bán lựa chọn, trả giá xong, những người phụ nữ ấy sẽ ôm heo đứng lên bàn cân để chú heo khỏi vùng vẫy và lệch kim cân, cân cả người và heo, sau đó trừ cân nặng của người ra sẽ biết heo nặng bao nhiêu ký. Xong xuôi, các chị lại bắt heo từ rọ người chủ sang rọ người mua. Mỗi rọ heo như thế, các chị được trả khoảng 1.000 đồng.
Cũng trên cung đường Hội An - Mỹ Sơn có rất nhiều phiên chợ quê còn nguyên vẹn vẻ đẹp của những phiên chợ quê xứ Quảng xưa như chợ Lai Nghi, chợ Vỏ, chợ Phú Đa, chợ Kiểm Lâm… Có chợ họp ngay ở ngã ba đường, chợ họp dưới gốc đa làng, chợ ven đường. Ở những phiên chợ ấy, người bán mấy chục năm trời vẫn một mặt hàng, một góc ngồi. Người mua, người bán biết tính ý nhau, không cò kè, trả giá, chỉ cần ghé ngang đó, nói món rau, mớ thịt, con cá gì cần mua, đi một vòng quay lại là có ngay như ý muốn. Có khi, người mua và người bán chẳng đưa tiền mặt mà trao đổi với nhau bằng hàng hóa. Du khách có thể ghé qua chợ mua những sản vật của xứ Quảng với giá bằng y như dân bản địa, không bị “chặt chém”. Sau tết, chừng mùng 2 hoặc mùng 4, người làng lại mang chút quà quê ra họp chợ như một thói quen định kỳ để mở đầu cho một năm mua may bán đắt, hòa thuận vui vẻ.
Khi những phiên chợ tan, du khách có thể thong dong đạp xe tham quan sông nước hữu tình của vùng quê Quảng Nam, hoặc theo chân dân làng về nhà để khám phá cuộc sống thường ngày. Hầu hết các phiên chợ này đều gần một làng nghề truyền thống của Quảng Nam, nên du khách có thể vào các làng nghề để xem người dân trình diễn các công đoạn sản xuất sản phẩm. Ở làng nghề Bàn Thạch, khách có thể xem dân làng dệt chiếu, thu hoạch đay, lác. Hoặc ghé vào làng mộc Kim Bồng nổi tiếng xem những người thợ biểu diễn các công đoạn để tạo ra những tác phẩm mộc điêu khắc tinh tế từ những phiến gỗ thô xù, kềnh càng. Ghé chợ Lai Nghi, bạn có thể tạt qua làng gốm Thanh Hà (Hội An) - làng nghề có tuổi hàng trăm năm. Điều thú vị nhất ở làng gốm Thanh Hà chính là sự lưu giữ nguyên vẹn kỹ thuật làm gốm cổ truyền bằng bàn xoay và tay trong không gian dung dị của làng nghề xứ Quảng.
Từ Hội An đến Mỹ Sơn, du khách sẽ ngang qua Điện Bàn- nơi được mệnh danh là vùng đất “trăm nghề”. Hầu hết các làng nghề này vẫn còn nguyên vẹn những nét truyền thống. Vùng đất này còn nổi danh với những làng nghề ẩm thực xứ Quảng như bê thui Cầu Mống, mì quảng Phú Chiêm. Đây là mảnh đất có dinh trấn Quảng Nam xưa, có La Qua thành cũ, tháp Bằng An rêu phong, là điểm kết nối ấn tượng và là điểm dừng chân thú vị của nhiều du khách trên hành trình Hội An - Mỹ Sơn để khám phá vùng đất nhiều danh nhân và nhiều giai thoại này.
Và Mỹ Sơn - vùng thánh địa linh thiêng, điểm đến sau cùng của hành trình di sản từ Hội An cũng không kém phần hấp dẫn với làng nghề ươm tơ dệt lụa Mã Châu, những phiên chợ quê, lễ hội mang đậm tín ngưỡng dân gian nơi đầu nguồn sông Thu Bồn.
Theo dulichvn