Phú Yên: Vùng đất của những giá trị lịch sử - văn hóa phong phú và đặc sắc
Phú Yên là một trong các địa phương có nhiều danh thắng, di tích nổi tiếng. Trong đó, huyện Tuy An với sự đa dạng về địa hình, địa mạo và giàu truyền thống yêu nước, đã tạo nên nhiều danh thắng, di tích lịch sử, văn hóa được công nhận cấp quốc gia. Đó là: đầm Ô Loan, địa đạo Gò Thì Thùng, chùa cổ Từ Quang, gành Đá Đĩa, thành An Thổ, mộ và đền thờ Lê Thành Phương.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Phú Yên, thành An Thổ (thôn An Thổ, xã An Dân) được xây dựng vào đầu thập niên 30 của thế kỷ XIX, dưới triều vua Minh Mạng. Đây là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên từ năm 1836 đến năm 1889 và phủ Tuy An từ năm 1899 đến cuối thập niên 30 của thế kỷ XX. Tòa thành có hình vuông, độ dài mỗi cạnh là 300 m. Thành có 4 cửa, gọi là cửa tiền, cửa hậu, cửa hữu, cửa tả, tương ứng với 4 mặt Đông, Tây, Nam. Bắc. Bên ngoài thành có hệ thống hào nước bao bọc. Trung tâm thành là nơi đặt các công sở của bộ máy chính quyền phong kiến đương thời. Thành An Thổ là nơi lưu dấu sự kiện lịch sử quan trọng trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở Phú Yên dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Lê Thành Phương cuối thế kỷ XIX. Đặc biệt, thành An Thổ là nơi sinh ra đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Địa điểm này gắn với tuổi thơ của đồng chí Trần Phú từ năm 1904 đến năm 1907. Bộ VHTT (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã công nhận thành An Thổ là di tích khảo cổ cấp quốc gia. Hướng đến kỷ niệm 400 năm Phú Yên, Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên 2011, tỉnh đang tiến hành trùng tu, tôn tạo, xây dựng nhà lưu niệm tại thành An Thổ với số vốn đầu tư lên đến 15 tỉ đồng. Rồi đây, thành An Thổ sẽ trở thành một điểm đến lịch sử - văn hóa hấp dẫn cho khách tham quan.
Nếu như vụ thảm sát Ngân Sơn - Chí Thạnh ghi dấu tội ác dã man của thực dân Pháp đối với đồng bào yêu nước ngày 7/9/1954 thì địa đạo Gò Thì Thùng ở xã An Xuân là một biểu hiện sáng ngời về tinh thần đấu tranh của quân dân Phú Yên nói chung, quân dân Tuy An nói riêng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được khởi công xây dựng vào ngày 10/5/1964 và hoàn tất vào tháng 8/1965, địa đạo Gò Thì Thùng có chiều dài gần 2km và 10km giao thông hào, tạo thành một mặt trận kiên cố, là cơ sở vững chắc cho bộ đội ta và dân quân du kích địa phương bố phòng đánh địch, đánh tan nhiều cuộc hành quân của địch trong chiến tranh cục bộ, làm nên những chiến công vang dội vào mùa khô năm 1966. Tỉnh Phú Yên đang có kế hoạch xây dựng địa đạo Gò Thì Thùng trở thành điểm đến trong chương trình hướng tới kỷ niệm 400 năm Phú Yên và Năm Du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên 2011, đồng thời, nâng cấp lễ hội đua ngựa truyền thống Gò Thì Thùng lên tầm tỉnh và khu vực.
Từ trung tâm TP Tuy Hòa, đi về hướng Bắc khoảng 20km, là làng Mỹ Phú, xã An Hiệp, nơi có đền thờ Thống soái quân vụ đại thần Lê Thành Phương, người chí sĩ yêu nước dựng cờ Cần Vương. Đền thờ Lê Thành Phương được xây trên một trảng đất cao theo kiến trúc cổ, hướng ra cánh đồng. Năm 1996, mộ và đền thờ ông được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Để tưởng nhớ công lao, khí tiết vị anh hùng dân tộc, hàng năm, cứ vào ngày 28 tháng giêng, chính quyền và nhân dân Phú Yên tổ chức lễ dâng hương và mở hội với nhiều trò chơi dân gian… thu hút đông đảo người tham dự, tưởng vọng. Trong dân gian đã lưu truyền câu ca dao nói về ông:
Ô Loan nước lặng như tờ
Thương người chí sĩ dựng cờ Cần Vương
Trải bao gối đất nằm sương
Một lòng vì nước nêu gương anh hùng
Từ thị trấn huyện lỵ Chí Thạnh ngược ra phía Bắc, đến thôn Cần Lương (xã An Dân), khách du lịch sẽ bắt gặp ngôi chùa cổ mang tên Từ Quang (hay còn gọi là chùa Đá Trắng) nằm trên một ngọn đồi sát đường thiên lý Bắc Nam. Ngoài kiểu kiến trúc mộ táng của các vị hòa thượng, chùa Từ Quang còn chứa đựng nhiều giá trị lịch sử liên quan đến phong trào Cần Vương của Võ Trứ, Trần Cao Vân thế kỷ XIX. Đặc biệt, phía trái chốn cửa thiền, vẫn còn những cây xoài có tuổi đời hàng trăm năm. Theo lời các bậc bô lão trong xã, đây là giống xoài có ruột tím thơm ngon, từng là sản vật dùng để tiến vua ngày trước, góp phần tạo nên diện mạo rất riêng của ngôi chùa Nam Trung bộ này.
Cách Chí Thạnh khoảng 4 km về phía Nam là đầm Ô Loan - nằm trên địa bàn 4 xã An Hải, An Cư, An Hòa, An Hiệp. Từ lâu, đầm Ô Loan được biết đến như một thắng cảnh của Phú Yên bởi sơn thủy hữu tình và sự phong phú của hệ sinh thái nước lợ. Hàng chục năm nay, cuộc thi đua ghe truyền thống diễn ra định kỳ vào sáng mồng 7 tháng giêng âm lịch trên mặt đầm, đã trở thành một lễ hội hoành tráng ngợi ca tình yêu sông nước và mở đầu một mùa đánh bắt mới của người dân quanh vùng.
Trong các di tích lịch sử - văn hóa và danh thắng ở Tuy An, độc đáo nhất chính là gành Đá Đĩa (xã An Ninh Đông). Từ trên cao nhìn xuống, nó trông như một tổ ong khổng lồ nhô ra biển khơi bạc sóng, được cấu tạo bởi những cột đá hình trụ. Từng cột đá được xếp liền khít theo hình trụ lục giác, trụ vuông hoặc khối trụ tròn, giống như những chiếc đĩa đựng thức ăn nằm cạnh nhau. Vì vậy, có tên là gành Đá Đĩa. Theo các nhà địa chất học, hàng chục triệu năm trước, do núi lửa hoạt động, đá bazan nóng chảy từ trong lòng đất sâu phun trào lên, rồi đông cứng lại thành đá. Hết đợt này đến đợt khác, qua bao năm tháng, đá nguội dần và tạo thành thiên cảnh đặc sắc như vậy. Trên thế giới hiện nay, chỉ có một khu vực ở Scotland có cấu tạo địa chất tương tự như gành Đá Đĩa với tên gọi “Con đường của những người khổng lồ”, đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1986.
Ngoài ra, Tuy An còn là “quê hương” của hai loại nhạc cụ, khí cụ đặc biệt của người xưa: đàn đá và kèn đá. Cùng với đó là hệ thống văn hóa vật thể và phi vật thể lâu đời, nhiều lễ hội truyền thống mang nét đặc trưng, những sản vật nổi tiếng như nước mắm Tiên Châu, thịt heo, bánh tráng Hòa Đa, sò huyết Ô Loan...Tất cả những yếu tố ấy hòa quyện tạo nên một nguồn tài nguyên đặc biệt, có ý nghĩa to lớn cho phát triển kinh tế du lịch trong thời gian đến…
Nguồn: Báo Phú Yên