Bánh tổ - Hương vị ngày xuân
Ngày tết, trong các thứ bánh trái đặt lên bàn thờ tổ tiên của người đất Quảng Nam hoặc làng xưa này thường không thể thiếu món bánh tổ. Thứ bánh như là cái cớ để nhắc nhở nhau về nguồn cội “Chim có tổ, người có tông”.
Bánh tổ là loại bánh làm bằng bột nếp loại tốt, dẻo và thơm, phơi thật khô rồi đem giã thành bột. Đường làm bánh tổ là đường bát, đem “thắng” cho thật kỹ, loại bỏ hết tạp chất và thêm ít gừng tươi cho thêm hương vị. Bột, đường sau đó được trộn với nhau và được nhồi, đánh (giố) thật kỹ. Khâu quan trọng nhất trong việc làm bánh tổ là “lấy trùng”. Tức là tỷ lệ thích hợp giữa nước và bột để bánh không bị đặc, không bị nhão. Sau đó, dung dịch “sền sệt” này được đổ vào một cái “đài” đã được làm bằng lá chuối tươi và dùng tăm tre vót nhọn ghim kín mép lá. Chiếc “đài” bằng lá chuối bây giờ lại được đặt vào một rọ tre (khuôn) để giữ cho bánh không bị “xập xệ”. Các “rọ” bánh sau đó được đặt lên một tấm vỉ tre. Cứ 12 bánh xếp một vỉ. Lần lượt xếp từng vỉ vào nồi để hấp. Khoảng 5 – 6 vỉ/nồi, cách nhau bởi hai thanh gỗ đan chéo nhau. Bánh tổ đem hấp liên tục trong ba giờ thì chín, vớt ra để nguội. Có nơi, người ta rắc mè đã rang chín, làm sạch vỏ lên mặt bánh nhằm trang trí cho đẹp. Cuối cùng, đem bánh ra phơi vài nắng là được. Đối với loại bánh “đạt chuẩn” có thể để đến quá rằm tháng giêng, lúc này bánh đã săn cứng lại, đem nướng hoặc chiên ăn rất thơm ngon.
Lát bánh tổ chiên béo ngậy, thơm lừng mùi đường quê, mùi gừng, mùi nếp hương là món ăn hấp dẫn trong ngày đầu xuân.
Nguồn: SGTT